Người Việt tiêu tốn 108.000 tỷ đồng mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022 người Việt Nam tiêu tốn số tiền tương đương 1,14% GDP do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Quang cảnh buổi tập huấn.
Ngày 23/4, VESS tổ chức tập huấn một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường. Tại buổi tập huấn, nhiều chuyên gia đưa ý kiến cho rằng tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ; cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam thường bị phản đối với các lập luận như: gánh nặng cho người thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu. Nhưng nhiều bằng chứng đã chỉ ra những lo ngại này không hoàn toàn chính xác. Do đó, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
Thông tin về mục tiêu của buổi tập huấn, ThS. Phạm Văn Long - Giám đốc VESS cho biết: "Buổi tập huấn nhằm phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế thuốc lá với các phản ứng từ thị trường, doanh nghiệp và tình trạng buôn lậu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó nhằm thảo luận tác động của chính sách thuế thuốc lá đối với ngân sách nhà nước, sức khỏe cộng đồng, chi phí y tế và năng suất lao động, từ đó làm rõ vai trò của chính sách này trong phát triển bền vững.
Đây cũng là diễn đàn trao đổi giữa chuyên gia y tế, kinh tế, nhà báo và các bên liên quan nhằm làm rõ vai trò của thuế thuốc lá trong bối cảnh Việt Nam hiện nay".

ThS. BS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá.
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022).
Chia sẻ tại buổi tập huấn, ThS. BS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá, cho biết hơn 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm giảm mức tiêu thụ thuốc lá. Trong đó, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.
Thực hiện chủ trương trên, Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTH thuốc lá đến 2030, đã xây dựng lộ trình tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, đồng thời nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ hoặc phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp.
Nhằm bảo vệ thế hệ trẻ khỏi khói thuốc lá và các ảnh hưởng xã hội, năm 2005, Việt Nam phê chuẩn và thực thi Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó khẳng định biện pháp về giá cả và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2021), sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong và tổng cộng 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.