Người tống tiền bằng clip nhạy cảm chuẩn bị hầu tòa ở vụ án thứ 2
Trước khi bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị can từng dùng clip nhạy cảm để tống tiền một phụ nữ.
TAND TP Hà Nội vừa tiếp nhận và chuẩn bị xét xử vụ án Nguyễn Quốc Việt (SN 1994, trú tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bị VKSND TP Hà Nội truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, bị can Việt bị TAND TP Đà Nẵng xử phạt 7 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cuối năm 2022, Việt được giao lắp 6 camera an ninh kèm theo đầu ghi tại nhà chị H (ở Đà Nẵng). Quá trình lắp đặt, Việt vừa cài đặt tài khoản camera cho chị H, vừa cài đặt tài khoản camera vào điện thoại của mình.
Sau đó, Việt truy cập vào tài khoản ghi lại clip nhạy cảm, lưu lại trong điện thoại rồi gọi điện yêu cầu chị H phải chuyển 130 triệu đồng để xóa. Do bị Việt đe dọa bán clip cho bên thứ 3 hoặc đăng lên các trang web đồi trụy, chị H đã phải đến công an trình báo sự việc.
Đối với vụ án sắp được xét xử, nạn nhân của Việt là Công ty cổ phần Vũ Hoàng (Công ty Vũ Hoàng, ở Hà Nội) và anh C (ở Hà Nội).
Theo cáo trạng, Nguyễn Quốc Việt và vợ thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Viễn thông Gotech (Công ty Gotech, trụ sở tại Đà Nẵng) với ngành nghề kinh doanh, lắp đặt camera giám sát.
Công ty của vợ chồng Việt có quan hệ làm ăn lâu năm với Công ty Vũ Hoàng. Khoảng tháng 5-2023, do kinh doanh bất động sản bị thua lỗ, cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Việt đã lợi dụng uy tín làm ăn giữa hai công ty, lừa đảo, chiếm đoạt 1.200 camera giám sát của đối tác.
Cụ thể, sau khi thỏa thuận, bán 600 camera giám sát cho một người ở Đà Nẵng, ngày 19-6-2023, Việt liên hệ với Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Vũ Hoàng, trao đổi về việc Công ty Gotech muốn mua 600 camera giám sát. Hai bên thống nhất tổng giá trị đơn hàng là hơn 250 triệu đồng. Việt yêu cầu Công ty Vũ Hoàng giao hàng tại Thanh Xuân, Hà Nội và cam kết, sau khi nhận đủ hàng sẽ chuyển tiền.
Tuy nhiên, sau khi nhận lô hàng và đem bán cho khách, thu được tiền, Việt không trả tiền cho Công ty Vũ Hoàng mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Cùng thời gian này, Việt tiếp tục đặt mua hơn 600 camera của Công ty Vũ Hoàng để bán lại cho một vị khách khác ở Hà Nội. Việt hứa sau khi giao hàng, Việt sẽ thanh toán đủ số tiền của hai đơn hàng. Tuy nhiên, Việt đã không thanh toán như cam kết cho Công ty Vũ Hoàng dù Việt đã được người mua thanh toán đầy đủ.
Khi bị Công ty Vũ Hoàng thúc giục trả nợ 2 đơn hàng, sợ đối tác làm ảnh hưởng đến công việc của mình, Việt đã chuyển trả 100 triệu đồng.
Ngoài chiếm đoạt 1.200 camera của Công ty Vũ Hoàng, Việt còn có hành vi chiếm đoạt hơn 230 triệu đồng của anh C (ở Hà Nội). Bị cáo nói dối với anh C là mình có lô hàng gồm 690 camera giám sát “giá tốt” do hãng xả hàng để thu tiền mặt giá 340.000 đồng/camera. Việt nói, nếu muốn mua, phải chuyển trước 80% tiền để đặt cọc. Tin lời Việt nói là thật, anh C đã chuyển trước hơn 150 triệu đồng.
Nhận tiền, Việt tiếp tục nại ra lí do khác để bảo anh C chuyển đủ tiền. Vì tin tưởng, anh C đã chuyển thêm tiền theo yêu cầu của Việt. Sau khi nhận tổng số tiền hơn 230 triệu đồng của anh C, Việt không chuyển hàng theo cam kết mà chiếm đoạt, chi tiêu cá nhân hết.
Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Việt chiếm đoạt của các bị hại nêu trên là hơn 750 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Việt khai, do kinh doanh bất động sản thua lỗ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Số tiền chiếm đoạt được, Việt đã trả nợ cho các chủ nợ không quen biết ngoài xã hội.