Người yêu kiểu 'bị động tấn công' đáng sợ thế nào?

Có nổi cáu với anh ta cũng vô ích vì thái độ anh ta lúc nào cũng đứng đắn, mặt tỏ ra vô hại, chẳng khác nào cô bạn thân nổi cơn tam bành của tôi mới là người xấu.

Bị động tấn công

Tiêu chuẩn chọn người yêu của rất nhiều người đều có mục “tính khí tốt”. “Tính khí tốt” tức là không nổi cáu, không tức giận, cho dù bạn đang nổi giận đùng đùng đi chăng nữa thì đối phương cũng có thể bình tĩnh ôn hòa được. Nghe thì có vẻ như đây là một phẩm chất không tồi, nhưng người có tính khí tốt thực sự không có sức tấn công ư? Không nổi cáu với bạn có nghĩa là anh ta không giận dữ ư?

Chồng của bạn thân tôi chính là một người có tính khí tốt điển hình, lúc yêu đương thì chưa bao giờ sưng xỉa mặt mày, cũng bởi vì ưu điểm hiếm có này mà bạn tôi mới không màng tất cả mà lấy anh ta. Sau khi kết hôn chồng cô ấy vẫn như vậy, nhưng bạn tôi lại than phiền mỗi lúc một nhiều hơn: “Tớ trách anh ấy chỉ chăm chăm chơi game mà không làm việc nhà, anh ấy nhận lỗi nhanh lắm nhưng không sửa đổi gì. Mấy hôm trước tớ ngủ say rồi anh ấy lại dậy chơi game. Tớ bảo đi rửa bát thì cũng đi, nhưng anh ấy dọn bếp xong còn bừa bãi hơn lúc đầu nữa...”

 Ảnh minh họa. Nguồn: IStock.

Ảnh minh họa. Nguồn: IStock.

Những sai sót nhỏ đại loại như vậy liên tục xuất hiện ở chồng cô ấy, những chuyện đã hứa hẹn có lúc anh ta quên làm, có lúc thì lề mà lề mề, cho dù là chuyện cỏn con đơn giản đến đâu thì dường như anh ta cũng dễ dàng làm hỏng được. Có nổi cáu với anh ta cũng vô ích vì thái độ anh ta lúc nào cũng đứng đắn, mặt tỏ ra vô hại, chẳng khác nào cô bạn thân nổi cơn tam bành của tôi mới là người xấu, lúc nào cũng bám nhai lấy để thể hiện cơn giận dữ của mình.

Những chuyện cỏn con khiến bạn tôi phải giậm chân kia tích tụ lâu ngày cũng thành chuyện lớn. Chồng cô ấy cũng giận dữ nhưng lại không thể hiện ra ngoài, cứ để mặc cho cơn giận dữ chất đầy trong lòng không cáu giận cũng không quát tháo nhưng vẫn có thể khiến đối phương bị tổn thương, đây chính là bị động tấn công.

Cảm xúc ngầm càng có sức sát thương

Người yêu kiểu bị động tấn công sẽ không đối đầu trực diện với bạn, không dùng ngôn ngữ để phản kích lại hay làm tổn thương bạn khi bạn đang nổi cáu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự không biết giận, họ chỉ đang dùng cách đi đường vòng để bày tỏ sự giận dữ của mình mà thôi.

Chồng của bạn tôi ngoài miệng đồng ý không chơi game nữa, nhìn thì tưởng như đã “nghe theo” và “thỏa hiệp”, nhưng nhân lúc cô ấy ngủ say lại lén lút dậy chơi, trên thực tế anh ta đang dùng hành động để phản kháng trong im lặng; ngay cả những lời hẹn mà anh ta luôn “chẳng may” quên mất hoặc ngó lơ kia đều là cách anh ta đang bị động bày tỏ: Tôi không muốn làm như thế. Nói đơn giản thì, người yêu kiểu bị động tấn công sẽ không xung đột trực tiếp với bạn nhưng vẫn có thái độ, nhất định sẽ phản kích, cho dù là dùng cách bị động đi chăng nữa thì vẫn có thể chọc tức bạn.

Kể cả có người tính khí tốt thực sự, nhưng một người đàn ông sống trong cuộc hôn nhân bị hạn chế đủ mọi thứ, liên tục bị yêu cầu thế này thế kia thì có bao nhiêu người cam tâm tình nguyện chấp nhận những quy tắc này cơ chứ? Anh ta đã tiếp nhận bao nhiêu cảm xúc giận dữ như vậy thì phải ôn hòa nhã nhặn thế nào mới có thể hoàn thành được những việc mà trước đây, ví dụ như giáo viên và người lớn có vị thế mạnh đối phương giao phó? Vì không muốn nội tâm mất cân bằng mà anh ta đã tìm được cách giải tỏa của riêng mình. Bạn tôi không thể hiểu nổi: “Nếu có ý kiến thì anh ta có thể nói thẳng với tớ mà! Cho dù là cãi nhau với tớ cũng được, đằng này lại dùng cách này để đối phó với tớ chứ?”

Người thuộc kiểu bị động tấn công thực ra sẽ không áp dụng một cách cho tất cả các đối tượng - họ sẽ lựa chọn đối phương bị động tấn công -mà thường là những người có ham muốn kiểm soát cao, hoặc có vai trò mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ đôi bên. Bởi vì kiểu tương tác với mẫu người này khiến họ cảm thấy thân thuộc, vô ý rập khuôn kinh nghiệm mẽ hồi xưa. Người thuộc kiểu bị động tấn công có địa vị yếu trong mối quan hệ đôi bên, do vậy sau khi tiếp nhận những cơn giận dữ và chỉ trích họ không phản kháng lại, nhưng một khi cảm xúc bị đánh thức họ sẽ buộc phải tìm được chỗ để xả.

Hồi tiểu học có bạn học thường xuyên không nộp bài tập đúng hạn, giáo viên từng giữ bạn ấy lại một mình trong văn phòng để làm bài tập, kết quả khiến giáo viên còn bực mình hơn. Bởi bạn học này viết bài vô cùng chậm chạp, viết tới lúc bảo vệ đi kiểm tra mà vẫn chưa xong, nhưng bạn học này luôn bày tỏ: “Viết chậm không phải lỗi của em”, mặc dù tức giận nhưng giáo viên cũng không phê bình trách móc gì được.

Nhớ lại thì mới thấy, trẻ nhỏ đã học được cách bị động tấn công ngay từ thời điểm ấy. Không thể chống lại quy tắc, nhưng cũng không dám cãi lời thầy cô, thế là cứ lề mà lề mề, lại chọc giận thầy cô. Cách này đạt hiệu quả liên tục, người thuộc kiểu bị động tấn công “thu lợi” từ trong đó, bởi họ đã thực hiện được mục tiêu của mình, đó là tỏ ra giận dữ công kích đối phương, nhưng lại khiến đối phương hoàn toàn bất lực.

Đại Tướng Quân Quách/Bách Việt Books – NXB Phụ Nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-yeu-kieu-bi-dong-tan-cong-dang-so-the-nao-post1520570.html
Zalo