Người Việt khắp nơi: Tết về tôi càng nhớ quê!

Với nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Tết Nguyên đán không chỉ là thời khắc kết thúc năm cũ mà còn là dịp để hướng về quê hương sau bao năm xa cách.

Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM vào đầu tháng Chạp, nhiều người Việt ở nước ngoài cho biết không khí Tết quê nhà với bữa cơm đoàn viên năm mới và cảnh sum họp, đoàn tụ là điều mà họ nhớ nhất khi nhắc về Tết quê hương.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp và kinh tế ảm đạm ở nhiều nước, cuộc sống nhiều người Việt xa xứ gặp không ít khó khăn. Dù vậy, nhiều người đã lên kế hoạch cho dịp Tết sắp đến, như mua sắm, trang trí nhà cửa, thậm chí chuẩn bị hành lý về quê đón Tết.

Gia đình anh Bình Lê, bang California (Mỹ), chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết 2023. Ảnh: NVCC

Gia đình anh Bình Lê, bang California (Mỹ), chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết 2023. Ảnh: NVCC

Trân trọng và biết ơn một năm 2022 nhiều biến động

Sống trong một năm 2022 nhiều biến động, người Việt khắp nơi cũng trải nghiệm nhiều thách thức. Trong năm 2022, anh Hóa Dương, sống tại TP Melbourne, bang Victoria (Úc) chuyển từ công việc gắn bó thời gian dài sang lĩnh vực mới. Dù thu nhập giảm một nửa nhưng được trải nghiệm công việc mình yêu thích, anh cho rằng điều đó xứng đáng. Cũng trong năm 2022, gia đình anh vui mừng đón thêm thành viên mới.

“Tựu chung, 2022 với tôi là một năm khá chật vật về kinh tế nhưng ổn định trong công việc” - anh Hóa chia sẻ và tổng kết năm 2022 của mình bằng ba cụm từ: thay đổi, học hỏi, và hạnh phúc.

Với chị Diễm Ái, tình nguyện viên tại Pháp, 2022 cũng là một năm nhiều thách thức khi chị chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác.

“2022 với tôi là năm khó khăn nhất trong suốt 24 năm qua. Tôi phải cố gắng hoàn thành chương trình học ở Việt Nam, chuyển sang một đất nước khác, thích nghi với cuộc sống mới” - chị Ái nhớ lại những điều chị đã trải qua.

Chị Nguyễn Diễm Ái - tình nguyện viên tại Pháp. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Diễm Ái - tình nguyện viên tại Pháp. Ảnh: NVCC

Về cảm xúc, chị Ái chia sẻ rằng chuyến đi tình nguyện ở Pháp giúp chị học được nhiều thứ hơn, cải thiện mình theo hướng tốt hơn, biết yêu thương nhiều hơn, và chị cảm thấy công sức mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.

Với nhiều người Việt khác, sau nhiều biến động, năm 2022 là cơ hội để họ đón nhận, trải nghiệm những điều mới mẻ và chào đón những thành công mới. Đó cũng là cảm xúc của anh Thành Luân, du học sinh tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức).

“Tiếp xúc với môi trường văn hóa đa dạng là điều rất mới mẻ với tôi. Nó khiến tôi luôn phải làm mới bản thân và chú ý tới sự khác biệt văn hóa để có thể hòa nhập tốt hơn. Tôi đã có thêm những người bạn Đức và vài người bạn từ Ghana” - anh Luân chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Với chị Hoàng Nguyệt - chuyên viên triển khai phần mềm tại Tokyo (Nhật), 2022 là một năm nhiều đổi mới: “Năm 2022 dù có những vất vả và những lúc thật sự gian nan, tăm tối, nhưng đổi lại, tôi đã tìm được công việc tốt và có người yêu thương. Tôi cảm thấy biết ơn năm qua rất nhiều!”.

Chị Hoàng Nguyệt (hàng trên, bên trái) cùng bạn bè quốc tế trong một buổi họp mặt thưởng thức các món ăn Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chị Hoàng Nguyệt (hàng trên, bên trái) cùng bạn bè quốc tế trong một buổi họp mặt thưởng thức các món ăn Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Tết về tôi càng nhớ quê”

Với nhiều người Việt xa xứ, năm mới càng đến gần, nỗi nhớ quê càng da diết.

“Tôi nhớ quê lắm, nhớ người thân, bà con ở quê, nhớ không khí sum họp. Tôi nhớ không khí Tết ở Việt Nam nữa. Thời tiết dịp Tết bên đây thường không có nắng như quê mình, nhiều tuyết lắm. Tuyết rơi, trời lạnh làm tôi thêm nhớ quê nhà” - chị Phạm Thị Oanh, cô dâu Việt tại tỉnh Gyeongsang Bắc (Hàn Quốc) chia sẻ nỗi nhớ với Pháp Luật TP.HCM.

“Tôi hiếm có dịp gặp bà con đồng hương vào dịp Tết. Nếu có gặp vào những ngày này, chúng tôi sẽ thường chọn một quán ăn Việt để tụ họp” - chị Oanh chia sẻ, và cho biết thêm rằng mỗi dịp Tết chị cùng gia đình về nhà mẹ chồng, sửa soạn thức ăn và cúng tổ tiên.

Cùng cảm xúc, chị Hoàng Trang ở Mỹ cho biết dù đã năm năm kể từ lần cuối chị về Việt Nam nhưng không khí Tết quê nhà, chợ hoa Nguyễn Huệ, khoảnh khắc đón giao thừa, đi chùa lấy lộc đầu năm vẫn luôn hiện rõ trong ký ức chị khi nhắc về Tết Việt.

Chị Phạm Thị Oanh (giữa) trong lần đón ba ruột sang thăm Hàn Quốc vào năm 2019. Ảnh: NVCC

Chị Phạm Thị Oanh (giữa) trong lần đón ba ruột sang thăm Hàn Quốc vào năm 2019. Ảnh: NVCC

Với nhiều người con xa quê khác, Tết đơn giản chỉ là niềm mong mỏi khoảnh khắc đoàn tụ bên gia đình. Đặt chân đến Pháp được bốn tháng, không khí Tết và bữa cơm đầm ấm bên gia đình là điều mà chị Diễm Ái nhớ nhất khi nhắc về Tết quê hương: “Tôi nhớ Tết, nhớ ba má tôi lắm….”.

Gia đình và cảm giác đoàn tụ ngày đầu năm cũng là điều anh Thành Luân cảm thấy xúc động nhất khi nhắc về ngày Tết cổ truyền dân tộc: “Cảm giác anh em đông đủ ngồi cùng nhau rôm rả nói cười, hỏi han chuyện cũ, dự định trong năm mới là những gì tôi nhớ nhất về Tết ở quê nhà. Tết cũng là dịp thăm lại ông bà bởi đây là lúc tôi có nhiều thời gian hơn. Khi ấy, tôi can đảm hơn trong việc nói và gửi những yêu thương tới người thân”.

Tôi nhớ quê lắm, nhớ người thân, bà con ở quê, nhớ không khí sum họp. Tôi nhớ không khí Tết ở Việt Nam nữa. Thời tiết dịp Tết bên đây thường không có nắng như quê mình, nhiều tuyết lắm. Tuyết rơi, trời lạnh làm tôi thêm nhớ quê nhà.

Nhưng, với nhiều người con xa quê, việc gửi những lời yêu thương đến người thân vào dịp Tết là điều không dễ dàng.

“Đối với tôi, điều làm tôi nhớ nhất khi nói về Tết ở Việt Nam chính là gia đình. Tôi thường hạn chế gọi về nhà lúc Tết, vì sẽ rất nhớ nhà, nhớ ba mẹ và ông bà. Tôi thường chọn qua Tết mới gọi về nhà" - anh Hóa chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Anh Thành Luân (hàng dưới, bên phải) cùng bạn bè và cộng đồng người Việt tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức) đón Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: NVCC

Anh Thành Luân (hàng dưới, bên phải) cùng bạn bè và cộng đồng người Việt tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức) đón Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: NVCC

Cùng giữ nét đẹp Tết Việt

Từ đầu tháng Chạp, nhiều người Việt xa xứ đã bắt đầu trang trí nhà cửa, lên kế hoạch đón Tết Quý Mão.

Theo anh Bình Lê - kỹ sư xây dựng sống tại TP Anaheim, bang California (Mỹ), trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, không khí Tết ở bang California không được rõ ràng lắm. Tuy nhiên, từ Tết năm 2022 và lúc này, Tết đã quay trở lại với bang đông người Việt nhất nước Mỹ. Mọi người đi lại đông đúc, không khí Tết gần giống như ở Việt Nam.

Gia đình anh Bình Lê, bang California (Mỹ), chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết 2022. Ảnh: NVCC

Gia đình anh Bình Lê, bang California (Mỹ), chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết 2022. Ảnh: NVCC

“Các chợ Việt Nam ở đây rất giống ở quê, có bánh chưng, bánh tét, mứt, rượu, thậm chí các món quà biếu được gói giống ở Việt Nam. Giá có đắt hơn nhưng hình thức thì không khác. Ở đây, nhiều người cũng chọn đến chùa dịp Giao thừa” - anh Bình Lê chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Gia đình anh Bình Lê trang trí đón Tết Quý Mão 2023. Ảnh: NVCC

Gia đình anh Bình Lê trang trí đón Tết Quý Mão 2023. Ảnh: NVCC

Anh Bình Lê cho hay vào thời điểm này khi đi đến đại lộ Bolsa, TP Westminster (California) sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh các gia đình trang trí hoa mai, hoa đào trước cửa.

“Gia đình tôi cũng trang trí Tết xong xuôi hết rồi. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời bà con tới chơi, mỗi người mang một món đến rồi cùng ăn bữa cơm ngày Tết” - anh rộn ràng chia sẻ.

Cách nơi anh Bình Lê sống hơn 1.500 km, chị Hoàng Trang cho hay không khí Tết ở TP Denver, bang Colorado (Mỹ) những ngày đầu tháng Chạp có phần yên ắng hơn.

Gia đình chị Hoàng Trang dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: NVCC

Gia đình chị Hoàng Trang dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: NVCC

“Không khí Tết các năm trước rất sôi nổi, tầm đầu tháng Chạp ở khu chợ Việt Nam, người ta bắt đầu mang hoa mai, hoa đào bày bán. Năm nay chưa thấy bán buôn nhiều. Tôi nghĩ có thể một phần vì kinh tế, một phần vì năm nay không khí lạnh hơn rất nhiều so với năm ngoái nên chợ Tết có phần vắng hơn” - chị Trang nói.

Riêng mình, chị Trang hồ hởi cho biết chị đã lên kế hoạch rất chi tiết cho những ngày đầu năm. Để mừng việc mẹ chị mới sang Mỹ định cư, vài ngày nữa chị sẽ bay sang California để đắm mình trong không khí Tết nơi nhiều người Việt sinh sống và phần nào mong mẹ đỡ nhớ nhà hơn.

Tại Úc, anh Hóa Dương chia sẻ anh dự định sắm sửa, trang trí thêm tranh ảnh, đèn nháy trong nhà, mua hoa, dọn dẹp nhà cửa. Anh nói dù đi làm cả ngày nhưng anh vẫn muốn mang không khí Tết vào nhà và để giữ nét đẹp Tết Việt.

Chia sẻ về không khí Tết tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức), anh Thành Luân cho biết hội người Việt tại đây thường tổ chức các phiên chợ Tết. Dịp năm mới, chùa Lộc Uyển trong vùng cũng trang trí Tết và tổ chức các hoạt động lễ hội, văn nghệ đón năm mới.

“Tôi sẽ gửi quà bánh, tiền mừng tuổi về cho gia đình và các em nhỏ trong nhà. Về phần mình, tôi chắc chắn sẽ chuẩn bị một mâm cỗ có bánh chưng, thịt gà, giò chả như ở Việt Nam để đón Tết” - anh Luân chia sẻ về việc chuẩn bị cho Tết Quý Mão.

Chợ tại Melbourne, bang Victoria - nơi anh Hóa Dương sinh sống - trang trí Tết 2023. Ảnh: NVCC

Chợ tại Melbourne, bang Victoria - nơi anh Hóa Dương sinh sống - trang trí Tết 2023. Ảnh: NVCC

Tại Tokyo, chị Hoàng Nguyệt cho biết mỗi dịp Tết, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Nhật thường tổ chức các trò chơi dân gian, nấu các món ăn Việt Nam, biểu diễn các tiết mục văn nghệ và chụp ảnh kỷ niệm.

Bên cạnh đó chị Nguyệt cũng có dự định riêng: “Tôi định mời những người bạn Việt Nam và quốc tế của mình đến nhà chơi, nấu những món ăn Việt Nam để quảng bá nét đẹp Tết nước mình đến bạn bè thế giới”.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, nhiều người Việt xa quê mong ước trong năm mới 2023 này thế giới sẽ hòa bình và môi trường sống được được cải thiện để mọi người đều được sum họp, đoàn tụ và có cuộc sống hạnh phúc.

Về ăn Tết quê hương

Năm nay, chị Phạm Thị Oanh lấy chồng và sống tại Hàn Quốc sẽ có lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau tám năm xa quê. Với chị, chuyến về thăm quê lần này rất ý nghĩa.

“Tôi đang rất háo hức trước chuyến về Việt Nam lần này. Lần về này, tôi không mang gì ngoài các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để tặng người thân. Tết năm nay, tôi định đi nhiều nơi. Tôi muốn đi thăm bà con, lối xóm, đi viếng cảnh chùa và dành thật nhiều thời gian để được bên cạnh ba tôi” - chị Oanh nói.

Chị cũng cho biết thêm: “Năm 2022 với tôi là một năm khá nhiều khó khăn khi bệnh dịch vẫn hoành hành và thu nhập của gia đình vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong năm mới, tôi mong mọi người có sức khỏe, công việc được thuận lợi hơn và mọi việc được suôn sẻ hơn”.

Sức khỏe và suôn sẻ trong công việc không chỉ mong ước riêng của chị Oanh mà còn là ước nguyện chung của nhiều người dịp đầu xuân, sau một năm nhiều biến động.

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-viet-khap-noi-tet-ve-toi-cang-nho-que!-post716563.html
Zalo