Người vợ lý tưởng ở thế kỷ XVIII
Theo tác giả Marilyn Yalom, phu nhân Abigail Adams là hình mẫu lý tưởng của phụ nữ ở thế kỷ XVIII khi bà đã viết thư đòi công bằng cho những người vợ.
Câu chuyện của Abigail Adams, vợ Tổng thống Mỹ thứ hai John Adams, có lẽ là ví dụ nổi tiếng về người vợ đạt đến tầm lý tưởng ở thế kỷ XVIII. Những lá thư quý giá mà bà từng gửi và nhận gợi lên điều đã được người viết tiểu sử về bà, Edith Gelles, gọi là "người vợ, người mẹ, người chị, con gái, người bạn và người yêu nước mẫu mực của nước Mỹ thời kỳ đầu".
Tuy nhiên, câu chuyện cuộc đời bà, dù độc đáo đến đâu, cũng chứa dựng nhiều điểm tương đồng với những người phụ nữ thuộc địa nói chung.
Một trong những nhận xét nồi tiếng nhất của Abigail đề cập đến tương lai của hôn nhân. Khi viết thư cho chồng, lúc đó là thành viên của ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn độc lập năm 1776, Abigail khuyên ông "Nhớ đến phụ nữ" bởi bà đã nghĩ đến mối quan hệ một chiều giữa hai người hôn phối.
Bức thư tiếp tục như thế này: "Đừng đặt sức mạnh vô hạn đó vào tay các ông chồng. Hãy nhớ rằng mọi người Đàn ông đều có thể trở thành bạo cha nếu họ được tạo điều kiện".
Sau đó, bà đề xuất một phương thức tương tác mới trong hôn nhân, trong đó những người đàn ông, chẳng hạn chồng của bà, sẽ "sẵn sàng từ bỏ danh hiệu khắc nghiệt là Ông chủ để thay bằng một danh hiệu âu yếm và trìu mến hơn là Người bạn". Bà kết lại với lời cầu xin chân thành hãy ủng hộ hạnh phúc của phụ nữ: "Hãy coi phụ nữ chúng em như những Tồn tại được Chúa quan phòng, đặt dưới sự bảo vệ của anh và khi phỏng theo Đấng Tối cao, chỉ sử dụng sức mạnh đó cho hạnh phúc của chúng ta mà thôi”.
Mặc dù "hạnh phúc" chưa trở thành tiêu chí chính để đánh giá cuộc sống như trong thời đại chúng ta, nó đã bắt đầu xâm nhập vào từ vựng về sự tự đánh giá, dần lấn át những từ như "sùng đạo" và "đức hạnh". Nó được đưa vào Tuyên ngôn độc lập trong một tuyên bố mang tính cách mạng rằng mọi người đều có quyền “được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc", một quyền nhanh chóng bén rễ trong tâm lý của phụ nữ cũng như của nam giới.
Quan niệm về hạnh phúc của Abigail gắn bó chặt chẽ với niềm tin lâu đời trong Kinh Thánh rằng việc người đàn ông bảo vệ vợ mình đã được Đức Chúa Trời quy định và phản ánh quyền thống trị của Đức Chúa Trời đối với các con chiên của Ngài. Tuy nhiên, điều căn bản là quan niệm cho rằng hạnh phúc của phụ nữ, với tư cách một nhóm riêng biệt, phải được bảo vệ bởi những điều luật trên mảnh đất này. Nếu không có các luật cụ thể hạn chế quyền lực của đàn ông đối với vợ mình, một số người chồng sẽ tiếp tục gây bất hòa trong hôn nhân và gây đau khổ cho phụ nữ mà không bị trừng phạt.
Chắc chắn sự bùng nổ đột ngột của những ý tưởng táo bạo và lỗi hùng biện mang tính kích động của Abigail được lấy cảm hứng từ diễn ngôn cách mạng chung của thời đại này. Phép so sánh tương đồng giữa vua Anh "bạo chúa", mà thần dân Mỹ của ông đang kêu đòi phải cho họ tiếng nói chính trị, với người chồng "bạo chúa" từ lâu đã quen với việc ngược đãi người vợ không có tiếng nói của mình, được thể hiện rõ ràng bằng một câu có tính chất vui đùa: "Nếu không có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt dành cho các quý bà, thì chúng em sẽ quyết tâm gây ra một cuộc Nổi loạn, và sẽ không tuân theo bất kỳ Luật nào mà chúng em không có quyền lên tiếng hoặc Đại diện”.
John trả lời Abigail bằng thái độ kẻ cả và bác bỏ: "Đối với Bộ luật kỳ lạ của em, anh không thể không bật cười”.