Người về bến cũ
Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.
Ký ức hiện về
Chiều cuối năm 2024, bên biểu tượng con tàu tập kết tại bến Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, bên lề Chương trình Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt ông Nguyễn Thành Hiệp (85 tuổi) và vợ là bà Trần Thúy Dư (79 tuổi). Họ xúc động trong ngày hội ngộ cùng những người bạn từng bước lên tàu rời xa quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc. Ông Hiệp nghẹn ngào: “Từ bến sông này, vận mệnh đất nước và cuộc đời chúng tôi đã thay đổi”.
Ông Hiệp nhớ lại: “Từ Cần Thơ, chúng tôi vượt qua những địa danh quen thuộc như ngã ba Cạnh Ðền, rạch Cái Nước, chợ Chắc Băng để đến bến Sông Ðốc, lần đầu tiên tôi cảm nhận vị mặn của nước biển, nơi mà tôi không ngờ sẽ gắn bó với cuộc đời mình đến thế”. Trên chuyến tàu tập kết, họ rời xa gia đình, quê hương với hành trang là khát vọng học tập để góp phần xây dựng đất nước. Sau ngày thống nhất, ông Hiệp trở lại miền Nam làm giáo viên, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Tại bến Sông Ðốc sầm uất ngày trở bấc (tháng 11/2024), ông Hiệp gặp lại người bạn đồng hành năm xưa - Ðào Quang Từ (85 tuổi), cả hai nghẹn ngào trong niềm vui đoàn tụ. “Chúng tôi chưa từng nghĩ có ngày gặp lại hôm nay”, ông Từ xúc động.
Trong dòng người lên tàu tập kết năm đó, có ông Ðỗ Ngọc Quân, 86 tuổi, nguyên quán tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Ðồng Nai). Từ chiến khu D, ông vượt hàng trăm cây số về Sông Ðốc để lên tàu tập kết.
“Tôi được tổ chức đưa ra Bắc, học tập tại Trung Quốc rồi trở về Hà Nội tiếp tục học đại học. Sau đó, được phân công công tác tại Viện Thiết kế Bộ Thủy lợi, đi tu nghiệp ở Liên Xô. Năm 1976, trở lại miền Nam làm việc ở tỉnh Ðồng Nai. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời tôi là được gặp Bác Hồ. Bác đến thăm chúng tôi khi còn học ở Trung Quốc, nhẹ nhàng khuyên bảo hãy chăm học để cống hiến cho kháng chiến. Lời Bác như kim chỉ nam cho suốt hành trình cách mạng đời tôi”, ông Quân hồi tưởng.
Hòa trong dòng người ấy, cách đây 70 năm, ông Vũ Phát, nguyên cán bộ y tế (hoạt động ở Cà Mau) cũng lên tàu, nhưng được lệnh quay trở lại. “Dẫu trong lòng có chút tiếc nuối, bởi ước mong của tôi là được ra Bắc gặp Bác Hồ. Nhưng dù đi hay ở cũng vinh quang. Tôi quay lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bí mật chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh và Nhân dân ở khu vực Cà Mau”, trở lại bến xưa, ông Phát cũng bùi ngùi.
Theo những dòng ký ức của cựu học sinh miền Nam, chúng tôi nhận ra rằng ngày ấy, bến Sông Ðốc không chỉ là nơi tập kết đưa đoàn người rời miền Nam thực thi Hiệp định Giơnevơ mà còn là nơi khởi đầu của những giấc mơ ẩn chứa niềm tin son sắt.
Bến đổi cuộc đời
Những năm tháng học tập ở miền Bắc đã mở ra cánh cửa tri thức và lý tưởng cách mạng cho thế hệ học sinh miền Nam. Cuộc đời của ông Nguyễn Tường Nuôi (quê huyện Trần Văn Thời) là minh chứng điển hình cho sự trưởng thành ấy.
Xuất thân trong gia đình bần nông, cha mẹ ông phải rứt ruột đưa con mình “đi ở” giữ trâu cho gia đình khấm khá hơn. Lớn lên, dù nhớ nhà da diết, ông cũng không biết ở đâu để tìm về. 15 tuổi, ông trốn cảnh giữ trâu thuê, thoát ly theo kháng chiến và trở thành chiến sĩ hoạt động thông tin liên lạc ở vùng Cà Mau. Chuyến tàu tập kết đã đưa chiến sĩ mồ côi Nguyễn Tường Nuôi đến với nhiều chiến trường ác liệt khắp Ðông Dương: 2 năm ở chiến trường Lào, 3 năm ở miền Ðông, rồi được lệnh sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Dù gian khổ, nhưng với ông Nuôi đó là hạnh phúc của đời lính.
40 năm quân ngũ, dấu chân ông đã in khắp chiến trường 3 nước Ðông Dương. Ngày đất nước thống nhất, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 10 huân chương các loại, Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng, thương binh hạng 2/4. Ðiều ông tự hào đến cuối đời là đã sống trọn vẹn với lý tưởng cách mạng từ những ngày đầu rời bến Sông Ðốc.
Còn với ông Ðỗ Ngọc Quân, chuyến tập kết không chỉ đưa ông ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn dẫn lối ông đến những cơ hội lớn trong cuộc đời: Từ một cán bộ văn phòng ở Chiến khu D, ông trở thành kỹ sư thủy lợi, tu nghiệp ở Liên Xô và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại tỉnh Ðồng Nai sau ngày đất nước thống nhất.
70 năm sau, những cựu học sinh miền Nam như ông Quân, ông Hiệp, ông Từ trở lại bến Sông Ðốc không chỉ để tìm lại ký ức mà còn để gặp gỡ những người bạn đồng hành một thời. Cuộc hội ngộ lần này minh chứng thêm cho tình cảm sâu đậm của thế hệ học sinh miền Nam với quê hương. Dù trải qua bao biến cố, họ vẫn giữ vẹn nguyên tình yêu nước và tinh thần cống hiến.
Bến Sông Ðốc, không chỉ là nơi bắt đầu hành trình của những con người một thời mà còn là điểm tựa cho ký ức, niềm tự hào và sự đoàn kết. Cuộc gặp gỡ đánh dấu 70 năm của những câu chuyện không chỉ là lịch sử mà còn là bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và khát vọng cống hiến của một thế hệ trí thức vàng son. Những nụ cười, giọt nước mắt và câu chuyện đong đầy cảm xúc còn là nguồn động viên thế hệ tiếp nối trong giai đoạn xây dựng đất nước phồn thịnh.
Chị Nguyễn Thúy Loan, hiện cư ngụ Quận 12, TP Hồ Chí Minh, con gái ông Nguyễn Thành Hiệp, chia sẻ: “Mẹ tôi người Hải Phòng, năm 1971 gặp và ưng ba tôi. Chị em tôi khai sinh ở miền Bắc - lứa trẻ giao thoa văn hóa 2 miền Nam - Bắc, giờ tôi mới cảm nhận hết sự thiêng liêng “khi Tổ quốc cần” mà xưa nay ba mẹ kể cho chị em tôi nghe. 50 năm qua, văn hóa Bắc - Nam hội tụ ngay giữa gia đình ấm áp của chúng tôi. Vì thế, chị em tôi luôn quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng cuộc sống sung túc như ba mẹ từng đặt niềm tin”.
Trong ánh nắng ngả vàng trên bãi biển Sông Ðốc, những mái đầu bạc trắng vẫn còn đó sự hăng say của một thời tuổi trẻ. Họ không chỉ tìm lại nhau mà còn trao gửi cho thế hệ sau những giá trị vững bền, như chính dòng sông Ông Ðốc vẫn âm thầm chảy qua năm tháng./.
Phong Phú