Người trẻ Trung Quốc dè sẻn trong chuyện yêu đương, gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn chính phủ

Không khí kém sôi động trong ngày Thất tịch - lễ tình nhân phiên bản Trung Quốc - cho thấy nỗ lực khuyến khích giới trẻ kết hôn của các nhà chức trách chưa đạt được thành công. Các doanh nghiệp cũng mất đi một dịp để bán hàng.

Cảnh tượng quen thuộc trong ngày Thất tịch tại Trung Quốc những năm trước. (Ảnh: VCG).

Cảnh tượng quen thuộc trong ngày Thất tịch tại Trung Quốc những năm trước. (Ảnh: VCG).

Bớt hào phóng

Trong những năm tháng thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc, các cặp đôi trẻ tuổi cầm bó hồng lớn là hình ảnh thường thấy trong ngày Thất tịch - ngày lễ tình nhân phiên bản Trung Quốc.

Trên mạng xã hội, mọi người đua nhau khoe iPhone đời mới và túi xách Louis Vuitton mà người yêu tặng, cũng như đăng ảnh chụp bữa tối tại nhà hàng sang trọng. Khi đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc khiến cả thế giới ghen tị.

Nhưng không khí trong ngày Thất tịch năm nay rất khác. Người dùng mạng xã hội phàn nàn vì ít người tặng quà và không khí ảm đạm trong ngày lễ hội, cho rằng nguyên nhân là nền kinh tế suy yếu và thị trường lao động khó khăn.

Hashtag “Tiêu dùng giảm mạnh vào ngày lễ tình nhân ở Trung Quốc. Người trẻ không muốn đóng thuế tình yêu sao?” trở thành chủ đề phổ biến nhất trên Weibo vào ngày 11/8, thu hút 200 triệu lượt xem.

Một số chủ cửa hàng hoa sử dụng nền tảng Xiaohongshu để than vãn vì việc vắng khách, đăng hình ảnh những bông hồng bị ế chất đầy cửa hàng.

Một số khác hồi tưởng về khoảng thời gian các cặp đôi có dư tiền để tiêu khi nền kinh tế phát triển.

Còn giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản và khối nợ của chính quyền địa phương.

Ông Alfred Wu, Giáo sư tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết người trẻ Trung Quốc đang phải chật vật để tìm kiếm việc làm.

Vị giáo sư nhận xét: “Tôi nghĩ tâm lý chung hiện nay rất xấu và người tiêu dùng cực kỳ cẩn trọng”. Ông nói thêm rằng tâm lý tiêu cực đã trở thành xu hướng chung, “không chỉ ảnh hưởng đến một lễ hội”.

Theo ông Yeap Jun Rong, chuyên gia thị trường của nền tảng giao dịch IG, các câu chuyện trên mạng xã hội có vẻ phù hợp “xu hướng tiêu dùng yếu ớt trong hai năm qua”. Ông nói thêm rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang “ở gần mức thấp nhất trong lịch sử”.

Hành vi tiêu dùng của các cặp tình nhân Trung Quốc là vấn đề đối với doanh nghiệp toàn cầu và chính phủ Trung Quốc. Trong những tuần gầy đây, một loạt công ty đa quốc gia như hãng mỹ phẩm L’Oreal và nhà sản xuất xe Volkswagen đã cảnh báo về nhu cầu yếu ở Trung Quốc.

Nỗ lực chưa thành của chính phủ

Tâm trạng bi quan của người trẻ ảnh hưởng tiêu cực đến một nỗ lực khác của chính phủ Trung Quốc là khuyến khích người trẻ kết hôn nhằm khắc phục tỷ suất sinh thấp và tình trạng già hóa.

Trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ ghi nhận 3,43 triệu cặp đôi kết hôn, bằng một nửa con số 10 năm trước đó, theo Bộ Nội vụ Trung Quốc. Nhiều người viết trên mạng xã hội rằng họ không thể lập gia đình vì còn nợ tiền hoặc phải làm việc nhiều giờ.

Tác phẩm bó hoa hồng đặt tại một con phố thương mại trước ngày Thất tịch năm 2023 tại tỉnh Liêu Ninh. (Ảnh: VCG).

Tác phẩm bó hoa hồng đặt tại một con phố thương mại trước ngày Thất tịch năm 2023 tại tỉnh Liêu Ninh. (Ảnh: VCG).

Tâm trạng bi quan cũng lộ rõ trong dữ liệu thương mại và các số liệu khác. Theo tính toán của CNN dựa trên số liệu hải quan, giá trị kim cương trang sức được nhập khẩu vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm 28% so với một năm trước.

Và theo dữ liệu chính thức công bố cuối tuần trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc đã giảm gần 15 tỷ USD trong quý II. Đây là lần thứ hai số liệu này chuyển sang âm kể từ khi ghi chép bắt đầu vào năm 1998.

Nỗi khổ của doanh nghiệp

Trong những năm trước, lễ Thất tịch là cơ hội vàng để doanh nghiệp Trung Quốc và phương Tây quảng bá hàng hóa. Nhưng thời thế đã thay đổi. Các CEO doanh nghiệp ngoại không còn có thể kỳ vọng vào sức tiêu thụ của Trung Quốc.

Ông Nicolas Hieronimus, CEO L’Oreal, nói với các nhà phân tích vào tháng trước: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà niềm tin của người tiêu dùng vẫn rất thấp”.

Ông chỉ ra nguyên nhân là thị trường việc làm khó khăn và khủng hoảng bất động sản. Ông nói thêm rằng mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến của lĩnh vực làm đẹp trên thế giới trong năm nay phần lớn là do niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn thấp.

Mọi người chụp ảnh tại một trạm xe buýt được trang trí bằng hoa trong lễ Thất tịch năm 2023 tại Trùng Khánh. (Ảnh: VCG).

Mọi người chụp ảnh tại một trạm xe buýt được trang trí bằng hoa trong lễ Thất tịch năm 2023 tại Trùng Khánh. (Ảnh: VCG).

Tuần trước, công ty quảng cáo WPP báo cáo doanh thu quý II ở Trung Quốc sụt giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái - và triển vọng tương lai cũng không sáng sủa hơn. Volkswagen và Mercedes cũng tỏ ra bi quan khi đánh giá về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Ola Kaellenius, Chủ tịch Tập đoàn Mercedes Benz, chia sẻ với các nhà phân tích hôm 26/7: “Mọi người đều biết rằng kể từ khi Trung Quốc chấm dứt các hạn chế chống COVID-19 vào đầu năm ngoái, tâm lý của người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi. Chúng tôi không biết phải mất bao lâu nữa và cần có điều kiện gì thì người tiêu dùng Trung Quốc mới tự tin trở lại”.

Giang

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-tre-trung-quoc-de-sen-trong-chuyen-yeu-duong-gay-kho-cho-ca-doanh-nghiep-lan-chinh-phu.html
Zalo