Người trẻ kể chuyện làng bằng ảnh
Chỉ bằng một tấm ảnh bên cây gạo nở đỏ rực hay một góc chụp dưới mái đình rêu phong, thế hệ trẻ hôm nay đang âm thầm kể những nét đẹp văn hóa truyền thống bằng chính sở thích của mình.

Nhiều bạn trẻ tìm đến check-in với cây gạo ở Đồng Ngọ (TP Hải Dương)
Ký ức xưa qua góc máy trẻ
Cuối xuân, khi hoa gạo rực rỡ ở nhiều làng quê Hải Dương, cũng là lúc mạng xã hội ngập tràn những bức ảnh check-in. Trong số đó, nổi bật là cây gạo ở Đồng Ngọ (xã Nam Đồng, TP Hải Dương), mỗi mùa hoa nở đều thu hút hàng trăm lượt bạn trẻ đến chụp hình.
Năm nào cũng tìm về đây chụp ảnh, chị Bùi Hồng Ly (TP Hải Dương) chia sẻ: “Cây gạo năm nay vẫn nở đẹp lắm. Tôi mặc áo dài đứng dưới gốc cây, bạn tôi vừa chụp vừa kể chuyện hồi xưa người làng thường hẹn nhau ở đây. Giờ chúng tôi cũng làm điểm hẹn, nhưng để… chụp hình".
Chị Ly bật mí, nhờ những lần chụp ảnh dưới gốc cây và qua các cuộc trò chuyện với người lớn tuổi, chị đã hiểu vì sao cây gạo lại thường được trồng ở đầu làng như một biểu tượng của sự che chở, gắn kết cộng đồng.
Chọn chùa Đống Cao (TP Hải Dương) làm nơi ghi lại dấu ấn tuổi 25 của mình, chị Vũ Khánh Hòa ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) lại mong muốn qua những bức ảnh góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống nhiều hơn.
“Tôi mặc áo dài, mang theo vài cuốn sách, vài phụ kiện đơn giản vừa tạo điểm nhấn vừa hòa với không gian. Khi đăng lên mạng xã hội, bạn bè ở nhiều nơi cũng biết đến một ngôi chùa đẹp của Hải Dương”, chị Hòa chia sẻ.

Chị Vũ Khánh Hòa duyên dáng trong tà áo dài truyền thống tại chùa Đống Cao (TP Hải Dương)
Là nơi từng diễn ra các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa, nhiều học sinh khi đến Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) tranh thủ ghi lại khoảnh khắc mỗi lần ghé thăm như một cách gửi gắm ước nguyện học hành giỏi giang.
Bạn Nguyễn Thanh Thành ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) bộc bạch: "Lúc đầu tôi chỉ thấy nơi này cổ và đẹp. Nhưng khi biết đây là nơi thờ các danh nhân như Khổng Tử thì cảm xúc khi chụp ảnh cũng khác hẳn".

Văn miếu Mao Điền hiện lên cổ kính trong ảnh của bạn Nguyễn Thanh Thành
Thời gian gần đây, bản tin đọc báo bên hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương), không gian mang đậm hơi thở xưa cũ giữa lòng thành phố trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ và gia đình lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến (ở phường Bình Hàn) kể: “Con gái tôi rất thích những nơi như thế. Chụp xong, nó còn hỏi tôi ngày trước mọi người đọc báo thế nào. Tôi vui vì con có sự tò mò với quá khứ, với lịch sử”.

Điểm check-in rất "hot" gần đây ở trung tâm TP Hải Dương
Mỗi bức ảnh trở thành một cây cầu văn hóa
Thông qua việc chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều điểm văn hóa ở Hải Dương vốn trước đây ít được biết đến, nay đã trở thành những địa chỉ thu hút giới trẻ. Không chỉ để lưu giữ khoảnh khắc cá nhân, việc check-in còn giúp lan tỏa hình ảnh di tích, văn hóa, góp phần quảng bá những giá trị truyền thống theo cách tự nhiên và gần gũi.
Một bức ảnh với góc chụp đẹp, dòng chú thích tinh tế có thể khơi gợi sự tò mò, truyền cảm hứng cho hàng trăm người khác muốn tìm đến trải nghiệm. Chính giới trẻ đang trở thành những “đại sứ văn hóa” bằng niềm yêu thích nhiếp ảnh và mong muốn kết nối với quá khứ.

Sở thích check-in của các bạn trẻ đang giúp lan tỏa và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống theo cách rất tự nhiên và gần gũi
Chị Hoàng Thị Thảo, hướng dẫn viên tại chùa Côn Sơn (TP Chí Linh), khu di tích gắn với danh nhân Nguyễn Trãi cho biết: "Vài năm nay, các bạn trẻ đến chùa chụp ảnh nhiều hơn, nhất là khu hàng thông trước chùa. Tôi kể cho họ nghe con đường ấy gọi là chính đạo, tượng trưng cho trí tuệ, sự thông hiểu. Các bạn trẻ rất quan tâm đến nội dung trên và thích chụp ảnh ở chỗ này".
Không chỉ ở các điểm di tích, Bảo tàng tỉnh Hải Dương cũng trở thành điểm check-in được nhiều bạn trẻ quan tâm. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương cho biết: "Chúng tôi thường xuyên sắp xếp không gian trưng bày theo hướng truyền thống, tạo nhiều góc chụp để các bạn trẻ vừa có ảnh đẹp, vừa được tìm hiểu thêm về hiện vật, câu chuyện lịch sử".

Góc nhỏ ở Bảo tàng Hải Dương qua góc nhìn của các tay máy trẻ
Mỗi bức ảnh đẹp được kèm theo một câu chuyện nhỏ đã trở thành cách kể mới cho những nét đẹp văn hóa. Qua đó, người trẻ không chỉ đơn thuần là “sống ảo” mà đang thực sự cảm nhận lịch sử bằng lăng kính của chính mình.
Họ không gò bó, cũng không bị ép buộc. Họ đến bằng sự tò mò, ở lại vì cảm xúc và ra về mang theo những điều đọng lại nhiều hơn cả một bức ảnh, đó là sự kết nối.
Những tấm hình ấy không chỉ là ký ức của tuổi trẻ, mà còn là nhịp cầu nối giữa hiện tại và quá khứ. Một tà áo dài giữa sân đình, váy xòe bên giếng cổ hay đơn giản là ánh nhìn dịu dàng trong nắng tháng ba khi những bông hoa gạo rụng xuống, tất cả đang góp phần kể lại những câu chuyện văn hóa theo cách gần gũi, mềm mại và đầy sức sống.
Đôi khi, chỉ cần một cú chạm đủ nhẹ, văn hóa đã kịp gieo rễ trong lòng người trẻ.