Người tiêu dùng cần được lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát trên các sàn TMĐT

Chuyển phát hàng hóa là một hoạt động quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ của các sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy người tiêu dùng cần được lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát phù hợp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Viettel Post)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Viettel Post)

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, dịch vụ chuyển phát đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng của các sàn thương mại điện tử.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2022. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử và lượng bưu gửi liên quan cũng tăng trưởng tương ứng. Do đó, chất lượng dịch vụ chuyển phát trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân người tiêu dùng trên các nền tảng này.

Người tiêu dùng không được trực tiếp lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử, người mua hàng thường không có quyền lựa chọn trực tiếp đơn vị chuyển phát mà chỉ có thể chọn phương thức vận chuyển như hỏa tốc, nhanh, tiết kiệm…

Sau khi phương thức vận chuyển được lựa chọn, sàn thương mại điện tử sẽ tự động chỉ định một doanh nghiệp bưu chính để thực hiện chuyển phát hàng hóa, dựa trên các yếu tố như phạm vi hoạt động, giới hạn về cân nặng và kích thước, cùng chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bưu chính.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo đánh giá từ các sàn thương mại điện tử, chất lượng dịch vụ chuyển phát đã được cải thiện rõ rệt, với thời gian giao hàng được rút ngắn, tỷ lệ giao hàng đúng hạn tăng cao và cước phí chuyển phát ngày càng giảm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc người tiêu dùng không được trực tiếp lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát cho đơn hàng của mình là không công bằng, bởi họ là người trả tiền cho dịch vụ này.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã đưa ra những quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Điều 4 của Luật này nêu rõ người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu và điều kiện thực tế của mình.

Mặt khác, Điều 10 nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số (như các sàn thương mại điện tử) thực hiện các hành vi hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng mà không công khai tiêu chí lựa chọn.

Điều này có nghĩa là các sàn thương mại điện tử cần phải minh bạch hóa các tiêu chí lựa chọn đơn vị chuyển phát để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp bưu chính tham gia cung cấp dịch vụ.

Minh bạch hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đã có những buổi làm việc với các sàn thương mại điện tử nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Một số sàn thương mại điện tử như Shopee đã bắt đầu công khai các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát, bao gồm tỷ lệ lấy hàng đúng hạn, tỷ lệ giao hàng đúng hạn, tỷ lệ giao hàng không thành công và tỷ lệ hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hại. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa quy trình lựa chọn dịch vụ chuyển phát, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các tiêu chí lựa chọn của các sàn.

Tuy nhiên, việc công khai tiêu chí lựa chọn mới chỉ là bước đầu. Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử cần đi xa hơn bằng việc cho phép người tiêu dùng trực tiếp lựa chọn đơn vị chuyển phát theo nhu cầu của mình, hoặc ít nhất là cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác về các đơn vị chuyển phát tham gia trên sàn để người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định thông minh và phù hợp.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: VietnamPost)

Ảnh minh họa. (Ảnh: VietnamPost)

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy quá trình công khai, minh bạch hóa việc lựa chọn doanh nghiệp bưu chính trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các sàn hiển thị đầy đủ, chính xác kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Việc minh bạch hóa này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn giúp tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính. Khi người tiêu dùng có quyền lựa chọn đơn vị chuyển phát, các doanh nghiệp bưu chính sẽ phải nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát trên thị trường.

Như vậy, việc đảm bảo quyền lựa chọn dịch vụ chuyển phát của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử không chỉ là tuân thủ theo quy định pháp luật mà còn là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng lòng tin và tạo động lực phát triển bền vững cho cả Ngành Thương mại điện tử và Ngành Bưu chính./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-tieu-dung-can-duoc-lua-chon-doanh-nghiep-chuyen-phat-tren-cac-san-tmdt-post976307.vnp
Zalo