Người trẻ ứng dụng công nghệ vì cộng đồng

Nhiều tấm gương thanh niên chỉ là những người giỏi công nghệ mà còn là những người tiên phong sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, sản phẩm phục vụ cộng đồng.

Tiến sĩ trẻ và những nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng

Với mong muốn mang tới các giải pháp y tế số thông minh, chi phí thấp, mở ra khả năng tiếp cận ở quy mô lớn nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, TS. Phạm Huy Hiệu, giảng viên Trường đại học VinUni cùng các cộng sự đã dành tâm huyết cho các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế và anh cũng là một trong những nhà khoa học tiêu biểu được vinh dự nhận danh hiệu Gương mặt trẻ Thủ đô trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Phạm Huy Hiệu hiện đang là giảng viên, Giám đốc nghiên cứu khoa học tại trường Đại học VinUni. Trong hành trình nghiên cứu của mình, anh và các cộng sự đã thực hiện rất nhiều công trình khoa học mang lại giá trị cho cộng đồng. Trong số đó, có hai công trình về lĩnh vực y tế được đánh giá cao là: “Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo” giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y và “Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt”.

TS. Phạm Huy Hiệu cho biết: "Chúng ta cần có hiểu biết căn bản về các bệnh lý cũng như các bài toán trong thực tế thì mới có thể giải quyết bài toán y tế bằng công nghệ số, bằng công nghệ tự động. Tôi cùng GS. Đỗ Ngọc Minh và các đồng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã hình thành một ý tưởng phát triển giải pháp di động có khả năng tự thu thập dữ liệu y tế cá nhân, phân tích chúng và đưa ra những khuyến cáo về y khoa để mọi người có thể tự chăm sóc sức khỏe của mình".

Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, nhất là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam trong đó có ung thư.

Đáng chú ý, giải pháp này hiện đã được triển khai ở hơn 40 bệnh viện trong nước và ứng dụng ở hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng, được các bác sĩ đánh giá là giúp giảm sai sót và hỗ trợ sàng lọc.

PGS.TS. Lâm Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ướng Quân đội 108 cho biết: "Giải pháp Bệnh viện 108 phối hợp với Vingroup là một giải pháp hết sức có hiệu quả và khi đưa vào ứng dụng sẽ đem lại hiệu quả đối với bệnh viện cũng như đối với bệnh nhân ngay lập tức".

Cùng với đó trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Huy Hiệu sẽ tiếp tục đưa ra nhiều dự án hướng tới theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt bằng các ứng dụng AI để phân tích dữ liệu từ sức khỏe của các cá nhân.

Bác sĩ trẻ và phần mềm nuôi con bằng sữa mẹ

Không chỉ giỏi chuyên môn, trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn giúp rút ngắn quy trình và tạo thuận lợi trong công việc được cho là những yếu tố cần thiết. Và câu chuyện về phần mềm hỗ trợ công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và nuôi con bằng sữa mẹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm trên nền tảng AppSheet của bác sĩ Lê Quang Minh - 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu Thủ đô năm 2024 là một ví dụ.

Ngay sau khi trở về phòng sau sinh, chị Lê Thị Liên (xã Đa Tốn, Gia Lâm) đã vô cùng vui mừng và xúc động khi được xem lại những hình ảnh thời khắc thiêng liêng gặp mặt của hai mẹ con. Tất cả những hình ảnh này đã được lưu lại trên phần mềm hỗ trợ công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và nuôi con bằng sữa mẹ được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm trên nền tảng AppSheet.

Chị Liên chia sẻ: "Nhìn lại những hình ảnh được các bác sĩ lưu lại trên app mình cảm thấy rất vui, hạnh phúc và khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã được ghi lại. Sau này con lớn lên cũng được nhìn thấy".

Còn với các nhân viên y tế, nếu như trước đây, mỗi trường hợp một sản phụ sau sinh họ sẽ phải ghi sổ tay các thông tin cụ thể, sau đó tổng hợp lại và đưa lên dữ liệu, thì từ khi áp dụng phần mềm này, quy trình đã rút gọn và chính xác hơn rất nhiều.

Xuất phát từ những bất cập khi thực hiện thủ công trong việc quản lý sản phụ, bác sĩ Lê Quang Minh đã tự mình mày mò và triển khai ý tưởng xây dựng một hệ thống app giúp lưu giữ kiểm soát từng thông tin, quy trình của mọi sản phụ và trẻ sơ sinh, đặc biệt hơn là những hình ảnh da kề da của mẹ và bé cũng được lưu trữ lại cho từng gia đình.

Bác sĩ Lê Quang Minh - khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm cho biết, đây là ứng dụng anh đã ấp ủ từ rất lâu rồi, bởi vì khi làm công tác quản lý về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, anh thấy rằng có rất nhiều bất cập từ quy trình làm việc. Vì vậy, anh đã nảy ra sáng kiến này để tăng hiệu suất làm việc của nhân viên, cũng như kiểm soát tốt hơn quy trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh".

Với sáng kiến này cùng nhiều những thành tích khác, bác sĩ Lê Quang Minh đã vinh dự là 1 trong 10 Gương mặt tiêu biểu Thủ đô năm 2024.

Người tiên phong trong phục dựng ảnh bằng AI

Trong ký ức đậm sâu của rất nhiều người thân, những hình ảnh các liệt sĩ là một dấu ấn không thể phai mờ. Nhưng theo thời gian, nhiều bức ảnh các liệt sĩ để lại đã trở nên xuống cấp, nhuốm màu thời gian. Để tôn vinh những người đã hi sinh vì tổ quốc, nhóm "Màu hoa đỏ" cùng với dự án đưa công nghệ AI hỗ trợ phục dựng ảnh là một trong những người tiên phong với ý tưởng phục dựng ảnh và trao tặng ảnh liệt sĩ trên khắp mọi miền tổ quốc.

Công cuộc phục dựng ảnh không hề đơn giản, từng bức ảnh thì đều phải qua nhiều bước xử lý từ việc quét lại ảnh gốc, điều chỉnh ánh sáng, màu sắc cho đến việc tái tạo lại các chi tiết khuôn mặt đã bị mờ theo thời gian. Nếu như làm theo phương pháp thủ công, mỗi bức ảnh sẽ mất khoảng từ 3-4 ngày thậm chí là cả tuần để có thể hoàn thành việc phục dựng. Nhưng khi được kết hợp với AI thì việc phụ dựng chỉ mất từ 2-3 tiếng hoặc thậm chí là từ 10-15 phút, giúp tiết kiệm 80% thời gian.

Với phương châm "Chúng tôi mang sứ mệnh tri ân các thế hệ đã ngã xuống", anh Lê Văn Phúc (Trưởng nhóm tình nguyện viên "Màu hoa đỏ") và các thành viên trong nhóm đã cùng nhau trao tặng những bức ảnh được phục dựng cho người thân của các liệt sĩ.

Anh Phúc chia sẻ: "AI có tác dụng rất lớn trong cái việc chỉnh sửa như như làm nét khuôn mặt, tô màu bức ảnh, tái tạo các chi tiết. Và ngoài ra AI cũng sẽ hỗ trợ xoay khuôn mặt từ góc nghiêng sang góc thẳng. Đó là sự kết hợp giữa AI và quy trình thao tác bằng tay. So sánh giữa bức ảnh gốc và bức ảnh chỉnh sửa nếu như có phần nào đó khác thì mình phải điều chỉnh lại."

Giới trẻ không chỉ là những người tiêu dùng giỏi công nghệ mà còn là những người sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động vì cộng đồng, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội. Trong vài năm tới, có lẽ không chỉ công nghệ phục dựng ảnh bằng AI mà cả những lĩnh vực khác cũng sẽ được AI hỗ trợ phổ biến và người dân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận sử dụng hơn.

Những câu chuyện truyền cảm hứng ấy đã cho chúng ta thêm niềm tin với những người trẻ trong thời đại mới, giàu tri thức, nhiều hoài bão, biết trân trọng giá trị truyền thống, tự hào dân tộc và tinh thần vì cộng đồng đáng trân trọng.

Nhật Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-tre-ung-dung-cong-nghe-vi-cong-dong-317513.htm
Zalo