Người tu gây tranh đấu, tạo bất hòa là vô trí

Trong các pháp thoại hay giao tiếp hàng ngày, Thế Tôn thường nói lời ái ngữ, phạm âm. Tuy nhiên, một vài trường hợp Ngài nghiêm khắc răn dạy, quở trách nặng nề: 'Các ông là người ngu, si mê, vô trí'.

Phật rầy cũng phải thôi, đi tu rồi mà còn tranh cãi, hơn thua, nói xấu, thậm chí còn đánh nhau thì thật xấu hổ, xô bồ.

“Một thời, Phật trú tại vườn Cù-sư-la, thành Câu-thâm. Bấy giờ, các Tỳ-kheo Câu-thâm thường ưa tranh tụng, phạm các ác hành. Mỗi khi đối diện bàn cãi, hoặc có lúc dùng dao gậy gia hại nhau. Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đến chỗ các Tỳ-kheo kia. Đến nơi đó, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tranh tụng, chớ nói chuyện thị phi, mà nên cùng hòa hợp nhau. Cùng một thầy học, đồng nhất như nước với sữa, tại sao lại tranh tụng?

Bấy giờ các Tỳ-kheo Câu-thâm bạch Thế Tôn rằng:

- Cúi xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự tư duy về lý này. Theo như lỗi lầm này, chúng con tự biết tội của nó.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào, các ngươi vì dòng họ vua mà hành đạo, vì sợ hãi mà hành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Không phải vậy, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Tỳ-kheo, các ngươi há chẳng phải vì muốn lìa sinh tử, cầu đạo vô vi, nên hành đạo đó sao? Song, thân năm uẩn thật không thể bảo toàn.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Thật vậy, bạch Thế Tôn, như lời dạy của Thế Tôn. Chúng con là những thiện gia nam tử xuất gia học đạo là vì lý do cầu đạo vô vi, diệt thân năm uẩn, nên học đạo.

Thế Tôn bảo:

- Các Tỳ-kheo, không nên hành đạo mà lại đi đấu tranh, đấm đá lẫn nhau, gặp mặt nhau là buông lời thị phi, xấu ác với nhau. Các ngươi cần phải thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, cùng theo một thầy, cũng nên thực hành sáu pháp tôn trọng này, cũng nên thực hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên thực hiện việc cúng dường các vị phạm hạnh.

Các Tỳ-kheo đáp rằng:

- Đây là việc của chúng con, không đáng cho Thế Tôn lo lắng việc này.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo Câu-thâm:

- Thế nào, những người ngu, các ngươi không tin những lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các ngươi sẽ tự nhận báo ứng về tà kiến này”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Ba pháp, phẩm 24. Cao tràng, kinh số 8 [trích])

Khi người tu ngày càng đông, Tăng đoàn có người không phải hảo tâm xuất gia thì chắc chắn phiền não sẽ phát sinh. Thời Phật đã có thì thời nay nếu thi thoảng xảy ra tranh đấu, tranh giành giữa người tu với nhau cũng không phải là chuyện lạ. Mỗi người mỗi nghiệp, sự chuyển hóa trong tu tập cũng khác nhau, ai chưa thanh tịnh thì vẫn có nguy cơ phiền não.

Mấu chốt của vấn đề là nương theo giới luật, sống trong lục hòa, thực hành thân từ, khẩu từ và ý từ đối với các vị đồng phạm hạnh. Đây là vấn đề cốt lõi của sinh hoạt Tăng đoàn mà Đức Phật đã dày công răn dạy. Theo giới luật thì vị thượng thủ là cao hạ, thanh tịnh chứ không phải chức cao, quyền lớn. Lục hòa là hiện thực sống chứ không phải khẩu hiệu để hô hào. Thân, khẩu, ý hành từ của mỗi người là điều mà mọi người có thể thấy và cảm được. Nếu người tu không chế tác được những chất liệu này thì không thể hóa giải tranh đấu, bất hòa. Lấy chức quyền để đứng ra hóa giải chuyện bất hòa trong Tăng cũng là điều bất đắc dĩ.

Cái tôi cá nhân càng cao thì bất hòa càng lớn. Chưa vô ngã thì cần thanh tịnh và lục hòa. Tăng-già tuy có thứ bậc tôn ti nhưng thực sự hòa hợp như nước với sữa. Thành ra, song hành với các hình thái tổ chức cho phù hợp xã hội thì Tăng đoàn cần trở về những giá trị cốt lõi mà Đức Phật đã dạy mới có thể chuyển hóa xung đột, tranh đấu và bất hòa.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nguoi-tu-gay-tranh-dau-tao-bat-hoa-la-vo-tri-post75540.html
Zalo