Người phụ nữ hơn 50 năm giữ nghề chằm áo tơi
Hơn 50 năm giữ nghề, bà Đặng Thị Hiền (xã Quang Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) không chỉ tạo ra những chiếc áo tơi bền bỉ mà còn dệt nên câu chuyện về sự kiên cường, tình yêu nghề và giá trị văn hóa của một sản phẩm thủ công truyền thống.

Ở cái tuổi ngoài 70, đôi bàn tay của bà Đặng Thị Hiền (thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, Can Lộc) vẫn thoăn thoắt vuốt từng tàu lá cọ, se từng sợi mây. Hơn 50 năm gắn bó với nghề chằm áo tơi truyền thống, bà Hiền không chỉ là một người thợ mà còn là một người "giữ lửa" thầm lặng, miệt mài cho một nét văn hóa độc đáo của quê hương.


Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi nhiều nghề thủ công dần mai một, chiếc áo tơi vẫn tồn tại bền bỉ nhờ những người như bà Hiền, mang theo hơi thở của nắng gió miền Trung và tinh thần lao động cần cù.

Nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ, bà Hiền kể: "Thời trước, mỗi ngày tôi có thể chằm 5 - 6 chiếc áo tơi. Nay tuổi cao, sức khỏe có giảm sút nhưng tình yêu với nghề vẫn vẹn nguyên. Mỗi ngày, tôi vẫn làm được từ 3 - 4 chiếc, không chỉ mưu sinh mà còn là cách tôi góp phần duy trì nghề truyền thống của gia đình và của cả vùng quê Can Lộc".


Bà Hiền cho biết, để có được những chiếc áo tơi bền đẹp, quy trình làm ra nó đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mùa chính của nghề tơi kéo dài 6 tháng mùa nắng, từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Đây là thời điểm vàng khi lá cọ đạt độ già lý tưởng để làm tơi, mang lại độ bền và sự dẻo dai cần thiết. Công đoạn đầu tiên, người thợ phải gom lá cọ già, cây mây và cây giang non. Đây là những vật liệu giúp kết nối các lớp lá tơi, tạo nên sự chắc chắn cho chiếc áo.

Mặc cho sự xuất hiện của những chiếc áo mưa tiện lợi, hay áo quạt gió điều hòa mát lạnh, áo tơi vẫn được người dân lao động ưu ái lựa chọn. Lý do rất đơn giản bởi sự mát mẻ tự nhiên mà nó mang lại, kết hợp với giá thành hợp lý. "Một chiếc áo tơi có giá khoảng 70 nghìn đồng, nhưng có thể dùng bền bỉ đến ba mùa nắng giữa thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Mùa hè, khoác chiếc áo tơi đi làm đồng sẽ giảm được nắng nóng đi rất nhiều" - bà Hiền chia sẻ.


Nghề chằm tơi không chỉ là sự kết hợp của lá, mây, giang mà còn là "bản giao hưởng" của sự kiên nhẫn và khéo léo. "Lá tơi tuy mềm nhưng nếu không biết cách đặt, cách xếp thì áo sẽ bị co rúm, không phẳng phiu, dễ thấm nước và nhanh hỏng lắm. Từng tàu lá phải được đặt chồng lên nhau một cách khoa học, tạo thành nhiều lớp mỏng, giúp chiếc áo vừa thoáng mát lại vừa có độ che chắn tốt. Rồi đến công đoạn dùng kim chằm, tất cả đều phải đều đặn, cẩn thận" - bà Hiền cho biết.

Tiếng kim lách cách đều đặn, hòa cùng tiếng lá xào xạc, tạo nên một âm thanh quen thuộc, đặc trưng của nghề chằm áo tơi.

Sự cẩn thận trong từng công đoạn chính là bí quyết để tạo nên những chiếc áo tơi không chỉ bền bỉ theo thời gian mà còn mang một vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế, thể hiện sự tâm huyết của người thợ thủ công.

Nói về những khó khăn trong nghề, bà Hiền chia sẻ: "Cực thì có cực nhưng chúng tôi đã quen rồi. Hồi trẻ thì làm khỏe hơn, giờ già rồi mắt kém, tay cũng không còn dẻo dai như trước nữa. Nhưng mà, bỏ thì không đành. Bởi với tôi, nghề chằm tơi không chỉ là phương tiện mưu sinh mà đã trở thành một phần máu thịt, một niềm tự hào. Giờ thanh niên cháu nào cũng muốn đi làm công ty, ít người còn mặn mà với nghề lắm".

Bà Hiền hy vọng, bằng cách giữ vững ngọn lửa của mình, những thế hệ sau sẽ nhận ra giá trị của chiếc áo tơi, không chỉ là sản phẩm vật chất mà còn là hồn cốt của quê hương, của những giá trị truyền thống cần được gìn giữ.

Theo bà Hiền, ngày xưa, những chiếc áo tơi Yên Lạc là "thương hiệu" quen thuộc theo gánh hàng của người dân đi khắp các chợ trong vùng. Từ chợ tỉnh (TP Hà Tĩnh) đến chợ Gát (huyện Thạch Hà), chợ huyện Đồng Lộc (Can Lộc)... đâu đâu cũng thấy bóng dáng những chiếc áo tơi mộc mạc, gần gũi. Thậm chí, có cả những người buôn tơi đến tận nhà lấy hàng. Còn bây giờ, chủ yếu là người dân tự mang ra chợ bán, hoặc qua những mối quen biết.

Hiện nay, tại xã Quang Lộc có hơn 120 hộ còn giữ nghề nhưng làm thường xuyên thì chỉ còn khoảng hơn 20 hộ.


Trong cái nắng chang chang của miền Trung, khi những cánh đồng lúa đang vào vụ, hình ảnh người nông dân khoác chiếc áo tơi làm bạn là điều không thể thiếu. Chiếc áo tơi không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa thông thường mà còn là một phần không thể tách rời của đời sống lao động.
Video: Làm áo tơi kỳ công trong từng công đoạn.