Người phụ nữ làm thơ

Bà là Đỗ Thị Thanh Bình, tác giả bài thơ 'Huế - Tình yêu', khi in trong tập Giọt mưa do Hội nhà văn TPHCM và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành cách đây hơn 20 năm, bà đã viết:'Tặng Huế thân yêu sau những ngày bão lụt'. Sau đó được nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ thành bản nhạc nổi tiếng: 'Huế - tình yêu của tôi'.

Bài thơ “Huế - Tình yêu” ấy là cảm thức Huế sau những ngày mưa bão, mà trong ký ức tôi vẫn đầy dấu ấn, bởi từ nhỏ đến lớn chưa từng gặp cơn bão nào lớn đến vậy, và bởi lúc ấy tôi cũng sống và học tập ở Huế. Cho nên, bỗng xúc động khi thấy cuối bài thơ, bà ghi rất rõ, viết ngày 10-11-1985!

89 tuổi, vẫn ấp iu chuyện văn chương. Vẫn nhiệt thành với cuộc đời bằng những câu chuyện hóm hỉnh, say mê một đời thơ. Đó là phác thảo vài nét, khi tôi được gặp và quen biết bà ba năm nay. Chợt, nghĩ rộng ra, cái sự đau đáu lúc gửi gắm chút tình của mình vào cuộc đời này của những nhà thơ nữ xưa nay, rất khác biệt.

Hồi đầu tôi muốn gọi bà là chị, nhưng nghĩ cuộc đời bà đã đi dài gần suốt thế kỷ, mà lại sống vắt qua hai thế kỷ, chứng nhân cho bao nỗi thăng trầm, nên tôi “đành” gọi là… cô. Mặc dù mỗi lúc gặp bà, sự hồn hậu cuộc đời xen lẫn trong dáng vẻ của hồn thơ nghe chừng lai láng, nhìn bà trẻ hơn tuổi.

Có lẽ, những người phụ nữ làm thơ vẫn luôn như thế. Chút lằng lặng nổi loạn lúc cô đơn, chút dịu dàng bởi trời sinh ra là phái đẹp và lại có lúc mang một ẩn ức riêng tây gửi từng chút vào mỗi bài thơ. Rồi, để cho những người đàn bà hay đàn ông khác, đọc thấu mới hiểu.

Những ngày giữa tháng 9-2021, cũng là giữa mùa dịch Covid-19, tôi tình cờ gặp bà. Lúc ấy, bà liên hệ qua điện thoại với tôi ngỏ ý nhờ tìm và muốn nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi mất cha mẹ trong dịch, để đỡ đần cho một gia đình nào đó trên mảnh đất Sài Gòn đầy đau thương lúc ấy. Cảm cái tình của người phụ nữ quê xứ ở Thị trấn Chợ Cồn (huyện Hải Hậu, Nam Định), đã từng qua bao sông núi đến thành phố này để nghĩ đến từng em nhỏ mồ côi, tôi thật sự bồi hồi. Nhưng rồi, hóa ra tôi gặp một nữ thi sĩ sống một đời trọn vẹn qua những cuộc chiến chinh, an nhiên giữa hòa bình. Hỏi mới biết, té ra từ những năm giữa thập kỷ 1930, bà đã được sinh ra giữa Sài Gòn. Trong những cuộc lưu lạc đi về, rồi lại đi xa quê nhà từ thuở ấy, nữ nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình đã ghi lại bằng thơ những ngày tháng, khốc liệt cũng có, bình yên cũng có. Và bà cũng là người đầu tiên gom góp tiền hưu, dang tay nâng đỡ một đứa trẻ mồ côi cha trong suốt bốn năm, từ 2021-2025, để giúp người mẹ ấy vượt qua năm tháng nghiệt ngã khi đột ngột mất chồng!

Để rồi, người phụ nữ ấy hiện diện trước mặt tôi cùng với những câu chuyện kể, và tập thơ ký tặng, giữa bầu trời chiều xám mây tháng 9 của ba năm trước, lúc những con virus tai quái vẫn đang lởn vởn chưa biết sẽ xâm nhập vào những ai loanh quanh đâu đó!

Để rồi, sau nhiều lần đi lại thăm viếng, bà đã thật sự mang một dáng vẻ khá nhẹ nhàng trong thơ, như khi bà viết:

“Suốt đời mang theo màu nhớ

Nổi trôi bao lạch bao sông

Nơi nào sẽ là bến đậu

Bao giờ thôi nhớ, thôi mong!”.

Mặc dù trong những câu chuyện đời từng kể tôi nghe, có biết bao cay đắng ngọt bùi.

Trở lại với bài thơ Huế - Tình yêu của Đỗ Thị Thanh Bình, tự dưng lại muốn nói về đoạn kết bài:

“Ôm Huế vào lòng cả nước xót xa

Và cùng Huế nhường cơm sẻ áo

Sức sống Huế sẽ mạnh hơn giông bão

Kéo gần ngày Huế lại đẹp như xưa”

… rồi nhẩm tính lúc ấy vừa tuổi 50, đứng giữa một trời bão tố, có phải bà đang ví với cuộc đời mình. Rồi chợt nghĩ, mai đây khi Huế trở thành đô thị loại 1, có lẽ bài thơ và bản nhạc khá phổ biến này, sẽ càng góp phần phác vẽ một diện mạo về một thành phố vốn trầm mặc, được tiếp sức trỗi mình dậy chăng?

Có bao điều một người phụ nữ làm thơ muốn nói. Và có biết bao điều của những người phụ nữ làm thơ đã nói và sẽ nói. Song, cho đến lúc này, với tôi nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình vẫn đọng nét như bốn câu trong bài thơ Giọt mưa, mà bà lấy làm tựa tập thơ 22 năm trước:

“Em muốn thành nỗi nhớ

Thoáng một chút trong anh

Một chút thôi - một chút

Hạnh phúc đã mông mênh”.

Có sự hy sinh nào trong tình yêu lớn lao hơn thế, hay không?

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-phu-nu-lam-tho/
Zalo