Nguồn cảm hứng tuổi trẻ
Cũng không có gì phải lo lắng về việc 'đi sớm - về sớm'. Hầu hết những ngôi sao hàng đầu thế giới thành danh ở tuổi U nhưng vẫn chơi bóng đến ngoài 30 nếu không gặp chấn thương nặng.
Cuộc sống có những trùng hợp thật thú vị. Gần như cùng một thời điểm, trong khi Yamal ghi bàn và có màn trình diễn để kéo lại 1 điểm cho Barcelona trong trận bán kết lượt đi Champions League thì Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, hai ngôi sao sáng nhất của thế hệ, những thế lực thống trị trên sân cỏ trong phần lớn thế kỷ này, đều bị loại ở bán kết các giải đấu cấp châu lục ở Bắc Mỹ và châu Á.

Cristiano Ronaldo
Chúng ta sẽ dễ dàng bàn về chuyện “tre già, măng mọc”. Từng có những lo lắng về việc không ai vượt qua được những gì mà Messi, Ronaldo đã làm, nhưng ở tuổi 17, Yamal, tiền vệ tấn công người Tây Ban Nha, còn thực hiện xuất sắc hơn 2 tiền bối, nhất là khi Yamal có trận đấu thứ 100 trong màu áo Barcelona, đồng thời bàn thắng đó là pha lập công thứ 22 của Yamal cho đội bóng xứ Catalan từ khi anh ra mắt đội 1 khi 15 tuổi 9 tháng 16 ngày.
Không những vậy, anh còn có tới 33 pha kiến tạo sau 100 trận thi đấu chuyên nghiệp cho Barca. Thực tế, Lionel Messi chỉ có 9 lần ra sân và ghi đúng 1 bàn trước sinh nhật lần thứ 18. Cristiano Ronaldo, ở tuổi 17, cũng mới bắt đầu gây chú ý tại Sporting Lisbon với 19 trận ra sân, 5 bàn thắng và 4 kiến tạo. Một năm sau, Ronaldo gia nhập Manchester United.
Thế nhưng, câu chuyện thật sự cần nói đến không phải là so sánh ngôi sao giữa các thế hệ với nhau. Hãy chú ý đến độ tuổi bắt đầu của những siêu sao ấy. Có xê xích nhưng cũng nằm trong khoảng 17-18 tuổi. Không chỉ có họ, dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu bóng đá quốc tế (CIES) cho thấy từ năm 2020 trở đi, độ tuổi ra mắt đội 1 của các cầu thủ tại châu Âu là 18,6 tuổi.
Trường hợp của Yamal hơi hiếm, nhưng không đến mức lạ khi anh đá trong một đội bóng rất tin dùng cầu thủ trẻ như Barca, nhất là từ lò nhà La Masia. Lúc anh lên tuyển Tây Ban Nha, lại ở thời điểm HLV Fuentes, người từng dẫn dắt các đội U, cầm quân.
Nói cách khác, tài năng trẻ thời nào cũng có, quan trọng vẫn là có người đặt niềm tin và vạch lộ trình phát triển cho họ. Để được vào đội 1 ở tuổi 17, họ phải được chơi bóng chuyên nghiệp thường xuyên ở tuổi 15. Kể cả khi là một tài năng bẩm sinh cũng không có chuyện được đưa thẳng lên đội 1. Quá trình như cũ, chỉ có điểm khởi đầu sớm hơn.
Cũng không có gì phải lo lắng về việc “đi sớm - về sớm”. Hầu hết những ngôi sao hàng đầu thế giới thành danh ở tuổi U nhưng vẫn chơi bóng đến ngoài 30 nếu không gặp chấn thương nặng.
Nguồn cảm hứng tuổi trẻ đó là điều mà bóng đá Việt Nam còn thiếu. Dù biết rất rõ tầm quan trọng của bóng đá trẻ nhưng hiện nay chúng ta gần như không có “đường băng” dành riêng cho họ. Các CLB chuyên nghiệp không có chỗ cho các cầu thủ U21, trong khi hệ thống thi đấu tuổi U vẫn bị giới hạn về số lượng trận đấu trong năm.
Cầu thủ Việt Nam đến 18 tuổi mới chính thức kết thúc khâu đào đạo nhưng kể cả có “ra trường” sớm hơn thì cũng không biết làm sao để được chơi bóng chuyên nghiệp thường xuyên.
Các ngôi sao hàng đầu thế giới tỏa sáng từ độ tuổi 17-18 và có thể duy trì sự nghiệp đỉnh cao đến ngoài 30 tuổi, càng cho thấy tầm quan trọng của một lộ trình mang tính chiến lược, nhất là khâu thi đấu cho cầu thủ trẻ. Đừng để phải đợi đến 23 tuổi mới được công nhận tài năng và “về vườn” khi chỉ mới tuổi 30.