Người ta từng đánh trượt giáo viên Sóc Sơn mà không nói lí do

Nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn từng tham gia thi tuyển viên chức, công chức nhưng đều bị trượt mà không biết vì sao, có người thi điểm cao vẫn trượt.

Thông tin mới nhất vụ 256 giáo viên Sóc Sơn có nguy cơ mất việc, ngày 29/3 Sở Nội vụ Hà Nội có công văn hỏa tốc thông báo về việc bổ sung một số nội dung tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tuyển công chức, viên chức giáo dục năm 2019.

Theo đó, ngày 13/4 sẽ là ngày chốt hồ sơ người đăng ký dự tuyển thi công chức, viên chức ngành giáo dục năm 2019.

Nói về hạn nộp phiếu đăng ký dự tuyển thi công chức, viên chức năm 2019, hơn 200 giáo viên diện hợp đồng tại huyện Sóc Sơn có nhiều năm công tác cho biết, đã nắm được thời gian phải chốt lịch đăng ký dự thi tuyển viên chức, công chức.

Nếu không đăng ký dự thi trước ngày 13/4, điều đó có nghĩa hơn 200 giáo viên hợp đồng dù có nhiều năm công hiến cho giáo dục địa phương có thể bị sa thải. Tuy nhiên, những giáo viên tại đây vẫn đang chờ đợi một cơ chế nhân văn, thấu tình đạt lý đó là được đặc cách.

Ngày 2/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên trong số 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn cho biết: "Nếu áp dụng theo Nghị định 29/2012, 256 giáo viên chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện được đặc cách.

Theo Nghị định 29, điều kiện được đặc cách: Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị định 161 ra đời yêu cầu các điều kiện cao hơn và cũng là cần thiết để đáp ứng yêu cầu mới. Nhưng nếu áp dụng Nghị định mới với những giáo viên như chúng tôi đã giảng dạy từ vài chục năm về trước là thiếu cả tình và lý.

Nghị định 29 có hiệu lực từ năm 2012, nhưng chúng tôi không được hưởng, vậy ai chịu trách nhiệm".

Điều khiến không ít giáo viên bức xúc và đặt câu hỏi đó là suốt 6 năm Nghị định 29 có hiệu lực tại sao huyện Sóc Sơn không xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng khối tiểu học và trung học cơ sở mà chỉ dành cho giáo viên mầm mon.

Điều đó khiến 256 giáo viên khối tiểu học và trung học cơ sở trước nguy cơ mất việc dù đóng góp, cống hiến của họ không hề thua kém những giáo viên thuộc diện biên chế.

256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn đứng ngồi không yên khi ngày đăng ký dự thi tuyển viên chức, công chức sắp hết hạn 13/4 đang đến gần. Ảnh: GVCC.

256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn đứng ngồi không yên khi ngày đăng ký dự thi tuyển viên chức, công chức sắp hết hạn 13/4 đang đến gần. Ảnh: GVCC.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hương Trà, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường trung học cơ sở Trung Giã cho biết, hiện các thầy cô vẫn lên lớp bình thường, nhưng tâm lý vẫn rất lo lắng và buồn chán.

Ít nhiều nhiệt huyết với nghề bị giảm, nhưng vẫn tập trung cao độ để ôn luyện cho học sinh vì thời điểm này sắp bước vào thi cử.

Cô Nguyễn Hương Trà với 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, được rất nhiều giấy khen, chứng nhận thành tích của trường, của huyện, của Thành phố Hà Nội, nhưng cô vẫn là một giáo viên hợp đồng.

Là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, cô Trà được ghi nhận là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô, nhưng chừng đó những thành tích không đủ để cô được đặc cách sẽ rất đáng tiếc cho không chỉ ngành giáo dục vì cơ chế mà gạt những giáo viên có chuyên môn, tâm huyết, nhiều năm cống hiến, học sinh mất cơ hội được học giáo viên giỏi.

Cô Nguyễn Hương Trà chia sẻ: "Hiện, chúng tôi vẫn đang chờ đợi các cấp, các ngành xem xét đặc cách để 256 giáo viên hợp đồng tiếp tục được cống hiến, say với nghề nốt quãng thời gian còn lại trước khi nghỉ hưu.

Trong đó, có những giáo viên đã cống hiến người ít đã 5 năm, người nhiều đến mấy chục năm, có thầy cô chỉ còn vài năm nữa là về hưu nay bước sang tuổi 52, 53.

Chúng tôi có thể tham gia bài điều kiện chứ không thể bắt giáo viên cùng thi với những em mới ra trường, trong đó có cả học trò của mình thì rất đau lòng, và thiếu tính nhân văn".

Cũng theo cô Trà, theo Nghị định 29, 256 giáo viên huyện Sóc Sơn đủ thậm chí thừa điều kiện được xét đặc cách. Trong đó, cũng có giáo viên từng tham gia thi viên chức, nhưng phần thi thực hành tức thi chuyên môn điểm thi rất cao, nhưng thi lý thuyết lại bị trượt.

Hơn 200 giáo viên Sóc Sơn không sợ tham dự cuộc thi tuyển viên chức vì năng lực chuyên môn kém mà sợ cuộc thi khó đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Công văn của Sở Nội vụ Hà Nội thông báo, ngày chốt đăng ký dự thi tuyển viên chức vào ngày 13/4. Ảnh: chụp văn bản.

Công văn của Sở Nội vụ Hà Nội thông báo, ngày chốt đăng ký dự thi tuyển viên chức vào ngày 13/4. Ảnh: chụp văn bản.

Cô Nguyễn Hương Trà cũng thông tin mình đã từng tham gia thi tuyển viên chức, công chức cách đây gần 20 năm, nhưng hoàn toàn thất vọng.

“Năm đó Sở Giáo dục tổ chức thi tuyển công chức, viên chức cho giáo viên, tôi cũng tham gia. Có 2 phần thi là thực hành và lý thuyết.

Phần thi thực hành gồm thi soạn giáo án, và vấn đáp trực tiếp. Điểm thi phần thực hành của tôi khá cao được 7,5 điểm, trong khi đó người thi được 8 điểm là cao nhất.

Còn phần thi lý thuyết gồm thi luật giáo dục và cách tính điểm cho học sinh. Điểm lý thuyết của tôi được có 4,75 điểm (5 điểm đỗ).

Bị đánh trượt, cả tháng tôi buồn và khóc như mưa mà không biết vì sao mình trượt. Ấm ức lắm, mình là dân học luật ra, làm bài rất tốt mà chưa được 5 điểm nên tôi đã làm đơn phúc khảo, nhưng không được xem xét”, cô Trà nói.

Không ít giáo viên khi trao đổi với phóng viên bày tỏ thiếu niềm tin vào thi tuyển công chức, viên chức, trong đó có phần thi lý thuyết khó đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch. Họ sẵn sàng tham gia bài thi thực hành để khẳng định năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của mình.

Hơn nữa, những giấy khen, chứng nhận giáo viên dạy giỏi nhiều năm, phụ huynh, học sinh yêu mến, xã hội thừa nhận đó chính là minh chứng khẳng định năng lực chuyên môn của các thầy cô một cách chân thực nhất, rõ ràng nhất.

Còn cô Đào Thị Nga, giáo viên Trường trung học cơ sở Trung Giã đặt câu hỏi tại sao khi Nghị định 29 còn hiệu lực, có đặc cách, ưu tiên cho giáo viên, nhưng giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại huyện Sóc Sơn lại không được xét đặc cách.

"Tôi tham gia thi tuyển công chức, viên chức năm 2012. Cách thi, tôi giảng trên bục, còn giám khảo ở dưới chấm. Năm đó tôi không đỗ viên chức. Buổi thi cũng không ghi âm, ghi hình nên tôi không thể phúc khảo.

Cách tổ chức thi công chức, viên chức như thế khó đảm bảo công bằng, minh bạch", cô Đào Thị Nga nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Nam, giáo viên môn Toán, môn Tin Trường trung học cơ sở Xuân Giang cho biết, đã 2 lần tham gia thi tuyển viên chức, công chức vào năm 2009 và 2015, nhưng không đỗ.

Thầy Nguyễn Văn Nam không bình luận về việc thi tuyển công chức, viên chức 2 lần mình tham gia có tiêu cực hay không, nhưng thầy Nam khẳng định năng lực chuyên môn của mình rất vững không thua kém giáo viên biên chế. Bởi vậy, nhà trường mới giao cho dạy hai lớp cuối cấp.

Bản thân thầy Nam cũng như nhiều giáo viên khác bày tỏ sự lo lắng không biết làm thế nào để thi đỗ công chức, viên chức.

Một thầy giáo khác cũng có thâm niên hơn 15 năm dạy tại Sóc Sơn cũng trải qua 2 lần thi tuyển viên chức nhưng đều trượt. Lần đầu vào năm 2012, thi 2 môn là viết giáo án và thi dạy, thầy đều đạt điểm rất cao, nhưng không hiểu vì sao bị trượt.

Lần thi thứ hai vào năm 2015, thầy cũng đạt hai điểm gần tuyệt đối mà vẫn trượt. Điều đó khiến giáo viên này mất niềm tin vào việc thi viên chức, công chức. Bản thân giáo viên này cũng không biết phải làm thế nào để trúng tuyển.

Vũ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nguoi-ta-tung-danh-truot-giao-vien-soc-son-ma-khong-noi-li-do-post197099.gd
Zalo