Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ lập trường Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar tuyên bố, Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu.

XEM CLIP:

Trong cuộc họp báo chiều qua, ông Raveesh Kumar nhấn mạnh, Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển.

“Ấn Độ cũng tin rằng, mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, người phát ngôn Raveesh Kumar phát biểu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar

Nhiều quốc gia đã nêu lập trường về vấn đề Biển Đông trước việc Trung Quốc điều nhóm tàu xâm phạm vùng biển của Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông.

Hôm qua, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh Maja Kocijancic ra tuyên bố nêu rõ, các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông dẫn đến căng thẳng gia tăng và làm xói mòn môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.

Bà Maja Kocijancic khẳng định, điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là tự kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để trở lại nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Bà cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc ASEAN đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, nhằm tăng cường hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba.

Hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước tình trạng Trung Quốc tái diễn các hành động vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Gần đây, Trung Quốc đã tái diễn hành động can thiệp mang tính cưỡng ép của nước này đối với các hoạt động dầu khí vốn diễn ra từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc 'sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8

Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Bà Hằng khẳng định, Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.

Thái An - Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-an-do-neu-ro-lap-truong-bien-dong-563422.html
Zalo