Người sáng lập TSMC: 'Intel sẽ chỉ là cái bóng của TSMC'
'Ngay cả khi Intel Foundry thành công, vẫn sẽ nằm trong cái bóng của TSMC', người sáng lập TSMC -Morris Chang chia sẻ.
Người sáng lập TSMC (công ty sản xuất chip nổi tiếng của Đài Loan) - ông Morris Chang chia sẻ rằng công ty có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, khi các đối thủ như Intel tận dụng mong muốn của các chính phủ trên thế giới để xây dựng năng lực sản xuất chip như một vấn đề an ninh quốc gia.
“Trong lĩnh vực bán dẫn, không còn toàn cầu hóa nữa, không còn thương mại tự do nữa”, Chang nói hôm thứ Bảy trong Ngày thể thao hàng năm của TSMC ở Hsinchu, phía tây bắc Đài Loan. "Ưu tiên hàng đầu chỉ là an ninh quốc gia. Tôi thấy cuộc cạnh tranh toàn cầu này đang diễn ra. Các đối thủ của chúng tôi có thể lợi dụng xu hướng địa chính trị này và muốn đánh bại chúng tôi".
Một trong những đối thủ mà Chang nhắc tên là Intel có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ đang tăng cường nỗ lực tham gia sản xuất chip theo hợp đồng hay còn gọi là mảng kinh doanh đúc, lĩnh vực do TSMC thống trị.
Ông Morris Chang chỉ ra rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hai lần mời Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tham dự bài phát biểu Thông điệp Liên bang trước Quốc hội khi nước Mỹ đang nỗ lực xây dựng lại ngành sản xuất chất bán dẫn của mình.
Cả Intel và TSMC đều công bố kế hoạch đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ.
Ông Chang nói với các phóng viên tại sự kiện rằng khi nói đến việc đưa ngành sản xuất công nghệ cao trở lại Mỹ, “Mỹ đã chọn Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger làm hình mẫu chứ không phải Chủ tịch TSMC Mark Liu. Đó là một sự công nhận rất cao đối với Intel. Thật là một vinh dự lớn đối với họ".
Tuy nhiên, ông cho rằng Intel sẽ không gây ra mối đe dọa đáng kể cho TSMC trừ khi họ cố gắng cải thiện các khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất như dẫn đầu về công nghệ, tỷ suất lợi nhuận và giá cả cạnh tranh. "Ngay cả khi Intel Foundry thành công, vẫn sẽ nằm trong cái bóng của TSMC", ông Chang nói.
Để trả lời câu hỏi của Nikkei Asia về khu vực nào ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á có cơ hội tốt nhất để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua chip, Chang đã chỉ ra Nhật Bản và Singapore.
“Tôi nghĩ Nhật Bản và Singapore có điều kiện tốt cho sản xuất chip”, ông nói. “Văn hóa làm việc ở Nhật Bản cũng rất tốt". Ông nhớ lại trải nghiệm tích cực mà ông có được cách đây 5 thập kỷ, khi ông giúp Texas Instruments thành lập một cơ sở lắp ráp và đóng gói chip ở Kyushu, phía tây nam Nhật Bản. “Ở đó cũng có nhiều điện và nước, những thứ thiết yếu trong quá trình sản xuất”.
TSMC đang xây dựng một cơ sở trị giá 8 tỉ USD ở Kyushu và đang lên kế hoạch cho một nhà máy khác tiên tiến hơn ở đó. Tiến độ xây dựng nhà máy đầu tiên diễn ra suôn sẻ hơn so với cơ sở tiên tiến hơn của TSMC ở bang Arizona của Hoa Kỳ.
Nhìn vào ngành công nghiệp chip trong dài hạn, người đàn ông 92 tuổi nhấn mạnh các cường quốc có thể thăng trầm như thế nào.
Ông lấy ngành công nghiệp chip của Mỹ làm ví dụ, theo ông có thời kỳ hoàng kim từ năm 1955 đến đầu những năm 1970. "Hồi đó, môi trường sản xuất chip của Đài Loan rất tốt, giống như môi trường của Đài Loan ngày nay. Nhưng nó đã thay đổi theo thời gian. Hoa Kỳ hiện nay đã nâng cấp và giờ đây nhiều nhà phát triển chip có giá trị cao đã xuất hiện tại đây".
Chang cho biết môi trường sản xuất chip ở Đài Loan, nơi TSMC đặt trụ sở và chiếm phần lớn hoạt động sản xuất chip, cũng có thể thay đổi trong 20 hoặc 30 năm tới khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, giống như Mỹ.
"Đâu sẽ là cường quốc sản xuất chip tiếp theo? Có thể là Ấn Độ, Việt Nam hay Indonesia. Ai biết được?", ông nói thêm.