Người xưa xử phạt hành vi 'vi phạm trật tự giao thông' như thế nào?

Hàng trăm năm trước, cha ông ta đã có quan điểm rất rõ ràng về mặt luật pháp đối với hành vi vi phạm 'trật tự giao thông' và 'hạ tầng giao thông'.

Ít ai biết rằng, vào thời kỳ phong kiến, khi mà đất còn rộng, dân còn thưa, đường giao thông còn đơn giản, nhưng pháp luật đã có những quy định điều chỉnh về hoạt động giao thông và những vấn đề có liên quan.

Cây cầu trên đường cái quan, giữa Tuy Hòa và đèo Cả, Phú Yên năm 1898. Ảnh: TL.

Cây cầu trên đường cái quan, giữa Tuy Hòa và đèo Cả, Phú Yên năm 1898. Ảnh: TL.

Xử lý nghiêm khắc hành vi “vi phạm trật tự giao thông”

Đầu tiên là các hành vi khác nhau có nguy cơ gây nguy hại đến cộng đồng khi tham gia giao thông và kèm theo chế tài xử phạt tùy từng mức độ vi phạm.

Trong Quốc triều hình luật (bộ luật Hồng Đức), điều 553 có quy định như sau: “Người vô cớ mà phóng ngựa chạy trong phố phường, đường ngõ trong kinh thành hay là trong đám đông người thì bị xử phạt 60 trượng. Nếu vì thế mà làm bị thương hay chết người thì bị xử tội nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người một bậc; làm bị thương hay chết các súc vật thì phải đền số tiền theo sự mất giá (ví như con vật đáng 10 phần, nay làm chết giá chỉ còn 2 phần thì phải đền giá 8 phần; làm bị thương mất 1 phần thì phải đền giá 1 phần).

Nếu vì việc công hay tư cần phải đi gấp mà phóng ngựa chạy thì không phải tội; vì thế mà làm bị thương hay chết người thì xử theo tội vì lầm lỡ để xảy ra. Nếu vì ngựa sợ hãi lồng lên, không thể ghìm được, để xảy ra việc làm bị thương, chết người thì được xử giảm nhẹ hơn một lầm lỡ hai bậc”.

Bộ Hoàng Việt luật lệ (bộ luật Gia Long) cũng có điều khoản về hành vi “vi phạm trật tự giao thông”. Trong phần Hình luật ở mục Nhân mạng có điều luật quy định về việc “Phóng xe và ngựa sát thương người” như sau:

“Phàm kẻ nào vô cớ phóng xe, ngựa ở nơi phố phường, thị trấn, nhân đó làm người khác bị thương thì giảm 1 bậc so với tội đánh nhau gây thương tích thông thường. Làm chết người thì phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm. Nếu kẻ nào vô cớ phóng xe, ngựa ở nơi thôn quê, ngoài cánh đồng vắng vẻ nhân đó làm người khác bị thương (không làm chết người thì không bị xử tội); làm chết người thì bị phạt đánh 100 trượng.

Các tội đã phạm kể trên đều bị truy thu 10 lạng bạc mai táng phí. Nếu kẻ nào vì công vụ cấp tốc mà phóng nhanh gây sát thương người khác thì xử theo luật “lỡ tay” (theo luật thu tiền chuộc tội cấp cho gia đình người đó)”.

Quy định này còn được giải thích cụ thể, theo đó: “Phố phường là nơi dân cư đông đúc không thể so với nơi hương thôn ngoài cánh đồng, không được vô cớ phóng nhanh xe, ngựa. Kẻ nào nhân phóng nhanh mà làm người khác bị thương thì xử giảm 1 bậc so với tội đánh nhau làm người khác bị thương thông thường, làm chết người thì phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm.

Nếu ở nơi hương thôn hoặc ngoài cánh đồng thì người thưa vắng, không thể so với nơi phố phường chợ búa nguyên không cấm người ta phóng nhanh, cho nên kẻ nào làm người khác bị thương thì không bị xử tội, kẻ nào làm chết người thì bị phạt đánh 100 trượng. Ngoài việc xử tội như trường hợp phóng nhanh nơi phố phường làm chết người ra còn phải truy thu 10 lạng bạc mai táng phí.

Nếu kẻ nào vì công vụ sai phái cấp tốc không thể không phóng xe, ngựa thật nhanh hoặc nơi phố phường chợ búa hoặc ở nơi hương thôn, ngoài cánh đồng nhân phóng nhanh mà sát thương người khác thì đều xử vào tội lỡ tay sát thương người khác, chiểu theo luật “đánh nhau gây sát thương”, theo luật thu tiền chuộc tội cấp cho gia đình người bị hại…”.

Chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục có ghi chép một chuyện về hành vi “vi phạm trật tự giao thông” dẫn đến chết người đã bị xử lý nghiêm khắc. Theo đó, vào một đêm tháng 11 năm Ất Mùi (1835) hoàng tử Miên Phú (tính tình ngang bướng, hay chơi bời) cùng một số thuộc hạ đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Được một lúc thì vị hoàng tử này về trước, nhưng đám thuộc hạ thì vẫn tiếp tục cho ngựa chạy thi.

Một bà lão đi đường tránh không kịp bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết. Được tin báo, vua Minh Mạng lập tức sai triều thần điều tra. Mặc dù không trực tiếp gây ra cái chết của bà lão nhưng Miên Phú bị vua trách mắng nặng nề.

Sau đó, Minh Mạng sai tước hết áo mũ của Miên Phú, cắt hết lương bổng hàng năm, bắt đóng cửa ở trong nhà để tự sửa lỗi, không cho dự vào hàng các hoàng tử, lại còn phải bồi thường 200 lạng bạc cho gia đình người bị chết. Riêng Hoàng Văn Vân bị xử chém sau khi hết hạn tạm giam. Những thuộc hạ khác của Miên Phú có tham gia vào cuộc đua ngựa đều bị đi đày nơi xa, khi đến nơi lưu đày còn bị đánh 100 gậy.

Một phố ngoại ô Hà Nội, phong cảnh hoàn toàn nông thôn, có thể thấy rõ xe đẩy tay bánh gỗ và xe kéo hai bánh là phương tiện giao thông và vận chuyển phổ biến. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Một phố ngoại ô Hà Nội, phong cảnh hoàn toàn nông thôn, có thể thấy rõ xe đẩy tay bánh gỗ và xe kéo hai bánh là phương tiện giao thông và vận chuyển phổ biến. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Xử tội khi để đường sá bị xâm phạm trái phép

Bên cạnh quy định xử lý “vi phạm trật tự giao thông”, pháp luật thời phong kiến còn có các điều luật đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn cho đường sá, cầu cống, tránh để xảy ra các sự việc đáng tiếc cho mọi người khi tham gia giao thông.

Về xử tội khi để cầu cống, đường sá đổ nát, hư hỏng, điều 85 bộ Quốc triều hình luật có nội dung như sau: “Các chủ ty thấy cung điện, cửa thành hư hỏng hay là đường xe vua đi, cầu cống đổ nát mà không tâu trình, khi có chiếu chỉ vua sai sửa chữa mà lại không sửa cho bền chắc thì đều phải biếm một tư và bãi chức; để tổn hại đến xa giá thì xử nặng thêm hai bậc”.

Cũng trong bộ luật này, tại điều 633 quy định: “Ở các phủ, huyện và trấn, những đường sá, cầu cống mà là nơi qua lại xung yếu thì các quan lộ, huyện, trấn phải bắt dân sở tại sửa sang luôn, nếu để hủy hoại làm ngăn trở việc đi lại của quân dân thì bị xử tội biếm hay tội phạt”.

Về xử tội khi để đường sá bị xâm phạm trái phép: Điều 573 bộ Quốc triều hình luật quy định: “Những người làm nhà, mở vườn mà xâm lấn vào đường quan lộ thì bị xử biếm một tư; khai khẩn trồng trọt [lấn chiếm] bị xử phạt 80 trượng và bắt sửa lại đường quan lộ như cũ; nếu làm bẩn thỉu đường quan lộ thì phải phạt 50 roi. Quan chủ ty không ngăn cấm thì bị phạt tiền 10 quan; người phường chính phố trưởng cũng phải phạt đánh roi như thế.

Nếu đào hỏng đường sá, trồng lấn cây tre hay cây, cùng là đắp bờ đặt đó, làm lấp cả khe hay cống, hay ngăn trở việc đi lại thì bị xử phạt 80 trượng; tội nặng thì bị xử biếm; cành tre, cành cây vươn ra đường thì cho chặt lấy”...

Tóm lại, dù ở thời kỳ phong kiến, nhưng các quan hệ xã hội chủ yếu đều có quy phạm pháp luật điều chỉnh, trong đó có lĩnh vực “trật tự giao thông” và “hạ tầng giao thông”. Điều đó chứng tỏ từ hàng trăm năm trước, cha ông ta đã có quan điểm rõ ràng về mặt luật pháp đối với lĩnh vực rất thiết yếu của đời sống xã hội này.

Minh Châu - Thái Dũng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-xua-xu-phat-hanh-vi-vi-pham-trat-tu-giao-thong-nhu-the-nao-post1527008.html
Zalo