Người phụ nữ sinh con cho người lạ do sự cố không ngờ từ bệnh viện
Sự việc người phụ nữ mang thai và sinh con cho người dưng khiến dư luận bàng hoàng.
Một sự cố nghiêm trọng vừa được phát hiện tại một phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở thành phố Brisbane, Úc, khi một phụ nữ vô tình sinh con cho người lạ do nhầm lẫn phôi thai. Sự việc gây chấn động dư luận và làm dấy lên lo ngại về quy trình quản lý phôi trong các cơ sở hỗ trợ sinh sản.
Theo công bố từ Monash IVF - một trong những nhà cung cấp dịch vụ IVF lớn nhất nước Úc, sự nhầm lẫn xảy ra do "lỗi của con người", bất chấp việc phòng thí nghiệm đã tuân thủ các giao thức an toàn nghiêm ngặt. Vụ việc được phát hiện vào tháng 2 năm nay khi nhân viên nhận thấy một bệnh nhân có số lượng phôi thai lưu trữ bất thường. Sau đó, kiểm tra cho thấy một phôi thai từ bệnh nhân khác đã bị rã đông và cấy nhầm cho người phụ nữ này.
Mặc dù Monash IVF không tiết lộ thông tin cá nhân của các bên liên quan, một phát ngôn viên xác nhận đứa trẻ đã được sinh ra vào năm 2024. Công ty cho biết cuộc điều tra ban đầu không phát hiện thêm bất kỳ trường hợp nhầm lẫn nào khác.
"Tất cả chúng tôi tại Monash IVF đều rất đau buồn và xin lỗi sâu sắc đến những người bị ảnh hưởng bởi sự cố này", ông Michael Knaap, Giám đốc điều hành của công ty, phát biểu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bệnh nhân trong thời điểm vô cùng khó khăn này". Monash IVF đã báo cáo vụ việc với cơ quan quản lý có thẩm quyền tại bang Queensland, đồng thời cam kết sẽ tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

Phòng khám IVF Monash ở Brisbane.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành IVF đối mặt với những trường hợp trộn lẫn phôi hi hữu. Các sự cố tương tự từng được ghi nhận ở Hoa Kỳ, Anh, Israel và nhiều nước châu Âu. Gần đây, một phụ nữ ở tiểu bang Georgia (Hoa Kỳ) đã đệ đơn kiện sau khi phát hiện mình sinh con cho người khác do sự nhầm lẫn trong quá trình thụ tinh. Trường hợp này chỉ được phát hiện khi đứa trẻ sinh ra có màu da khác với bố mẹ pháp lý.
Tại Úc, mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có quy định riêng về quản lý IVF, điều này khiến nhiều người lo ngại về lỗ hổng trong giám sát và kiểm soát chất lượng. Năm 2024, Quốc hội Queensland đã thông qua bộ luật đầu tiên nhằm kiểm soát lĩnh vực này. Luật mới yêu cầu lập sổ đăng ký toàn quốc cho những người được thụ thai tại phòng khám, đồng thời cấm việc xóa bỏ hồ sơ y tế của người hiến tặng.
Bà Amanda Rishworth, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Xã hội Úc, kêu gọi các tiểu bang và vùng lãnh thổ nhanh chóng rà soát lại hệ thống pháp lý hiện hành. "Chúng ta cần khôi phục lòng tin của người dân và điều đó là bắt buộc", bà nhấn mạnh.
Trước đó vào năm 2023, Monash IVF cũng từng giải quyết một vụ kiện tập thể từ hơn 700 bệnh nhân, liên quan đến việc phá hủy nhầm phôi thai có khả năng sống. Dù không thừa nhận trách nhiệm, công ty đã chi trả khoản tiền dàn xếp trị giá 56 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 35 triệu đô la Mỹ).
Vụ việc mới nhất càng cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường quản lý, kiểm tra và minh bạch trong ngành hỗ trợ sinh sản - nơi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra những hệ quả sâu sắc và kéo dài cho nhiều gia đình.