Người tiêu dùng ngại đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí của người dân không đồng đều. Đáng lo ngại hơn, đa số người tiêu dùng khi bị xâm phạm lại chọn cách im lặng thay vì lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo quy định, người tiêu dùng có quyền góp ý, phản ánh về giá cả, chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ; có quyền yêu cầu bồi thường nếu hàng hóa không đảm bảo đúng như niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc nhờ tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi… Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người dân vẫn chưa ý thức được quyền lợi này. Thói quen mua sắm không lấy hóa đơn, không kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cùng tâm lý ngại rắc rối đã khiến người tiêu dùng thường chọn cách "cho qua", ngay cả khi mình bị thiệt thòi.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại Siêu thị Hoa Ba.
Chị Nguyễn Thị Minh sống tại TP. Điện Biên Phủ, từng mua một chiếc chảo chống dính được quảng cáo là hàng nhập khẩu chính hãng với giá gần 400.000 đồng. Chỉ sau vài lần sử dụng, lớp chống dính bong tróc. Khi quay lại cửa hàng phản ánh, chị bị đổ lỗi do “dùng sai cách” và không được hỗ trợ đổi trả. Vì không biết khiếu nại ở đâu và cũng sợ rắc rối, chị Minh đành im lặng chịu thiệt, bỏ luôn chiếc chảo mới mua.
Không chỉ đồ gia dụng, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm cũng bị trà trộn lẫn lộn, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Bà N.T.T, ở phường Tân Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Gia đình tôi thường sử dụng gạo séng cù trong bữa ăn hàng ngày, vì loại gạo này thơm và dẻo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi mua phải hàng trộn lẫn gạo khác, mang về nấu bị khô và cứng. Tôi cũng chỉ biết im lặng, tặc lưỡi qua chuyện và tự nhủ lần sau sẽ chú ý hơn trong việc lựa chọn gạo và không quay trở lại cửa hàng đó.
Việc mua phải hàng kém chất lượng, ngại khiếu nại và tâm lý “cho qua” như các trường hợp nêu trên không phải là hiếm mà khá phổ biến hiện nay, nhất là với người mua hàng online và người dân ở vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 2.868 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 9,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn, không có tem mác…
Điển hình, cuối năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã chủ trì, phối hợp với lực lượng công an tỉnh kiểm tra đột xuất 4 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy có dấu hiệu buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HONDA, YAMAHA được bảo hộ tại Việt Nam. Quá trình thẩm tra, xác minh, lấy mẫu giám định, kết luận là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HONDA, YAMAHA được bảo hộ. Cơ quan chức năng yêu cầu 4 cơ sở vi phạm tự tiêu hủy 195 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, trong đó 144 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu HONDA và 51 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu YAMAHA.

Người dân vùng sâu, vùng xa thường chọn cách im lặng khi bị xâm phạm quyền lợi tiêu dùng.
Nhóm những hành vi vi phạm mà người tiêu dùng cho biết gặp nhiều nhất trong thời gian qua là: Chất lượng không đảm bảo; gian lận về đo lường; gian lận về xuất xứ, thời hạn sử dụng; không cung cấp hóa đơn, chứng từ mua hàng; không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành… Lý do cho việc im lặng không khiếu nại khi quyền lợi không đảm bảo còn bởi giá trị tranh chấp nhỏ; thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp; không biết các quy định pháp luật có liên quan; không biết cơ quan, tổ chức nào hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng…
Người tiêu dùng hiện nay vẫn có tâm lý ngại va chạm nên chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình; các thủ tục hành chính rườm rà, chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế khiến người tiêu dùng chưa hoặc không hiểu hết về pháp luật và quyền lợi khi bị xâm phạm. Trong khi đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do địa bàn miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhận thức không đồng đều.
Hiện nay các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng khó phát hiện và tự bảo vệ quyền lợi của mình. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đôi lúc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ, nhất là trong khâu chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm. Trên địa bàn tỉnh chưa thành lập được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, việc tập hợp thông tin, tổng hợp các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ giải quyết khiếu nại, tranh chấp còn nhiều hạn chế.

Hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Sở Công Thương tổ chức.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cuối năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Luật số 19/2023/QH15. Nội dung phối hợp bao gồm: Tuyên truyền chính sách, pháp luật; thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh; tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại; xử lý vi phạm và theo dõi thu hồi sản phẩm lỗi. Định kỳ báo cáo tình hình, công bố danh sách vi phạm trên môi trường mạng và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Việc lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm không chỉ là vấn đề riêng của mỗi người tiêu dùng mà là vấn đề của cộng đồng xã hội. Im lặng đồng nghĩa với việc dung túng cho sai trái, và thờ ơ với trách nhiệm, quyền lợi của chính mình. Do đó, mỗi người cần mạnh dạn đấu tranh, bởi một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm, gian lận thương mại vẫn tồn tại, trà trộn trên thị trường bắt nguồn từ chính sự im lặng, thái độ chấp nhận của người bị xâm phạm quyền lợi.