Người phụ nữ 38 tuổi sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết nặng vì chủ quan khi sốt virus
Theo các bác sĩ, ban đầu người bệnh bị sốt virus nhưng không được điều trị kịp thời nên đã gây ra tình trạng bội nhiễm và ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể.
Ngày 4/12, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, tại đây vừa cấp cứu thành công một trường hợp sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết nặng, tiên lượng tử vong cao.
Theo đó, bệnh nhân B.T.B. (38 tuổi) được người nhà đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, ho khan, phù 2 chân, xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan tăng cao, suy thận cấp.
Tại đây, người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng lơ mơ, suy hô hấp suy tuần hoàn nên nhanh chóng được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Nội.
Xác định đây là trường hợp sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết nặng biến chứng suy thận, suy gan, suy tim với nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành lọc máu liên tục kết hợp thở máy xâm nhập và điều trị nội khoa tích cực.
Sau hơn 72 giờ lọc máu, các chỉ số sinh tồn của người bệnh dần ổn định. Người bệnh sau đó được cai máy thở. Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và được ra viện.
Chia sẻ về ca bệnh này, BSCKI. Phạm Thanh Tùng – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, ban đầu người bệnh bị sốt virus, tưởng chừng một bệnh lý rất đơn giản và thường gặp, tuy nhiên vì chủ quan, không được điều trị kịp thời nên đã gây ra tình trạng bội nhiễm và ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, nguy cơ tử vong cao.
Theo BS Tùng, việc tiến hành lọc máu liên tục sẽ tăng tỷ lệ cứu sống cho những trường hợp người bệnh rất nặng, đặc biệt là ở người bệnh có biến chứng nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, viêm tụy cấp mức độ nặng, suy gan cấp, ngộ độc cấp, nhiễm toan chuyển hóa, các trường hợp bỏng nặng…
Sốt virus khi nào gây nguy hiểm?
Theo các bác sĩ, sốt virus là tình trạng sốt do nhiều loại virus gây ra, trong đó hay gặp là các virus gây bệnh đường hô hấp. Những virus này thường phát triển và hoạt động mạnh khi thời tiết thay đổi thất thường.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp và tiêu hóa nên dễ tạo thành dịch. Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh, trong đó, hay gặp nhất là ở trẻ em.
Hầu hết các trường hợp sốt virus đều có các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng và nổi bật nhất của sốt virus đó là sốt rất cao (có thể trên 39°C, tùy chủng virus). Các cơn sốt có thể liên tục tăng và giảm trong thời gian nhiễm bệnh, có thể sốt lên đến 40-41 độ C.
Ngoài biểu hiện sốt cao, người bệnh còn có các biểu hiện như:
- Đau đầu: Đây là biểu hiện thường gặp của sốt virus, bệnh nhân thường có dấu hiện nhức đầu dữ dội.
- Viêm đường hô hấp: Kèm theo sốt và đau đầu là các biểu hiện viêm đường hô hấp như viêm họng (họng bị sưng tấy, đỏ), rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi... Người bệnh có biểu hiện đỏ mắt, chảy nước mắt.
- Da nổi mẩn: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt virus, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt vì bệnh đã qua thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh.
- Đau nhức người: Người bệnh đau nhức khắp người, đặc biệt là đau nhức ở cơ bắp. Những cơn đau này thường khiến bệnh nhân mệt mỏi không làm được việc.
- Rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện này thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt virus do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng (tiêu chảy), không có máu, chất nhầy.
Ở trẻ em, những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục. Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt.
Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…
Một số biến chứng của sốt virus như: viêm đường hô hấp; viêm thanh quản hầu họng; viêm cơ tim; biến chứng thần kinh. Trong đó, biến chứng thần kinh là biến chứng nguy hiểm nhất của sốt virus, thường gặp ở trẻ em.
Bệnh gây các biến chứng ở não bộ, dẫn đến co giật, hôn mê sâu. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ gây các di chứng về thần kinh, thậm chí tử vong.
Cách chăm sóc trẻ mắc sốt virus
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ: mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, nước ép trái cây… Cha mẹ nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.
Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C đo ngoài da (nách, trán, lỗ tai) có thể dùng paracetamol (tên biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol…) với liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ để tránh sốt quá cao có thể gây các phản ứng bất lợi như co giật, mất nước, mệt mỏi nhiều.
Nếu chưa loại trừ được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không thì không được dùng các thuốc chứa thành phần ibuprofen (tên biệt dược: Sotstop, Brufen…) vì có thể gây xuất huyết nặng thêm.
Lưu ý, khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, phát hiện được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám.
Một số dấu hiệu cần chú ý như: sốt đơn thuần 2 – 3 ngày không thuyên giảm, sốt kèm theo các dấu hiệu toàn thân hoặc các cơ quan khác như mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho, khó thở, tiêu chảy…
Để phòng ngừa nhiễm virus, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi…
Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus gây bệnh.