Người vợ ở Hà Nội đau đáu vì chồng mất nhiều ngày vẫn chưa thể hạ táng

Hơn 1 tuần chồng qua đời, bà Xoan vẫn chưa thể an lòng bởi đường còn ngập đến gối, chưa thể đưa hài cốt chồng về hạ táng ở nghĩa trang quê nhà.

Đau đáu sau đám tang chồng

Hơn 1 tuần chồng mất vì căn bệnh hiểm nghèo, bà Nguyễn Thị Xoan (62 tuổi) thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn đau đáu, chưa đêm nào ngủ yên giấc bởi còn nỗi lo chưa thể hạ táng cho chồng.

Ngày ông ra đi, con đường vào nhà bà vẫn ngập sâu, việc đi lại vô cùng khó khăn. Được chính quyền thôn hỗ trợ 2 chiếc cano, vượt ngập, gia đình bà mới có thể đưa quan tài ông đến nơi hỏa táng.

Ngày 4/10, đường vào nhà bà Xoan vẫn ngập qua gối.

Ngày 4/10, đường vào nhà bà Xoan vẫn ngập qua gối.

Đến ngày 4/10, đường vào nhà Xoan vẫn ngập qua gối, xe máy khó đi lại. Nghĩa trang vẫn chìm trong biển nước nên dù việc hỏa táng của ông đã xong xuôi, gia đình bà vẫn quyết định gửi tro cốt ở đài hóa thân, nhờ người hương hỏa.

Kể về những ngày đã qua, bà Xoan ứa nước mắt. Chồng bà không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Những ngày ông nằm viện, cả làng nước ngập lưng nhà. Ngoài bà, con cái cố gắng thay nhau đến chăm sóc bố.

Thời gian ở viện, bà tận tụy chăm ông. Nhưng sức khỏe người già không tốt nên bà bị huyết áp cao, phải nhập viện 1 tuần. Nhà neo người mà bố mẹ cùng nằm viện, hai cậu con trai của bà chạy đôn, chạy đáo lo việc.

Lúc bệnh ông trở nặng, bà dù muốn đưa ông về thăm nhà vài ngày nhưng nghĩ đến việc ông phải đi thuyền vào tận nhà trong tình trạng đau ốm nằm liệt, bà đành xin bác sĩ cho ông ở lại qua lúc khó khăn. Biết tình hình sức khỏe không ổn, ông đòi bà cho về thăm nhà lần cuối.

Bà Xoan buồn nhắc chuyện đã qua

Bà Xoan buồn nhắc chuyện đã qua

“Về thăm nhà được đúng 1 hôm thì ông mất, gia đình tôi đau đớn vô cùng. Các con cố gắng lo hậu sự cho bố đàng hoàng nhất có thể nên vẫn thực hiện đủ thủ tục tang lễ. Bình thường đám hiếu làm trong 3 ngày nhưng vì hoàn cảnh, gia đình tôi gói gọn trong 2 ngày. Hàng xóm láng giềng, người thân hỗ trợ nhiệt tình. Đường ngập nhưng nhiều người đến chia buồn với gia đình, chúng tôi rất cảm kích”, bà Xoan nói.

Đến ngày đưa tang, gia đình bà nhờ chính quyền hỗ trợ cano, đưa quan tài ông đến đài hóa thân và gửi tro cốt tại đó cho đến nay.

Bà cho biết, nghĩa trang còn ngập, bà chưa thể đưa ông về. Đó là điều khiến bà Xoan đau đáu, mất ăn mất ngủ nhiều ngày.

“Nghĩa trang còn ngập, các con chưa đưa bố về hạ táng ở quê được nên còn gửi ở nơi hỏa táng. Ngày nào chưa thể đưa ông về, ngày đó tôi còn đau đáu, mất ăn mất ngủ và thương ông ấy”, bà Xoan xúc động và bày tỏ sự cảm kích với hàng xóm, người thân và chính quyền đã hỗ trợ gia đình bà trong lúc khó khăn.

Bần thần vì mất mát quá nhiều

Chưa đầy 2 tháng, thôn Nam Hài đã chịu 2 trận lụt lớn khiến cuộc sống của người dân lao đao. Anh Nguyễn Tất Hải (45 tuổi) - một người dân thôn Nam Hài - cho biết: “Tôi vừa đưa đàn gia cầm tránh lụt tháng trước xuống dưới ao thả được 10 ngày thì lại phải chạy vội khi nghe tin lũ về lần 2.

Đợt lũ này, nhà tôi kiệt sức, tốn kém, mất nhiều của cải. Ao cá hơn 3 mẫu trôi hết sạch. Gần 5 tấn cá của gia đình mất trắng vì ngập, thiệt hại hơn 150 triệu đồng, tôi xót lắm!”.

Rất lâu rồi anh Hải mới có khoảnh khắc thảnh thơi ngồi bên ghế đá

Rất lâu rồi anh Hải mới có khoảnh khắc thảnh thơi ngồi bên ghế đá

May mắn đàn bò anh gửi được trên chỗ cao nên cũng bớt được phần thiệt hại. “Chưa năm nào bà con chịu ảnh hưởng nặng nề như năm nay. Chỉ dọn nhà thôi đã thấy sức cùng lực kiệt”, anh nói.

Nỗi buồn mất của chưa nguôi, 10 ngày trước, mẹ vợ anh lại không may qua đời vì bệnh tim tái phát. Tang lễ tổ chức gấp gáp khi nước vẫn ngập đường đi lối lại. Gia đình nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục đám hiếu trong khoảng thời gian từ chiều hôm trước đến trưa ngày hôm sau.

“Dân làng biết cũng lội nước đến chia buồn cùng gia đình tôi. Vì không dùng được xe tang, gia đình nhờ cano của xã hỗ trợ đưa quan tài mẹ tôi qua vùng lụt, đến đài hóa thân. Đám hiếu ngày thường lo được 10 phần thì chúng tôi cố gắng được 3,4 phần để mẹ an lòng”, anh Hải nói.

“Đến đám 50 ngày của mẹ, chúng tôi sẽ đưa tro cốt mẹ về hạ táng ở nghĩa trang này. Khi mẹ ‘mồ yên mả đẹp’ thì con cháu mới an lòng”, anh vừa nói vừa chỉ tay về hướng nghĩa trang đang chìm trong biển nước.

Khu vực nghĩa trang và nhiều lối vào nhà dân vẫn ngập nước

Khu vực nghĩa trang và nhiều lối vào nhà dân vẫn ngập nước

Suốt thời gian thôn Nam Hài ngập, anh Hải cho biết, ngoài gia đình anh còn có nhiều hộ gia đình có đám giỗ. Tuy nhiên mọi người đều tổ chức gói gọn, làm 2-3 mâm cơm mời anh em ruột thịt trong nhà. Công tác đi lại khó khăn, nhà nào có việc cũng đơn giản mọi thứ cho thật nhanh chóng.

Ngồi trên ghế đá, anh Hải bần thần nhìn ra xa, nơi có ao cá mất trắng trong mùa lũ: “Thật sự hai lần lụt dân làng đã kiệt sức rồi. Vừa dọn bùn, dọn nhà xong được hơn 1 tháng thì lại đón trận lụt thứ 2, sức nào chịu được? Nhưng thiên tai mà, làm sao được. Giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức, lao động kiếm tiền bù đắp lại những mất mát đã qua”, anh chia sẻ.

Ảnh: Thanh Minh, Tú Linh

Tú Linh

Thanh Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-vo-o-ha-noi-dau-dau-vi-chong-mat-nhieu-ngay-van-chua-the-ha-tang-2329140.html
Zalo