Người phụ nữ có '1 không 2' nhắn nhủ với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM

Trong bài nói chuyện của mình, bà Lê Duy Loan mong mỏi sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM không được quên đi những đức tính căn bản của con người khi ra trường và thành công.

Ngày 20-10, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Lễ Khai khóa năm 2024 với chủ đề “Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.

Đáng chú ý và thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên, học viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay là bài nói chuyện của một nữ diễn giả đặc biệt - bà Lê Duy Loan, Nguyên thành viên Ban lãnh đạo kỹ thuật, Tập đoàn Texas Instruments (TI). Bà là người Mỹ gốc Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật trong lịch sử hơn 90 năm của TI.

 Bà Lê Duy Loan

Bà Lê Duy Loan

Người phụ nữ duy nhất được bầu vào ban lãnh đạo kỹ thuật tập đoàn TI

Bà Loan sinh năm 1954 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Bà tốt nghiệp thủ khoa trung học trường Alief Hastings ở Texas, Hoa Kỳ. Sau đó, bà tốt nghiệp kỹ sư điện hạng danh dự từ University of Texas at Austin. Bà cũng có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ ĐH Houston.

Bắt đầu sự nghiệp tại Texas Instruments (TI), bà Lê Duy Loan trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật trong lịch sử hơn 90 năm của TI. Bà đã lãnh đạo quá trình phát triển và sản xuất của mảng kinh doanh bộ nhớ trị giá 2 tỉ USD của TI với các đối tác liên doanh. Bên cạnh đó, bà chịu trách nhiệm về nghiên cứu và phát triển toàn cầu, vận hành sản xuất nội bộ và xưởng đúc, cũng như sản xuất hàng loạt cho bộ phận kinh doanh trị giá 5 tỉ USD của TI.

Sau 35 năm làm việc tại Texas Instruments, bà nghỉ hưu và hiện tham gia hội đồng quản trị của nhiều công ty như: Cirrus Logic, Wolfspeed, Atomera và Brainchip. Bà được Hiệp hội giám đốc công ty quốc gia (NACD) công nhận là một trong những giám đốc có tầm ảnh hưởng nhất vào năm 2019 và được vinh danh trong "danh sách 100 nhà lãnh đạo hàng đầu của NACD" vào năm 2021.

Bà Lê Duy Loan sở hữu 24 bằng sáng chế và là người giám sát phát triển bộ xử lý tín hiệu số nhanh nhất thế giới theo sách kỷ lục Guinness năm 2004. Bà được ghi danh vào Đại sảnh danh vọng của tổ chức Phụ nữ trong Công nghệ quốc tế (WITI) và Đại sảnh danh vọng châu Á, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Bà đã tham gia vào ban sáng lập của bốn tổ chức phi lợi nhuận trong suốt 25 năm qua, tập trung vào giáo dục và STEM. Bà vẫn tiếp tục gắn bó với Quỹ Mona và Sunflower Mission cho đến ngày nay và là thành viên danh dự của Ban cố vấn Hội danh dự khoa học quốc gia. Bà là diễn giả thường xuyên được mời thuyết trình tại các trường ĐH danh tiếng và các công ty thuộc danh sách Fortune 500.

 Bà Lê Duy Loan đang chia sẻ với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: ĐHQG

Bà Lê Duy Loan đang chia sẻ với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: ĐHQG

5 chữ sinh viên không được quên

Trong bài nói chuyện của mình với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, bà Loan chia sẻ, khi 16 tuổi đặt chân trên đất nước Hoa Kỳ xa lạ, bản thân đã rất bơ vơ và gặp nhiều khó khăn về tinh thần, tài chính. Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng để vượt qua khó khăn đó là niềm tự hào dân tộc và giá trị cá nhân.

“Tôi có thể không giàu có, không đẹp, không bằng cấp, nhưng tôi tự tin về lòng tự trọng dân tộc và các giá trị bản thân. Bất cứ điều gì tôi làm đều có thể ảnh hưởng đến hai yếu tố đó, nên tôi tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua khó khăn” – bà Loan nói.

Theo bà Loan, bí quyết chinh phục thành công của bà là bốn yếu tố, tri thức, đạo đức, văn hóa và kỹ năng mềm.

Vì thế, bà Loan cho rằng mỗi sinh viên cần tự định nghĩa giá trị thành công cho chính bản thân mình thay vì để gia đình, bạn bè và người khác gò bó giá trị đó vào một khuôn khổ nhất định. Ngoài ra, theo bà, muốn thành công thì trước hết phải có ước mơ.

Bà Loan nhắn nhủ: “Đừng bao giờ quên đi ước mơ của mình. Trên hành trình sống, các bạn có thể gặp những khó khăn về gia đình, tài chính, điều kiện bản thân… Hãy xem đó là một rào cản để tạm dừng ước mơ, nhưng đừng từ bỏ. Chúng ta có thể không đi theo một đường thẳng, hãy tìm kiếm cơ hội theo một đường vòng, dù mất thời gian, công sức nhưng luôn xứng đáng”.

Ngoài ra, với bà, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất là lòng biết ơn. Từ đó, lòng biết ơn thúc đẩy tôi suy nghĩ cần phải làm điều gì đúng đắn. Từ suy nghĩ đó, tôi hoạch định kế hoạch để thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, bà mong các em sinh viên mai này ra trường, thành công trên hành trình của mình sẽ không quên đi những đức tính căn bản của con người.

“Đừng quyền lực quá mà quên đi chữ Nhân, không địa vị quá mà quên đi chữ Lễ, phú quý quá mà quên đi chữ Nghĩa, hồ đồ quá mà quên đi chữ Trí và không bao giờ tham vọng quá mà quên đi chữ Tín” - bà Lê Duy Loan nhấn mạnh.

 Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đặt câu hỏi cho bà Lê Duy Loan

Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đặt câu hỏi cho bà Lê Duy Loan

Tại buổi nói chuyện, các bạn sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi đến bà Loan với những nội dung liên quan đến hành trình chinh phục thành công.

Trả lời các câu hỏi, bà Lê Duy Loan cho rằng, sinh viên xây dựng và giữ vững tinh thần cố gắng trong quá trình làm việc và học tập, không để bản thân trở nên chán nản.

Theo bà, các em có cơ hội học tập may mắn hơn nhiều người trên thế giới. Vì vậy, bản thân cần có những cách ứng xử xứng đáng với cơ hội này, từ đó tạo ra giá trị tích cực. Bên cạnh việc trau dồi tri thức, mỗi sinh viên cần tham gia hoạt động ngoại khóa, kết nối các mối quan hệ, xây dựng quãng đường đại học thú vị.

Bên cạnh lý thuyết học ở trường ĐH, sinh viên cần học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm về tự rèn luyện thể lực và tinh thần, sắp xếp thời gian, dàn xếp các mối quan hệ bất hòa.

Khi được sinh viên hỏi về cách để giữ gìn bản sắc văn hóa trên hành trình hội nhập, bà Loan cho rằng bất cứ nền văn hóa nào cũng có những giá trị tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng là cá nhân tiếp thu giá trị tích cực, hạn chế sự tiêu cực để có thể hội nhập và tự hào với bản sắc dân tộc.

Phát biểu lễ Khai khóa, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM mong sinh viên, học viên chăm chỉ, cần mẫn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đất nước cần các em - những “Thánh Gióng mới” để vươn mình phát triển.

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng kỳ vọng các thầy cô giáo không ngừng nỗ lực, miệt mài nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tìm ra tri thức mới, công nghệ mới, những giá trị văn hóa đặc sắc mới; giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-phu-nu-co-1-khong-2-nhan-nhu-voi-sinh-vien-dh-quoc-gia-tphcm-post815798.html
Zalo