Người S'tiêng trong hành trình phát triển

Bài 2:
NUÔI ƯỚC MƠ, KHÁT VỌNG VƯƠN XA

BPO - Đều xuất thân trong gia đình truyền thống cách mạng với lòng yêu nước nồng nàn, anh Điểu Phùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và chị Điểu Thị Xia, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng luôn khát khao cống hiến trí lực, góp sức xây dựng cộng đồng người S’tiêng phát triển.

Phải có nghề mới ổn định lâu bền

Từ khi nhận nhiệm vụ làm bí thư, trưởng thôn, anh Điểu Phùng luôn trăn trở: “Đồng bào S’tiêng ở thôn 3 phải có nghề thì cuộc sống mới ổn định. Nhưng chọn nghề gì, khi mặt bằng trình độ văn hóa của đồng bào chưa cao, số thanh niên trong độ tuổi lao động không nghề nghiệp ở thôn còn nhiều?”. Đem trăn trở kiến nghị lên lãnh đạo địa phương, đến nay anh Điểu Phùng đã tìm được lời giải cho đồng bào mình với việc mở thành công 3 lớp dạy nghề cạo mủ cao su.

Hai năm qua, hình ảnh anh Điểu Phùng đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, thuyết phục đồng bào trong thôn tham gia học nghề đã trở nên quen thuộc. Với lợi thế hiểu tập tục, lối sống của bà con, anh Phùng đã tranh thủ thông tin, cập nhật việc học nghề, tạo việc làm trong vùng dân tộc thiểu số cho từng người khi thì tại nhà, lúc hội họp, cả ở quán nước vỉa hè, những điểm thu mua mủ cao su...

Anh Ðiểu Phùng (bên trái) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Anh Ðiểu Phùng (bên trái) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vừa giới thiệu cụ thể, chi tiết công việc vừa cho xem hình ảnh minh họa, anh Phùng đã nhanh chóng thuyết phục được chị Điểu Thị Dơm nhận lời tham gia lớp dạy nghề cạo mủ cao su. Chị Dơm chia sẻ: Trước khi tôi đăng ký học nghề, chồng tôi đã hoàn thành và có chứng nhận nghề cạo mủ cao su. Nhờ được học bài bản, chồng tôi cạo mủ cao su có kỹ thuật hơn nên chủ vườn rất ưng ý, trả thù lao tương đối ổn định với mức 8 triệu đồng/tháng. Học để có tay nghề, mình sẽ không gặp khó khi đi xin việc ở các vườn cao su tư nhân. Cuộc sống gia đình sẽ khá hơn khi vợ chồng đều có việc làm ổn định.

Không chỉ quan tâm tạo việc làm cho bà con trong thôn, anh Điểu Phùng còn thường xuyên tham mưu xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nhiều năm qua, những căn nhà đại đoàn kết đã giúp người nghèo, khó khăn về nhà ở được an cư, từ đó xây dựng cuộc sống mới ổn định và phát triển hơn. Ông Điểu Vương ở thôn 3 cho biết: Từ khi anh Điểu Phùng làm trưởng thôn đã tham mưu nhiều chính sách cho đồng bào. Riêng gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, hiện còn được học nghề cạo mủ cao su nên cuộc sống đang từng ngày ổn định.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ theo lối kiến trúc nhà dài của đồng bào S’tiêng vùng cao, anh Điểu Phùng chia sẻ: Ngoài vai trò, trách nhiệm của người bí thư chi bộ, trưởng thôn, chính tình yêu quê hương, đồng bào mình đã thôi thúc tôi luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn cả, tôi luôn mong muốn đời sống bà con đổi thay tích cực, quê hương ngày càng phát triển.

Ðưa sản phẩm đặc trưng của đồng bào vươn xa

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, chị Điểu Thị Xia luôn khao khát lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thừa hưởng tố chất của người phụ nữ S’tiêng với đôi tay khéo léo và đức tính chăm chỉ, từ nhỏ chị Thị Xia đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm truyền thống. Không ngừng học tập và sáng tạo, chị Thị Xia khéo léo dệt áo, khố, váy, khăn và đã tạo ra những sản phẩm tiện dụng, phù hợp thị hiếu như túi xách, trang phục công sở, khăn choàng, giày dép... làm phong phú và đa dạng loại hình thổ cẩm của người S’tiêng. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều được chị chăm chút tạo hình với màu sắc và hoa văn trang trí phong phú mang dáng dấp tự nhiên của núi rừng như cỏ cây, hoa lá, thú rừng...

Chị Ðiểu Thị Xia (trái) mong muốn gìn giữ và đưa nét đẹp văn hóa truyền thống cùng sản phẩm đặc trưng của đồng bào S’tiêng vươn xa

Chị Ðiểu Thị Xia (trái) mong muốn gìn giữ và đưa nét đẹp văn hóa truyền thống cùng sản phẩm đặc trưng của đồng bào S’tiêng vươn xa

Bên cạnh thổ cẩm, chị Thị Xia tự hào vì gia đình còn lưu giữ, bảo tồn phương thức lên men và ủ rượu cần - thức uống đặc trưng của người S’tiêng. Rượu cần ủ càng lâu, chất lượng càng thơm ngon. Gia đình chị đang có cả trăm bình rượu với kích cỡ đủ loại luôn sẵn sàng phục vụ, quảng bá cho khách đến tham quan trên địa bàn cũng như các dịp triển lãm, giới thiệu ở tỉnh, thành khác.

Dịu dàng sau tấm áo thổ cẩm của phụ nữ S’tiêng, chị Thị Xia nở nụ cười chia sẻ: “Nặng lòng với các sản phẩm của đồng bào S’tiêng, ngày trước em trăn trở không biết làm sao đưa nét đẹp của đồng bào mình đến mọi người trong tỉnh và cả nước. Em luôn cố gắng tranh thủ những dịp lễ hội tại địa phương để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình tới du khách gần xa. Đặc biệt từ khi rượu cần và dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, kết hợp “luồng ánh sáng” chuyển đổi số phủ rộng tới tận thôn, sóc, em và các thành viên Tổ dệt thổ cẩm - rượu cần sóc Bom Bo đã thường xuyên cập nhật, quảng bá, giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Chúng em xem đây là điều kiện, cơ hội vàng để đưa sản phẩm đặc trưng của dân tộc S’tiêng vươn xa”.

Với nỗ lực không mệt mỏi, sản phẩm thổ cẩm, rượu cần của người S’tiêng sóc Bom Bo được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, bước đầu trở thành hàng hóa với nhiều mục đích sử dụng làm đồ lưu niệm, quà tặng hay trình diễn…

“Phụ nữ S’tiêng dệt thổ cẩm chưa hẳn là để mưu sinh, hay phục vụ nhu cầu ăn mặc như trước, mà còn là giữ gìn nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên trong tương lai, việc hỗ trợ đồng bào S’tiêng tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm dệt thổ cẩm rất cần thiết. Bởi làm được điều này sẽ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng, đồng thời tạo thêm động lực để thế hệ trẻ người S’tiêng tiếp tục lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc".

Chị Ðiểu Thị Xia,
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng

Là hai trong những “hạt giống đỏ” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đảng viên Điểu Phùng, Điểu Thị Xia đang thầm lặng cống hiến. Những việc làm của họ bình dị như hạt giống gieo xuống đất để mọc lên những mầm xanh tươi tốt, thắp sáng ước mơ vươn xa trong lớp đảng viên trẻ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Bình Phước.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/164115/nguoi-s-tieng-trong-hanh-trinh-phat-trien
Zalo