Người trẻ phóng xe, không đội mũ bảo hiểm

Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là điều được thực hiện đã hơn 15 năm nay.

Còn nhớ, đường phố ngày 15/12/2007, ngày đầu thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, mọi thứ dường như thay đổi hoàn toàn. Đó là việc thực thi pháp luật của người dân hết sức nghiêm túc, văn hóa tham gia giao thông cũng thay đổi, có ý thức vì sức khỏe bản thân và vì cộng đồng hơn.

Quan trọng nữa, việc đội mũ bảo hiểm khiến người lái xe máy, mô tô dường như cẩn thận hơn; nếu lỡ may bị tai nạn thì sẽ giảm thiểu nguy cơ chấn thương sọ não (chấn thương có nguy cơ tử vong cao, nguy cơ tàn phế vĩnh viễn gần như là khó tránh khỏi).

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giảm tới 42% nguy cơ tử vong và 69% nguy cơ chấn thương sọ não. Tuy nhiên, một thống kê của cảnh sát giao thông, tai nạn giao thông ở giới trẻ có xu hướng tăng.

Chỉ riêng 7 tháng năm 2024, số vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi này tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vi phạm giao thông ở lứa tuổi này có việc không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy. Đây là điều thực tế dễ nhận thấy ở các đường phố, khi mà lực lượng cảnh sát giao thông không thể có mặt ở mọi nơi, mọi lúc để nhắc nhở hay xử phạt.

Sáng sớm, trên một vài con đường thuộc quận Cầu Giấy, mọi người vẫn dễ bắt gặp thanh thiếu niên đầu trần phóng xe. Ở huyện ngoại thành cũng không ngoại lệ, thỉnh thoảng trên Quốc lộ 32 hướng ra các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ..., vẫn có những người trẻ cưỡi xe máy đầu trần. Những thanh thiếu niên này có lẽ chạy xe đoạn đường ngắn, không nghĩ họ sẽ bị cảnh sát giao thông thổi còi.

Việc người trẻ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy dường như ngày càng phổ biến hơn. Điều đó dẫn đến những hệ lụy: tạo ra việc xem thường luật pháp; xem nhẹ văn hóa giao thông; dễ gây tai nạn và khi bị tai nạn thì có nguy cơ cao chấn thương sọ não và tử vong.

Pháp luật đã có quy định về đội mũ bảo hiểm và có chế tài kèm theo; việc tuyên truyền về văn hóa giao thông cũng đã rộng khắp từ nhà trường tới xã hội. Tuy nhiên, tại sao một số người trẻ lại không tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông?

Thứ nhất, ý thức của lớp người trẻ về quy định đội mũ bảo hiểm đã mờ nhạt khi việc tuyên truyền về vấn đề này không còn dày đặc như cách nay hơn 15 năm. Thứ nữa, người trẻ tham gia giao thông như thế nào rất cần đến sự nhắc nhở của phụ huynh. Dễ thấy, trên đường phố người lớn thường đội mũ bảo hiểm một cách nghiêm túc. Do đó, người lớn cũng nên nhắc nhở con em mình nghiêm túc đội mũ bảo hiểm.

Ngoài chuyện cần thực hiện việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, câu chuyện chất lượng của loại mũ này có đạt chuẩn hay không cũng nên được lưu ý. Các cơ quan chức năng nên cương quyết hơn trong việc loại bỏ các loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đang được bày bán trên thị trường.

Đối với các nước phát triển, việc ngồi trên xe đạp tham gia giao thông cũng nên đội mũ bảo hiểm (loại mũ dành riêng cho xe đạp). Đây cũng là việc nên khuyến cáo (có thể chưa bắt buộc) cho mọi người.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-tre-phong-xe-khong-doi-mu-bao-hiem.html
Zalo