Người sáng lập đồng USDC kêu gọi siết chặt quy định đối với tiền điện tử
Ông kêu gọi siết chặt quy định đối với lĩnh vực tiền điện tử chống lại gian lận đồng thời bảo vệ khỏi những biến động mạnh trong lĩnh vực này.
Ông Jeremy Allaire, người đồng sáng lập đồng USDC - một trong những loại tiền điện tử phổ biến nhất thế giới – đã lên tiếng kêu gọi siết chặt quy định đối với lĩnh vực tiền điện tử chống lại gian lận đồng thời bảo vệ khỏi những biến động mạnh trong lĩnh vực này.
Ông Allaire, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Circle, có trụ sở tại Paris (Pháp), nhấn mạnh các nhà điều hành tiền điện tử phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ giống như các lĩnh vực mới nổi khác như trí tuệ nhân tạo (AI) phải làm.
Circle cung cấp "đồng tiền ổn định" (stablecoin) USDC, được neo theo USD, cũng như một biến thể được neo theo euro là EURC. Hiện tại, một lượng USDC trị giá 35,5 tỷ USD đang được lưu hành.
Giống như các loại tiền điện tử khác, các giao dịch được ghi lại trên một sổ cái phi tập trung, là chuỗi khối (blockchain), chứ không phải bởi một ngân hàng như trường hợp của các loại tiền tệ truyền thống. Tuy nhiên, trong khi giá trị USD của các loại tiền điện tử như Bitcoin có xu hướng dao động rất lớn, những người sáng tạo ra các loại tiền điện tử ổn định lại chủ động nhắm đến một giá trị ổn định. Ông Allaire nhấn mạnh trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự phát triển công nghệ, các biện pháp bảo vệ là rất quan trọng đối với các hoạt động như vậy.
Tiền điện tử nổi tiếng nhất, đồng Bitcoin, vẫn là loại tiền được lựa chọn để thanh toán trên các trang mạng đen mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Đồng tiền này thường được tội phạm sử dụng để tống tiền thông qua các cuộc tấn công bằng mã độc (ransomware), chặn quyền truy cập vào hệ thống máy tính của nạn nhân và yêu cầu thanh toán tiền chuộc.
Theo một báo cáo gần đây của Chainanalysis, các hoạt động bất hợp pháp đã sụt giảm trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, 460 triệu USD đã được thanh toán cho ransomware, tăng 2% so với một năm trước.
Ông Allaire lưu ý rằng các sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động thông qua phần mềm mã nguồn mở, giúp tăng tính minh bạch, khả năng hiển thị, bảo mật... Tuy nhiên, ông thừa nhận một số người đã "sử dụng công nghệ để thực hiện những việc nằm ngoài mọi hình thức giám sát". Khi tiền điện tử xuất hiện, "các trung gian không được quản lý" đã xuất hiện. Vì vậy, cần hướng tới sự giám sát tốt hơn.
Năm 2023, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua khuôn khổ toàn EU cho thị trường tài sản tiền điện tử, MiCA (Thị trường tài sản tiền điện tử), yêu cầu phê duyệt bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số.
Tháng 7, Circle đã công bố họ là đơn vị phát hành "stablecoin" đầu tiên tuân thủ quy định mới này. Stablecoin được sử dụng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trao đổi tiền điện tử nội bộ mà không cần thông qua ngân hàng. Nhưng loại tiền này cũng cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào một sản phẩm được neo theo USD mà không cần có tài khoản ngân hàng tại Mỹ và cho phép thanh toán hoặc chuyển tiền xuyên biên giới.
Tháng 5 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đổi mới tài chính và công nghệ cho thế kỷ 21. Đây là một khuôn khổ pháp lý được thiết kế để quản lý thị trường tiền điện tử.