Người 'truyền lửa' tình yêu âm nhạc dân tộc
Người đàn ông mái đầu bạc, cặp kính lão quen thuộc trên nhiều sân khấu chính là ông Hà Hữu Lại, 72 tuổi, ở tổ 15, phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn. Với cây đàn tính trong tay, ngọn lửa đam mê nghệ thuật dân tộc trong ông vẫn rực cháy qua năm tháng.
Cơ duyên từ được tặng đàn tính
Ông Lại cho biết, từ nhỏ đã được nghe hát then, đàn tính qua đài cát-sét, loa phát thanh. Mỗi lần lắng nghe làn điệu then, đàn tính lại như mạch nước ngầm ngấm dần vào tâm hồn, nhưng ông chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với loại hình nghệ thuật này. Cơ duyênđể gắn bó với môn nghệ thuật dân tộc này bắt đầu khi ông vinh dự được tham dự Liên hoan các Làng văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn, đơn vị thành phố đạt giải Nhất và được tặng cây đàn tính. Ông đã mày mò, nghiên cứu để học đàn bởi biết hát then không chưa đủ, phải biết đàn mới thỏa đam mê.
Sau một năm luyện tập, ông Lại đã có thể đàn, hát nhiều bài và tham gia biểu diễn tại sân khấu của tổ chức Hội ông tham gia. Sau khi biểu diễn, ông đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, tiếp thêm “ngọn lửa” để ông tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của bản thân, cũng như cố gắng đưa hát then, đàn tính đến gần hơn với người dân.
Ông Hà Hữu Lại chia sẻ: "Càng đam mê thì cần có trách nhiệm gìn giữ. Vì vậy, chỉ cần mọi người thích nghe tôi hát, tôi đều sẵn sàng biểu diễn, nếu mọi người có nhu cầu học tôi cũng sẽ nhiệt tình chỉ dạy. Tôi chỉ mong góp sức để lan tỏa hát then, đàn tính đến với nhiều người, nhất là thế hệ trẻ khi hội nhập giữa nhiều văn hóa".
Với tâm niệm gìn giữ văn hóa dân tộc, đầu năm 2024 ông Lại đã phối hợp với nhiều đoàn thể trên địa bàn thành phố mở lớp dạy hát then, đàn tính miễn phí. Không ngại ngày cuối tuần hay buổi tối, ông Lại luôn có mặt đúng giờ, tận tâm dạy học viên từ cách gảy đàn, luyến láy, cho đến cách hiểu nội dung bài hát. Đến nay, ông đã truyền dạy hát then, đàn tính cho hơn 30 học viên, nhiều người đã thành thạo hát, đàn nhiều bài hát và tự tin biểu diễn trên sân khấu.
Truyền “lửa” cho thế hệ trẻ
Có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) vào một chiều thứ 6, tiếng người thầy “già” đầm ấm chỉ dạy học trò nhỏ những nốt nhạc cơ bản từ đàn tính, hát then với làn điệu “Cây đàn tính” vang một góc trường.
Để giáo dục học sinh nhiều kỹ năng, bảo tồn văn hóa dân tộc địa phương và giáo dục truyền thống tự hào văn hóa cho học sinh, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đã mời nghệ nhân Hà Hữu Lại truyền dạy cho các thành viên câu lạc bộ nghệ thuật môn hát then, đàn tính. Tuy mới bắt đầu học được ít buổi nhưng học sinh rất thích thú, tích cực luyện tập, nhiều em đã biết gảy nhạc và hát tương đối tốt.
Em Hoàng Quang Minh, lớp 4A3 chia sẻ: "Em thấy mình có năng khiếu ca hát nên đã tham gia vào câu lạc bộ nghệ thuật của trường. Khi nhà trường mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính, em đăng ký tham gia vì yêu thích các làn điệu then, đàn tính. Qua hát then, đàn tính đã giúp em hiểu và thêm yêu hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc".
Chập chững gảy đàn những nốt đồ, rê, mí, pha, son... dù rất khó khăn nhưng trên gương mặt em Triệu Bảo Châu, lớp 4A1 lại thường trực nụ cười. Em chia sẻ: "Em đã học được bài “Cây đàn tính” do bác Lại dạy. Bác dạy nhiệt tình, dễ hiểu, ban đầu học em hay quên bác chỉ dạy tận tình. Em thấy đi học rất vui. Em muốn mình học được nhiều bài hát then, đàn tính để tham gia văn nghệ, biểu diễn cho các bạn xem".
Hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật hát then, đàn tính, bằng niềm đam mê ông Lại đã trở thành “người truyền lửa” lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát then, đàn tính đến với nhiều người. Những giai điệu mượt mà ấy không chỉ làm giàu thêm đời sống tinh thần, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy lời then, tiếng tính của quê hương mãi trường tồn trong đời sống hiện đại ngày nay./.