'Người nổi tiếng không thể vô trách nhiệm với phát ngôn của mình'
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng cần có chế tài đủ mạnh để người nổi tiếng không thể vô trách nhiệm với phát ngôn của mình. Nhưng song song đó, cần có một khuôn khổ pháp lý cụ thể, dễ hiểu, giúp nghệ sĩ nhận biết đâu là giới hạn, đâu là hành vi vi phạm.
Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng không phải là hiện tượng mới
NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, BTV Quang Minh, Doãn Quốc Đam, MC Vân Hugo, MC Hoàng Linh ... hiện tại đang là những tên tuổi được khán giả tranh cãi nhiều vì câu chuyện quảng cáo thổi phồng công dụng.
Tối 15/4, BTV Quang Minh đã chính thức lên xin lỗi khán giả, trên trang cá nhân anh viết: "Tôi xin nhận lỗi vì để xảy ra sự việc khiến dư luận băn khoăn và một bộ phận khán giả thất vọng. Đây là điều tôi hoàn toàn không mong muốn".

BTV Quang Minh phải xin lỗi khán giả vì quảng cáo sữa thổi phồng công dụng.
Còn MC Vân Hugo thì chia sẻ lại những hình ảnh chứng chỉ lẫn thư đính chính của nhãn hàng sữa do cô làm đại diện như ngầm "minh oan" cho mình. Phía Doãn Quốc Đam hiện tại vẫn chưa có phản hồi rõ ràng về sự việc quảng cáo sữa của mình.
Trước việc nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, thổi phồng công dung, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã có chia sẻ thẳng thắn với Gia đình&Xã hội. Anh nói: "Đây là một hiện tượng không mới nhưng đang ngày càng gia tăng và gây tác động tiêu cực nhiều hơn trước bởi sức lan tỏa của mạng xã hội. Về bản chất, việc người nổi tiếng tham gia quảng bá cho sản phẩm là một hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi: nhãn hàng được hưởng lợi từ uy tín, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ; còn nghệ sĩ thì nhận được thù lao hoặc các quyền lợi khác. Tuy nhiên, khi sự hợp tác này thiếu minh bạch, thiếu kiểm chứng và đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm với công chúng thì hậu quả là khủng hoảng truyền thông, thậm chí là mất uy tín cá nhân".

Diễn viên Doãn Quốc Đam cũng mạng xã hội réo tên khi quảng cáo sữa.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng nói rằng việc thổi phồng công dụng sản phẩm không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn có thể gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và tài chính của người tiêu dùng. Anh cho rằng trong kỷ nguyên truyền thông số, nơi mọi hành vi đều được công chúng giám sát và phản hồi gần như ngay lập tức, nghệ sĩ cần hiểu rằng họ không chỉ là người truyền tải thông tin, mà còn là người chịu trách nhiệm cho thông tin đó.
Nghệ sĩ nhận quảng cáo nghĩ là cơ hội kiếm tiền nhanh nhưng cuối cùng vẫn phải "tự cứu mình"
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chia sẻ không ít nghệ sĩ hiện nay đang nhìn nhận việc quảng cáo đơn thuần như một cơ hội kiếm tiền nhanh, với mức thù lao hấp dẫn và hợp đồng gọn nhẹ. Nhưng điều đáng tiếc là họ đã quên mất rằng, mỗi lần xuất hiện với vai trò đại diện cho một sản phẩm – dù trực tiếp hay gián tiếp – họ không chỉ "cho thuê hình ảnh", mà còn đang đặt toàn bộ danh tiếng và niềm tin của người hâm mộ lên bàn cân để đánh đổi.

MC Quyền Linh cũng bị khán giả réo rên vì ồn ào quảng cáo sữa.
Anh khẳng định nếu nghệ sĩ không giữ chữ tín sẽ bị khán giả quay lưng. "Niềm tin là một loại tài sản vô hình nhưng cực kỳ giá trị – và rất mong manh. Người hâm mộ có thể yêu quý bạn vì tài năng, vì nhân cách, nhưng nếu cảm thấy bị lợi dụng hoặc phản bội, họ sẵn sàng quay lưng, thậm chí trở thành lực lượng lên tiếng mạnh mẽ nhất. Một nghệ sĩ có thể mất 10 năm để xây dựng hình ảnh, nhưng chỉ cần một lần "quảng cáo sai" hoặc "hợp tác mù quáng", tất cả sẽ tan vỡ trong vài phút livestream chỉ trích, vài dòng bình luận trên mạng xã hội, hoặc một bài điều tra từ báo chí", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Về trường hợp của MC Quyền Linh đang thu thập bằng chứng để bảo vệ mình, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khẳng định: "Trường hợp của MC Quyền Linh là một ví dụ điển hình cho thấy: dù bạn là người nổi tiếng với hình ảnh đẹp bền vững suốt nhiều năm, thì chỉ cần một mắt xích trong chuỗi truyền thông bị đứt – danh tiếng vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và đáng nói hơn, đây không phải lần đầu công chúng thấy nghệ sĩ phải "tự cứu mình" vì những rủi ro truyền thông phát sinh từ việc hợp tác với nhãn hàng".
Anh cũng khẳng định việc MC Quyền Linh chủ động lên tiếng sớm, rõ ràng, đồng thời thực hiện các biện pháp pháp lý là cách làm đúng và rất cần thiết để tái khẳng định sự minh bạch của bản thân. Nhưng sâu xa hơn, đây cũng là lời cảnh tỉnh rằng, nghệ sĩ không thể để mình là người cuối cùng biết về những gì đang diễn ra với thương hiệu cá nhân của chính mình.
Người nổi tiếng quảng cáo: Không đơn thuần là "chia sẻ trải nghiệm cá nhân"
Trước hiện tượng nhiều nghệ sĩ quảng cáo thổi phổng công dụng, gây ảnh hưởng quyền lợi cho người tiêu dùng, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng cần có một chế tài xử lý cho cả đôi bên.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.
Anh nhấn mạnh: "Tôi cho rằng cần phải có chế tài nhưng quan trọng hơn là chế tài ấy phải công bằng, minh bạch và đi kèm với cơ chế hướng dẫn, giáo dục rõ ràng. Chúng ta đang sống trong một môi trường truyền thông mở, nơi mà ranh giới giữa "cá nhân phát ngôn" và "đại diện thương mại" rất mong manh. Khi một người nổi tiếng phát ngôn về sản phẩm – đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tài chính, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng – họ đang tác động đến quyết định của hàng triệu người, chứ không đơn thuần chỉ là "chia sẻ trải nghiệm cá nhân".
Vì vậy, cần có chế tài đủ mạnh để đảm bảo rằng người nổi tiếng không thể vô trách nhiệm với phát ngôn của mình. Nhưng song song đó, cần có một khuôn khổ pháp lý cụ thể, dễ hiểu, giúp nghệ sĩ nhận biết đâu là giới hạn, đâu là hành vi vi phạm. Tránh trường hợp xử phạt mang tính "đánh rắn dọa khỉ" hoặc không nhất quán giữa các vụ việc.
Ngoài ra, các nhãn hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Không thể để tình trạng "mời nghệ sĩ về làm đại diện, đưa kịch bản sẵn, nghệ sĩ đọc – rồi khi có sự cố thì đổ hết cho nghệ sĩ". Việc xử lý sai phạm cần nhìn cả chuỗi: từ sản phẩm có giấy phép chưa, nội dung quảng cáo ai duyệt, đến ai là người phát tán và hưởng lợi.
Chúng ta không chỉ cần chế tài để trừng phạt, mà còn cần cơ chế hướng dẫn, để phòng ngừa từ gốc. Việc này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng, mà còn giúp nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình trong môi trường truyền thông ngày càng khắc nghiệt".
Cuối cùng chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khuyên, người nổi tiếng nên xem xét việc có đội ngũ truyền thông riêng hoặc ít nhất là tham vấn định kỳ với chuyên gia truyền thông. Đừng để mỗi lần vướng sự cố là một lần "chạy chữa" bằng bản năng. Anh nhắn gửi: "Truyền thông không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn giành lại quyền chủ động".