Báo Công An Đà Nẵng

1. Trước bậc thềm Khu lưu niệm, nhà văn lão thànhTrung Trung Đỉnh mải miết diễn giải cho con trai vì sao có tên gọi “Anh Sáu Dân”, “Bác Sáu Dân”, “Ông Sáu Dân”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại thơ thẩn một mình giữa vườn thanh trà, như sống cùng với những ý thơ mới tượng hình, mặc cho cơn mưa Nam Bộ nặng hạt tưới đẫm cây lẫn người. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm lại mân mê từng đồ vật giản dị trong phòng làm việc của cố Thủ tướng, thầm thì “tất cả đều nguyên bản”. Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Thúy Hằng bần thần đứng trước những bức hình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên công trình đường dây tải điện 500kV mạch 1, Thủy điện Yaly...

Mọi người cứ chìm trong ý tưởng, hồi ức riêng mình. Khi kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất phải nhắc nhở rằng đã đến giờ đoàn dâng hương, mọi người mới sực tỉnh, trở về với nội dung quan trọng của chuyến thăm.

Kiến trúc sư Tất - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chính là “tổng công trình sư” của Khu lưu niệm. Vượt qua tất cả hồ sơ dự tuyển, công trình gần gũi nhất, giản dị nhất nhưng vẫn toát lên khí chất người Nam Bộ, nhân cách, trí tuệ của vị lãnh đạo suốt đời vì Nước, vì Dân... đã được chọn.

Bữa điểm tâm với các món dân dã mà Thủ tướng thường dùng.

Bữa điểm tâm với các món dân dã mà Thủ tướng thường dùng.

Tác giả của Khu lưu niệm kể, tự hào với người con ưu tú của quê hương, Huyện ủy Vũng Liêm đã quyết định chọn vị trí trụ sở Huyện ủy lúc bấy giờ để xây dựng công rình lưu niệm này. Nơi đây, Cố Thủ tướng mỗi lần về quê đều ghé lại, chong đèn nghĩ về việc nước, làm việc nước. Công trình trụ sở Huyện ủy mới, dời sang cánh trái của Khu tưởng niệm, cũng giản dị, gần gũi, thanh tịnh.

Sau lễ dâng hương, đoàn được mời dùng bữa nhẹ. Cả chục món, đều là những món “cây nhà lá vườn” đầy chất Nam Bộ. Ốc bươu đen hấp sả gừng, các loại bánh trái miền Tây... Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nói, đây đều là những món “ruột” của Thủ tướng mỗi khi ghé thăm quê nhà.

Những gì ở Khu lưu niệm đều giản dị đến mức tối giản, nhưng vẫn lấp lánh một sự nghiệp vẻ vang của một “Người mở đường”; gợi nhớ đến một Võ Văn Kiệt can trường trong kháng chiến với vai trò Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam, phụ trách Khối Dân vận, Binh vận và Mặt trận. Ở đó, chiến khu R, người viết cũng một lần có dịp chiêm ngưỡng ngôi nhà làm việc lợp lá trung quân đơn sơ gắn tấm biển cũng đơn sơ không kém: Nhà đồng chí Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng (nguyên Tổng Biên tập Báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng Lê Minh Hùng đứng thứ 2 từ phải qua).

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng (nguyên Tổng Biên tập Báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng Lê Minh Hùng đứng thứ 2 từ phải qua).

2. Người viết đã đứng rất lâu trước tấm ảnh chụp Thủtướng Võ Văn Kiệt bắt tay một người công nhân ngành Điện. Phương Tài, người Đà Nẵng, là tài xế, ca sĩ, nhạc sĩ Đoàn ca múa nhạc Cty Điện lực 3, một trong những đơn vị chủ lực thi công đường dây 500kV mạch 1 qua địa bàn miền Trung có địa hình hiểm trở nhất tuyến. Lịch sử tấm ảnh được Phương Tài tiết lộ. Khi anh trình bày xong ca khúc tự sáng tác về đường dây 500kV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cử chỉ ấm nồng như thế, cho một người thợ đường dây. Theo Phương Tài, sự quan tâm của Thủ tướng như nguồn năng lượng giúp anh gắn bó suốt hành trình với đại công trường này, với những ca khúc cũng gắn luôn với nghệ danh “giọng ca 500 ki-lô-vôn”.

Một nhân vật quen nữa cũng hiện diện tại Khu tưởng niệm. Đó là nguyên Tổng Biên tập Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng Lê Minh Hùng. Đấy là bức ảnh một phóng viên khác ghi khoảnh khắc Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và may mắn thay, nhà báo Lê Minh Hùng trong lúc tác nghiệp đã được “chộp” đúng vào thời khắc ở rất gần với Thủ tướng...

Công trình lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Công trình lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Đại diện Đoàn tham quan và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (đứng) ghi cảm tưởng về chuyến tham quan Khu lưu niệm.

Đại diện Đoàn tham quan và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (đứng) ghi cảm tưởng về chuyến tham quan Khu lưu niệm.

Dòng ảnh tại Khu tưởng niệm không thể bao quát cuộc đời và sự nghiệp, cống hiến to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng vẫn là những điểm nhấn kết nối, xuyên suốt, gắn liền với từng chặng đường lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng, của dân tộc: Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định - Gia Định, Bí thư Khu ủy kiêm Quân ủy Khu 9, Chủ tịch UBND TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6-1988 - 8-1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (8-1991 - 10-1992), Thủ tướng Chính phủ (10-1992 - 12-1997).

"Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng” Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

Ở mỗi cương vị, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá. Đặc biệt, khi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt in đậm qua các quyết sách: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,... chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường.

Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người khai sinh, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo thời kỳ đổi mới đất nước: chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau; chương trình Thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; khởi động các công trình điện năng lớn Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các công trình giao thông như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận...

Đến cuối đời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn còn đau đáu nỗi lòng với dân, với nước, thường xuyên đóng góp ý kiến với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước, những khó khăn của người dân để tìm cách tháo gỡ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với cái bắt tay thân mật ca sĩ đường dây Phương Tài. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với cái bắt tay thân mật ca sĩ đường dây Phương Tài. (Ảnh tư liệu)

3. Kết nối các chuyến tác nghiệp từng vùng miền,đứng ở Khu lưu niệm này, người viết không thể không nghĩ đến loạt công trình gắn liền với tên tuổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ khúc ruột miền Trung đến TPHCM lộng lẫy, đồng bằng sông Cửu Long bao la, mỗi công trình có thể là nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, nhưng điểm chung đều là những “công trình thế kỷ”, tạo động lực cho sự phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội khu vực, đất nước. Là đường Hồ Chí Minh nối chiều dài đất nước từ Lào Cai qua dãy Trường Sơn huyền thoại đến Cà Mau hình thành những khu kinh tế, khu du lịch, đô thị sầm uất; là siêu đường dây truyền tải 500kV mạch 1, khởi đầu cho thế hệ 500 kV mạch 2, 3 và 4 ra đời như những mạch máu, nguồn năng lượng vô tận cho sự nghiệp đổi mới, vươn mình của dân tộc; là những cánh đồng Nam Bộ ngọt lành đưa gạo Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể; là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kéo theo sự ra đời của Chu Lai, khu kinh tế mở đầu tiên của đất nước...

Nguyên Quyền Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Phan Đức Nhạn, trong chuyến thăm Khu lưu niệm và về các tỉnh miền Tây, đã ví von: “Nhà kinh tế nhận xét tư duy và hành động của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tầm nhìn vượt thời đại. Với những văn nghệ sĩ trong đoàn, Anh Sáu Dân, Bác Sáu Dân hay Ông Sáu Dân đúng là nguồn cảm hứng vô tận”.Những ngày này, khi toàn Đảng, toàn dân hào hứng, tự tin hướng về Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, càng tưởng nhớ, trân trọng “Người mở đường” Võ Văn Kiệt, với những đóng góp quan trọng vào thành tựu vĩ đại của gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp đất nước tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong những giai đoạn tiếp theo.

Vũng Liêm, Vĩnh Long tháng 6-2024; Đà Nẵng tháng 1-2025.

THẾ SINH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/goc-nhin/nguoi-thap-lua-mo-duong-post308012.html
Zalo