Người ủng hộ ông Trump công kích 'phó tướng' của bà Harris vì Trung Quốc

Người ủng hộ ông Trump công kích ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ vì ông có nhiều trải nghiệm và hoạt động ở Trung Quốc.

Ngay sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz làm ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, những người ủng hộ ông Donald Trump đã vội vã tìm những lời chỉ trích gay gắt nhất có thể về sự lựa chọn này.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz được chọn làm ứng viên Phó tổng thống của đảng Dân chủ. (Ảnh: TNS)

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz được chọn làm ứng viên Phó tổng thống của đảng Dân chủ. (Ảnh: TNS)

Từ những người đăng bài ẩn danh trên mạng xã hội đến các cựu quan chức của ông Trump và những hãng tin cực hữu, họ đều tập trung vào trải nghiệm sâu rộng của ông Walz tại Trung Quốc.

“Trung Quốc rất vui khi ông Tim Walz là lựa chọn ứng viên phó tổng thống của bà Kamala Harris. Không ai ủng hộ Trung Quốc hơn ông ấy”, Richard Grenell, cựu Giám đốc tình báo quốc gia dưới thời ông Trump trước đây, đăng trên mạng xã hội X.

Ông Gabriel Noronha, cố vấn cho Nhóm hành động Iran tại Bộ Ngoại giao thời ông Trump, đã chia sẻ một câu trích dẫn được cho là của ông Walz vào năm 2019, trong đó kêu gọi "mở rộng các mối quan hệ quân sự" để có "mối quan hệ đối tác vững chắc, lâu dài" với Trung Quốc.

Một bài đăng trên X của tài khoản có tên Leskov Brandonovic cho biết: “Tim Walz từng 'dạy học' ở Trung Quốc vào năm 1989 và cũng có công việc kinh doanh ở đó, cũng là người phản đối chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Thử hỏi sao tôi lại không ngạc nhiên với lựa chọn này?”.

Bài đăng bao gồm tuyên bố năm 2019 của ông Walz rằng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang gây tổn hại cho nông dân Mỹ.

Tài khoản này chỉ có 5.612 người theo dõi, nhưng trong số đó có Donald Trump Jnr và Karoline Leavitt, thư ký báo chí quốc gia trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Theo tờ Minneapolis Star Tribune, sau khi lấy bằng Giáo dục Khoa học Xã hội năm 1989, ông Walz, người bản xứ Nebraska, đã dành khoảng một năm để giảng dạy trung học ở Trung Quốc thông qua chương trình WorldTeach của Đại học Harvard. Ông hiện vẫn có thể nói tiếng Quan Thoại.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với tờ The Hill có trụ sở tại Washington, ông Walz cho biết, "Trung Quốc đang phát triển và đó là lý do tôi đến đó".

Sau khi kết hôn vào năm 1994, ông Walz và vợ thành lập công ty có tên là Educational Travel Adventures. Theo trang web của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, công ty này cung cấp "chuyến đi mùa hè đến Trung Quốc cho học sinh Mỹ".

Ngoài ra, khi Walz là Đại diện Mỹ tại Minnesota từ năm 2007 - 2019, ông đã trở thành thành viên của Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc và từng gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Tây Tạng lưu vong.

Trong một bài đăng trên Twitter năm 2018, ông Walz, hiện 60 tuổi, đã mô tả cuộc gặp gỡ này là "bữa trưa thay đổi cuộc đời", nhấn mạnh trọng tâm của cuộc thảo luận là "sự khiêm tốn, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn". Năm 2018, ông được bầu làm Thống đốc Minnesota, sau đó tái đắc cử vào năm 2022.

Ông Walz sẽ là bạn đồng hành của Phó tổng thống Harris trong cuộc bầu cử Mỹ 2024. (Ảnh: Getty Images)

Ông Walz sẽ là bạn đồng hành của Phó tổng thống Harris trong cuộc bầu cử Mỹ 2024. (Ảnh: Getty Images)

Những ý kiến ủng hộ

Những lời công kích ông Walz diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ, nơi mọi mối liên hệ với Trung Quốc đều được sử dụng như một vũ khí chống lại đối thủ.

Tuy nhiên, Isaac Stone Fish, Giám đốc điều hành của Strategy Risks, một công ty nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Trung Quốc, lưu ý rằng “chính sách và chuẩn mực của Mỹ từng có giai đoạn tích cực thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc".

Ông nói thêm: “Giống như ngày nay có sự đồng thuận của lưỡng đảng về việc giảm sự tiếp xúc của Mỹ với Trung Quốc, thì phần lớn giai đoạn những năm 1990, 2000 và 2010 cũng đã có sự đồng thuận của lưỡng đảng về việc tăng cường quan hệ Mỹ - Trung”.

Theo Denis Simon, cựu Phó hiệu trưởng Đại học Duke Kunshan tại Trung Quốc, kinh nghiệm của ông Walz ở Trung Quốc nên được coi là một “tài sản”.

Ông cho biết: “Ông Walz đã tích lũy những kinh nghiệm thực tế cần thiết để phát triển các kỹ năng như một nhà ngoại giao, nhà đàm phán và đối tác hợp tác”, đồng thời nhấn mạnh lý do ông Walz đến Trung Quốc "không phải vì ông là người theo chủ nghĩa Mao hay người ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Simon nói: "Ông ấy đã tham gia vào loại hình ngoại giao giữa người với người có thể giúp xây dựng cả lòng tin và sự hiểu biết". Kinh nghiệm của ông Walz có thể giúp chính phủ Mỹ "hiểu được suy nghĩ, hành động và ý định của Trung Quốc".

Ngay cả trong tình trạng căng thẳng hiện nay của quan hệ Mỹ - Trung, Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, cho biết Washington vẫn muốn tăng cường trao đổi sinh viên.

“Chúng ta cần những người Mỹ trẻ có được trải nghiệm về Trung Quốc”, ông Burns phát biểu tại Viện Brookings vào tháng 12/2023. “Đối với thế hệ lãnh đạo Mỹ trong tương lai bị tách biệt khỏi Trung Quốc, không có kinh nghiệm ở đó, sẽ không có lợi cho quốc gia”.

Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học của Đại học Columbia và là tác giả của cuốn "Chính sách đối ngoại mới: Vượt ra ngoài chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ", cho biết: "Người Mỹ phải chịu đựng những điều vô nghĩa hoàn toàn về Trung Quốc, tất cả đều được thúc đẩy bởi chính sách đối ngoại""kinh nghiệm trực tiếp của Walz sẽ giúp ông ấy vượt qua những điều vô nghĩa đó".

“Hoàn toàn không có lý do nào để Mỹ và Trung Quốc phải xung đột, đặc biệt là khi sự hợp tác của hai nước có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề toàn cầu. Ông Trump và ông Biden đều đã hiểu sai về Trung Quốc một cách sâu sắc”, ông nói thêm. “Tôi hy vọng bà Harris và ông Waltz sẽ làm tốt hơn”.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-ung-ho-ong-trump-cong-kich-pho-tuong-cua-ba-harris-vi-trung-quoc-ar887895.html
Zalo