Người trẻ Hàn Quốc thích đi bar, người trung niên tìm đồ ăn giá rẻ

Trong khi Gen X tại Hàn Quốc đổ xô đến các cửa hàng tiện lợi, ăn đồ ăn nhanh vì lạm phát kinh tế, Gen Z lại chi nhiều tiền cho cà phê và việc giải trí tại quán bar.

 Khách hàng độ tuổi 20-30 chiếm 46,5% tổng doanh số tại các quán cà phê tại Hàn Quốc. Ảnh: @yesyul_.

Khách hàng độ tuổi 20-30 chiếm 46,5% tổng doanh số tại các quán cà phê tại Hàn Quốc. Ảnh: @yesyul_.

Theo báo cáo của Korea Credit Data (KCD) công bố ngày 6/10, Gen MZ (Millennials và Z) Hàn Quốc là thế hệ thường lui tới quán bar và cà phê nhiều nhất. Trong khi đó, những người thuộc Gen X (sinh năm 1965-1980) lại tìm đến các cửa hàng tiện lợi và quán ăn nhanh.

Báo cáo dựa trên số liệu từ khoảng 60.000 nhà hàng, quán bar, quán cà phê, tiệm bánh và các cơ sở thực phẩm - đồ uống khác trên cả nước.

Kết quả cho thấy những người ở độ tuổi 20 và 30 chiếm tổng 52,4% doanh số bán hàng tại các quán bar. Trong đó, độ tuổi 30 chiếm 28,8% doanh số; độ tuổi 20 chiếm 23,6%; độ tuổi 40 chiếm 24,5% và cuối cùng độ tuổi 50 chiếm 16,4%.

Nhu cầu bùng nổ phần lớn là do lối sống đô thị, nhịp độ nhanh của đất nước. Ảnh: @suchadaa.a.

Nhu cầu bùng nổ phần lớn là do lối sống đô thị, nhịp độ nhanh của đất nước. Ảnh: @suchadaa.a.

Đối với các quán cà phê, khách hàng ở độ tuổi 20-30 chiếm 46,5% tổng doanh số. Con số này cao hơn hẳn so với nhóm tuổi 40 là 25%, nhóm tuổi 50 là 18,3% và nhóm tuổi 60 trở lên là 8,3%.

The Korea Times thông tin giới trẻ Hàn Quốc rất thích cà phê, mỗi tháng có thể chi trung bình 75 USD cho cà phê, theo báo cáo từ UNESCO năm 2023. Nhu cầu này bùng nổ phần lớn do lối sống đô thị và sự đổ bộ của các chuỗi cà phê quốc tế.

Đặc biệt, sức ảnh hưởng của truyền thông, phim ảnh cũng như nghệ sĩ Kpop cũng là điều giúp văn hóa cà phê tại Hàn Quốc phát triển như vũ bão. Chỉ riêng thành phố Seoul có tới 17.000 quán cà phê, tương đương mật độ một quán cà phê trên 580 người - cao nhất thế giới, theo Linked In.

Huynjae Lee (32 tuổi, nhân viên văn phòng) dành khá nhiều thời gian và ngân sách hàng tuần của mình tại quán cà phê ở Seoul. Mặc dù chi phí sinh hoạt tăng cao, lượng espresso mà cô tiêu thụ hàng tuần lên tới 30 USD.

Cũng giống như Huynjae Lee, nhiều người trẻ Hàn Quốc không tiếc tiền đi cà phê cùng bạn bè. "Tôi đến quán cà phê với đồng nghiệp vào bữa trưa hoặc gặp gỡ bạn bè trong tuần. Hầu như ngày nào tôi cũng uống ít nhất một cốc cà phê", Max Kim (32 tuổi, một chuyên gia truyền thông) cho biết.

 Thế hệ X chọn ăn nhiều bữa ăn ở cửa hàng tiện lợi hơn trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Ảnh: The Korea Times.

Thế hệ X chọn ăn nhiều bữa ăn ở cửa hàng tiện lợi hơn trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Ảnh: The Korea Times.

Trong khi đó, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, người Hàn Quốc ở độ tuổi trung niên (Gen X) có xu hướng ăn nhiều đồ ăn nhanh, rẻ tiền ở cửa hàng tiện lợi vào bữa trưa hơn so với nhóm trẻ tuổi, theo The Korea Times.

KCD chỉ ra những người ở độ tuổi 40-50 chi nhiều tiền hơn tại các cửa hàng thức ăn nhanh và quán ăn nhẹ với 53% doanh số bán hàng trên toàn quốc. Tỉ lệ này cao hơn hẳn nhóm người trẻ tuổi với 31,5%.

Đối với quầy bán đồ ăn nhẹ, nhóm tuổi 40 chiếm 29,6% doanh số và nhóm tuổi 50 chiếm 22,4%, tổng thị phần là 52%. KCD cho biết: "Dường như người Hàn Quốc ở độ tuổi trung niên thích ăn những món phục vụ nhanh và không tốn kém".

Theo BC Card, công ty xử lý thanh toán hàng đầu tại Hàn Quốc, xu hướng này xuất hiện ở thế hệ X bởi nhiều người trong số họ đang ở giai đoạn nghỉ hưu và không đủ khả năng ăn trưa tại nhà hàng, đặc biệt là khi lạm phát vẫn đang tiếp diễn.

Theo giới tính, nam giới chiếm 64,8% doanh số tại các quán bar, 61% tại các cửa hàng thức ăn nhanh và 62,5% tại các nhà hàng truyền thống.

Phụ nữ Hàn Quốc có xu hướng thích ẩm thực nước ngoài hơn, chiếm 55,3% doanh số tại các nhà hàng phương Tây; 51,9% tại các nhà hàng phục vụ đồ ăn châu Á (không phải của Hàn Quốc). Phụ nữ Hàn cũng chiếm 54,8% doanh số tại các tiệm bánh và cửa hàng tráng miệng.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-tre-han-quoc-thich-di-bar-nguoi-trung-nien-tim-do-an-gia-re-post1502643.html
Zalo