Người viết câu chuyện cho mật ong Lá Ủ
Tiếp nối truyền thống trên 30 năm nuôi ong của gia đình và áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật mới về nghề nuôi ong lấy mật, Chủ cơ sở mật ong Lá Ủ Trần Thành Tâm (ngụ ấp Thanh Thọ, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) đã phát triển các dòng sản phẩm mật ong đặc trưng và không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm chính của cơ sở hiện nay gồm: mật ong hoa cà phê, mật ong hoa nhãn, nước màu mật ong… Riêng sản phẩm mật ong hoa cà phê đã đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao vào năm 2024.
Chọn nơi khởi nghiệp để xây dựng thương hiệu
Theo anh Tâm, anh khởi nghiệp với nghề nuôi ong mật từ năm 2015, sau đó phát triển thành Cơ sở mật ong Lá Ủ vào năm 2018. Đây là nghề cha mẹ truyền lại nên anh cố gắng theo nghề để tiếp nối truyền thống gia đình và phát triển nghề nuôi ong mật tại địa phương.
“Thương hiệu Lá Ủ được đặt theo khu vực tôi thường đi tìm nguồn ong chúa, bắt đầu gầy dựng trại ong đầu tiên. Tên gọi này gắn liền với địa phương - đây là khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống (khu Lá Ủ ở xã Phú Bình, huyện Tân Phú) và cũng chính là nơi khởi nghiệp nên tôi tâm đắc chọn tên gọi này cho thương hiệu sản phẩm của mình” - anh Tâm nhấn mạnh.
Nhờ những kinh nghiệm và truyền thống từ gia đình với nghề nuôi ong lấy mật, anh Tâm đã mạnh dạn phát triển mô hình, áp dụng kỹ thuật nuôi ong mới, cho năng suất cao. Theo anh Tâm, khó khăn lớn trong quá trình khởi nghiệp với nghề này là tìm đầu ra, thị trường ổn định cho sản phẩm mật ong.
Từ những thùng ong đầu tiên, qua gần 10 năm phát triển nghề nuôi ong mật, hiện các trại ong của anh Tâm nuôi khoảng 500 thùng ong. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ kỹ thuật cho một số người dân trong khu vực nuôi thêm ong lấy mật. Các sản phẩm kinh doanh chủ lực của cơ sở gồm: mật ong hoa cà phê, mật ong hoa nhãn, nước màu mật ong…
Ngoài ra, cơ sở còn dự kiến phát triển thêm các dòng sản phẩm: mật ong hoa chôm chôm, mật ong hoa xuyến chi… Những sản phẩm này anh phân phối chủ yếu cho những đại lý, cửa hàng bán lẻ, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử với sản lượng khoảng 20 tấn/năm.
Anh Tâm cho biết: “Thị trường phân phối, tiêu thụ chính của cơ sở hiện nay là ở thành phố Biên Hòa, thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số địa phương lân cận. Bình quân sản lượng mỗi tháng cơ sở bán ra từ 300-400 lít mật ong, nước màu mật ong. Tôi đang cố gắng mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh, thành trong nước hơn nữa để phát triển và lan tỏa thương hiệu mật ong Lá Ủ”.
Anh TRẦN THÀNH TÂM chia sẻ: “Thời gian tới, tôi mong muốn mở rộng thị trường ra địa phương ở xa hơn, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử vì xu hướng bây giờ người ta mua hàng online rất nhiều nên tôi cũng đang cố gắng phát triển thương hiệu mật ong Lá Ủ để nhiều người biết đến hơn”.
Phát triển các dòng sản phẩm đặc trưng
Theo anh Tâm, để mật ong đạt được chất lượng tốt thì trong quá trình sản xuất phải kiểm soát tốt trại ong, không để ảnh hưởng bởi tạp chất và thuốc kháng sinh vào mật ong nguyên chất. Ngay từ khâu đầu tư, tìm kiếm địa điểm để phát triển các trại ong, anh Tâm quan tâm quản lý chặt chẽ và theo dõi sát sao từng bước, từng khâu trong quá trình từ trại ong đến thành phẩm đóng chai.
Mỗi loại mật ong sẽ thu hoạch theo từng giai đoạn trong năm để thu được sản lượng và chất lượng mật ong tốt nhất với từng loại hoa. Ví dụ như mật ong hoa cà phê sẽ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3, mật ong hoa nhãn sẽ thu từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ trái mùa tùy theo khu vực.
Anh Tâm chia sẻ thêm: “Mỗi loại mật ong sẽ có một hương vị riêng biệt, đặc trưng để đáp ứng được nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng. Đơn cử, mật ong hoa cà phê sẽ có hương thơm đặc trưng của phấn hoa cà phê, sẽ có vị hơi chua nhẹ nhưng vẫn cảm nhận được vị ngọt, thanh mát. Còn với sản phẩm mật ong hoa nhãn thì sẽ cảm nhận được ngay hương thơm ngọt ngào của hoa nhãn và vị sẽ thanh dịu hơn mật từ hoa cà phê”.
Đến nay, sản phẩm mật ong Lá Ủ đã được địa phương hỗ trợ để phát triển các dòng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh kênh thương mại điện tử để có thể quảng bá rộng rãi thương hiệu đến người tiêu dùng.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư, quản lý hệ thống trại ong của cơ sở để đảm bảo chất lượng sản phẩm, anh Tâm còn quan tâm đến phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, trong đó có các kênh quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến.
“Ngoài các kênh phân phối trực tiếp, cơ sở còn đẩy mạnh hình thức bán hàng live stream, lập website để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee…” - anh Tâm cho hay.
Đặc biệt, mới đây, vào tháng 10-2024, anh Tâm đã đoạt giải nhất Hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP lần thứ 2-2024 khi đạt doanh thu live stream bán hàng cao nhất. Qua đó, góp phần lan tỏa, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương nói chung và sản phẩm mật ong Lá Ủ nói riêng… đến với đông đảo người tiêu dùng.