Người trở về từ lửa đạn

Qua gặp gỡ và tìm hiểu, chúng tôi cảm nhận ông Dương Mạnh Việt là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nghĩa tình với đồng đội.

Ở tuổi 75, khi mái tóc đã ngả màu sương và thời gian in hằn lên từng nếp nhăn, cựu chiến binh Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên, vẫn giữ phong thái nhanh nhẹn, minh mẫn, dáng vẻ rắn rỏi và nguồn năng lượng dồi dào. Chúng tôi cảm nhận rõ ở người chiến sĩ cộng sản kiên trung này có một tấm lòng rất nghĩa tình với đồng đội và nhiệt huyết với công tác hội.

Năm 1969, khi đang là sinh viên Trường Trung cấp Địa chất, ông Việt nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị chiến đấu C62, Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, thuộc Bộ Tư lệnh 959. Rồi ông cùng đồng đội nhận mệnh lệnh từ cấp trên: "Các đồng chí làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào".

Trên đất Lào, ông Việt tham gia nhiều trận chiến ác liệt, trong đó, trận chống càn ở Pha Thí, tỉnh Hủa Phăn, là một ký ức không bao giờ phai trong ông. Pha Thí - ngọn núi cao 1.700m so với mặt nước biển, được Mỹ coi là trọng điểm chiến lược, nơi họ muốn xây dựng một trung tâm chỉ huy và trạm ra đa, dẫn đường cho máy bay từ Thái Lan ném bom xuống toàn bộ Đông Dương. Biết rõ âm mưu của kẻ thù, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Quân giải phóng nhân dân Lào đã kiên cường chiến đấu, quyết tâm bảo vệ ngọn núi này.

Ngoài trận chống càn Pha Thí, ông còn cùng đồng đội tham gia các trận Tòng Khọ, Pa Kha, góp phần giải phóng tỉnh Sầm Nưa. Là chiến sĩ có trình độ văn hóa, ông được cử làm liên lạc cho Đại đội trưởng xử lý tài liệu, bản đồ, đi trinh sát, lập kế hoạch chiến đấu. Sau đó, ông trở thành Trung đội trưởng xuất sắc, lập nhiều chiến công trong các trận đánh.

Trong những ngày chiến đấu trên đất bạn Lào, nhiều lần trên chiến hào, ông Việt và đồng đội bị địch bao vây. Ông và đồng đội đã lấy đất ở hố bom, lá cây vùi lên người, nằm im chờ trời tối để tìm đường thoát khỏi vòng vây của địch. Rồi những giờ phút chiến đấu quả cảm giữa mưa bom bão đạn, ông và đồng đội phải đối mặt với sự sống và cái chết, sự hiểm nguy luôn thường trực. Tuy nhiên, tình đồng chí, tình quốc tế hữu nghị, tinh thần chiến đấu vì hòa bình đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, dù có nhiều đồng đội đã ngã xuống trên đất bạn Lào.

Tháng 6-1972, ông được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân. Tháng 8-1973, ông trở về đơn vị và được cử làm Đội trưởng đội quy tập hài cốt liệt sĩ tại các chiến trường ở Lào, đưa họ về quê hương. Đối với những người lính như ông, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà là lời hứa trọn vẹn với những đồng đội đã ngã xuống.

Nhìn vào danh sách liệt sĩ chờ quy tập, ông lặng đi. Những cái tên xếp hàng ngay ngắn trên trang giấy, không còn là những dòng chữ vô tri - mà là từng gương mặt, từng giọng nói, từng kỷ niệm ùa về trong tâm trí. Mỗi cái tên là một người bạn, một người anh em đã từng cùng ông chia sẻ mẩu lương khô, ngụm nước suối, hay một chỗ tựa lưng giữa rừng sâu.

Có những người đã được tìm thấy, có người vẫn nằm lại đâu đó giữa đại ngàn bên nước bạn, không bia mộ, không người thân biết đến. “Phải đưa các cậu về…” - ông thì thầm như tự nhắc mình.

Cuộc hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ không đơn giản chỉ là công việc nặng nhọc, vất vả mà còn là một hành trình đầy cảm xúc. Ông phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc bảo vệ các khu mộ khỏi sự xâm phạm của kẻ thù cho đến việc lưu giữ ký ức của những người đã ngã xuống. Dưới bàn tay ông, từng chiếc xương được thu thập cẩn thận, đánh dấu tên tuổi, quê quán và cấp bậc, để mỗi liệt sĩ không bị lãng quên.

Gần một năm dẫn dắt, ông cùng đồng đội đã đưa 1.800 bộ hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa) và 450 hài cốt liệt sĩ với đầy đủ danh tính được đưa về nghĩa trang Anh Sơn (Nghệ An). Ông còn cẩn thận ghi chép lại danh tính, quê quán của 72 liệt sĩ quê ở tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn) để có điều kiện sau này tìm lại.

Đến cuối năm 1974, ông Việt và đồng đội được lệnh quay về Việt Nam để tham gia giải phóng miền Nam. Những đoàn quân nối đuôi nhau về quê hương, trong ánh mắt của người dân Lào vấn vương niềm cảm kích và tình cảm nồng ấm, sự biết ơn. Sau đó, ông Việt có quyết định về Sư đoàn 316, đóng quân ở Tân Kỳ, Nghệ An.

Ngày 9/1/1975, đoàn xe chở bộ đội, súng pháo của Sư đoàn 316 xuất phát từ Tân Kỳ, Nghệ An rồi bí mật áp sát Buôn Ma Thuột chờ lệnh ra đòn sấm sét. Ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ngày 10/3/1975, Sư đoàn 316 chia làm các hướng đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến ngày 18/3/1975, toàn bộ Buôn Ma Thuột được giải phóng.

Chiến dịch Tây Nguyên thành công lớn, quân đội Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy về duyên hải miền Trung. Ngày 26/3/1975, Sư đoàn 316 và các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam tại Tây Nguyên tập hợp lại, thành lập Quân đoàn 3, tạo thành “quả đấm thép” gấp rút hướng về Nam Trung bộ...

Sau chiến tranh, mang trong mình tỷ lệ thương tật 61%, năm 1977, ông Việt được chuyển ngành về công tác tại Sở Thương nghiệp tỉnh Bắc Thái (nay là Sở Công Thương), rồi làm việc tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Thái và nghỉ hưu năm 1994.

Năm 1995, ông tham gia vào đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ, giúp các đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quy tập được hàng nghìn mộ liệt sĩ (từ năm 1995 đến 2024).

Hiện, ông là Trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên, tham gia Hội hữu nghị Việt - Lào. Ở tuổi 75, nhưng vào mùa khô, ông vẫn cùng các đội quy tập hài cốt liệt sĩ vượt núi đá tai mèo, dưới thời tiết giá rét, sang Lào tìm kiếm mộ đồng đội. Lần nào đi cũng tìm được mộ liệt sĩ nên bộ đội ta và Lào rất yêu quý, tin tưởng ông. Hiện, ông đã tập hợp thành 2 quyển danh sách 5.000 hồ sơ liệt sĩ mà ông cùng đơn vị đã quy tập.

Trở về cuộc sống thường ngày, ông sinh sống cùng gia đình tại xã Tân Thái (Đại Từ). Ông luôn gương mẫu và động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời tích cực tham gia công tác hội.

Mỗi dịp cả nước tưng bừng chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam (30-4), ông Việt lại mang những tấm huân, huy chương cũ ra lau, không phải để khoe, mà để nhớ. Nhớ những đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, nhớ một thời trai trẻ gắn liền với khói lửa chiến trường. Những tấm huân, huy chương đã bạc màu theo năm tháng, nhưng với ông, nó vẫn là thứ ánh sáng lặng lẽ soi vào ký ức - nơi có những khuôn mặt trẻ mãi không già.

Chặng đường dài mà ông Việt đã đi qua không chỉ là hành trình của một người lính, mà còn là hành trình của một trái tim kiên cường, yêu nước. Những vết thương mà ông mang trên cơ thể không chỉ là dấu ấn của chiến tranh, mà còn là minh chứng cho sự hy sinh cao cả của những người lính, cho lòng trung thành với đất nước và tình hữu nghị quốc tế Việt Nam - Lào. Những ký ức ấy, những chiến công ấy, sẽ mãi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202504/nguoi-tro-ve-tu-lua-dan-57021d6/
Zalo