Người ươm mầm xanh

Với sự năng động, nhạy bén, anh Nguyễn Văn Bách, thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển mô hình ươm giống trồng cây bí xanh làm giàu cho gia đình. Hơn thế nữa, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, sản xuất tiên tiến đến với người dân địa phương với kỳ vọng tạo vùng chuyên canh nông sản ngắn ngày, mang lại giá trị cao.

Anh Nguyễn Văn Bách hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh cho người dân tại thôn 6 Minh Phú, xã Yên Phú.

Anh Nguyễn Văn Bách hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh cho người dân tại thôn 6 Minh Phú, xã Yên Phú.

“Bách chanh”, “Bách bí”!

Chúng tôi có dịp đến xã Yên Phú (Hàm Yên) vào một buổi sáng đẹp trời sau những ngày bão lũ số 3, vùng đất năng động chuyển mình, xung quanh là tiếng máy cắt cỏ, tiếng làm đất, người dân hối hả phục hồi sản xuất. Những mô hình cây màu đã hình thành khắp các thôn ở Yên Phú. Xe của khách hàng thường xuyên ra vào thu mua cây giống tại vườn ươm của anh Nguyễn Văn Bách, thôn Làng Soi, xã Yên Phú cũng khiến không khí vùng quê trở nên nhộn nhịp.

Người dân tại đây nhắc đến anh Nguyễn Văn Bách với tên gọi quen thuộc Bách “chanh” là một nông dân chính hiệu bởi, anh luôn là người đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Loại cây nào có giá trị kinh tế cao là anh làm. Giờ đây, bà con nhắc đến anh với biệt danh mới Bách “bí” hay với tên gọi hóm hỉnh là “bí Bách!”. Năm 2020, từ hàng trăm cây chanh tứ mùa dần cỗi không cho giá trị cao nữa, anh Bách phá bỏ để chuyển sang trồng bí xanh. Bình quân anh thu 50 tấn bí xanh, thu nhập 500 triệu đồng/năm. Thời gian qua, anh tiếp tục chuyển đổi hình thành vườn ươm bí xanh, phân phối cho bà con tại các xã Yên Phú, Phù Lưu, Minh Dân, Yên Thuận, thị trấn Tân Yên và một số vùng tại tỉnh Hà Giang. Đồng thời hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng năng suất cao.

Phát triển nông sản ngắn ngày cùng 3 “dễ”

Xung quanh vườn chanh tứ mùa là một vườn ươm cây giống rộng, anh Bách đang tranh thủ thời gian để kiểm tra những cây giống, nhặt cỏ, lá cây trong bầu ươm: "Khoảng một tuần thôi là cây sẽ lên chồi đẹp. Giống này giờ bà con chuộng lắm, cây bí xanh trồng ngắn ngày, dễ trồng mà thu nhập cao”.

Thời gian sinh trưởng ngắn, bí xanh sau khi xuống giống 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Thời gian sinh trưởng ngắn, bí xanh sau khi xuống giống 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Sự niềm nở, vui tươi trong cách nói chuyện thật quả đúng với danh xưng anh nông dân năng động, nhiệt huyết mà chúng tôi đã được nghe nhắc đến trước đó. Mời chúng tôi vào nhà, anh Bách cởi mở chia sẻ về cơ duyên với niềm đam mê ươm cây giống bí xanh: “Tôi nhận thấy cây chanh tứ mùa lâu năm của mình đang ngày dần cỗi, năng suất giảm. Có dịp đi vào Nam ra Bắc tôi học hỏi thêm các mô hình, kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tôi thấy tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La là thủ phủ bí xanh, một vùng đất tại miền Trung như Nghệ An xa như vậy nhưng thương lái từ miền Bắc vẫn đến tận nơi để thu mua. Vậy vùng đất quê mình có đường giao thông thuận lợi mà lại không tận dụng thì thật lãng phí. Và ý tưởng tạo một vùng chuyên canh nông sản ngắn ngày có thương hiệu thu hút thương lái đến mua thường xuyên hình thành từ đó”.

Chưa dứt câu chuyện, điện thoại của anh Bách đổ chuông liên hồi bởi những cuộc gọi đến từ các thương lái từ một số tỉnh lân cận và bà con trên địa bàn. Người ta hỏi anh để đặt sản phẩm bí xanh và cây giống cho vụ trồng mới, hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây hiệu quả.

Cây giống chất lượng tốt, mang lại năng suất cao nên được bà con nông dân tin tưởng và giới thiệu nhau đến mua. Chị Phan Thị Phiên, thôn 6 Minh Phú, xã Yên Phú mới nhập giống từ vườn ươm của anh Bách nhận xét: “Đợt bão số 3 vừa qua ngập lụt, vườn bí xanh 500 cây nhà tôi mới trồng bị ngập 1 ngày 1 đêm. Nước rút, giống bí vẫn phát triển đều, chỉ một số cây bị chết, tôi thấy khả năng chống chịu của cây tốt, mà chăm sóc cũng dễ dàng, nhiều thương lái giờ đây đến thôn của tôi thu mua bí xanh nên tôi muốn trồng giống cây này”.

Cây giống bí xanh tại vườn ươm của anh Nguyễn Văn Bách.

Cây giống bí xanh tại vườn ươm của anh Nguyễn Văn Bách.

Ngoài cung cấp cây giống, anh còn nhiệt tình hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây theo hướng an toàn để đạt sản phẩm chất lượng.

Anh Đào Văn Luân, thôn 8 Minh Phú, xã Yên Phú chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng bí xanh từ năm 2023, với 1ha tôi trồng được 2 vụ/năm, giá bán có đợt lên tới 27.000 đồng/kg, bình thường cũng có giá 10.000 - 18.000 đồng/kg. Các thương lái từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc đến thu mua rất nhiều, mỗi năm tôi thu khoảng 200 triệu đồng. Anh Bách cũng thường xuyên hướng dẫn hỗ trợ cách chăm, cách trồng, bón phân ra sao, cách ly thế nào cho sản phẩm an toàn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bón phân. Tôi nhận thấy trồng bí xanh có nhiều lợi thế như trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ, dễ bảo quản sản phẩm. Bí của chúng tôi trồng được thương lái nhận xét có màu xanh đậm, có mùi thơm rất đặc trưng đạt tiêu chuẩn yêu cầu”.

Anh Đặng Văn Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phú cho biết: “Cây giống bí xanh từ vườn ươm của hội viên nông dân Nguyễn Văn Bách được nhiều bà con sử dụng trồng. Hiện nay trên địa bàn xã mô hình trồng bí xanh nhân rộng từ 5 - 7 ha, cho sản lượng 12 - 13 tấn vụ/ha, giá bán ổn định từ 10.000 - 18.000 đồng chưa kể có thời điểm giá cao hơn nữa. Anh Bách cũng luôn cập nhật cho bà con những chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế nông nghiệp, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, hướng dẫn cách sản xuất cây giống nông nghiệp ngắn ngày cho bà con trong xã để cùng học tập”.

Bài, ảnh: Mai Dung

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-uom-mam-xanh-201468.html
Zalo