Người nổi tiếng không được quảng cáo nếu chưa sử dụng sản phẩm

Dự thảo luật yêu cầu người ảnh hưởng khi quảng cáo phải kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Sáng 10-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Một trong những nội dung đáng chú ý là dự luật đề xuất tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, bởi thời gian qua nhiều trường hợp người nổi tiếng đã bị cơ quan chức năng xử lý do quảng sai sự thật.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cho biết có ý kiến đề nghị cần có quy định cho người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, không nên quy định đối với người có ảnh hưởng riêng.

Ý kiến này cũng đề nghị có chế tài nghiêm đối với người có ảnh hưởng hoặc giao Chính phủ quy định xử phạt nghiêm khắc. Đồng thời, nghiên cứu có quy định tạo hành lang pháp lý cho các chế tài bổ sung như cấm tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh, tham gia mạng xã hội, công khai xin lỗi…

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng và đã chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng" - ông Vinh thông tin.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đó, phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Cùng đó, người có ảnh hưởng cũng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.

Cũng theo Thường vụ Quốc hội, việc dự thảo Luật có những quy định riêng cho người có ảnh hưởng nhằm nhấn mạnh đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Việc này nhằm khắc phục thực tế hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Về chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ.

Một số ý kiến cho rằng quy định nghĩa vụ “khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội thì người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm” là không thực tế, khó khả thi, khó đánh giá và kiểm soát.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện. Thay vào đó, dự luật quy định chung về nghĩa vụ, trách nhiệm của người có ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo đối với các loại hàng hóa này.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Về vấn đề này, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng về việc thiết lập cơ chế để tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng về quảng cáo trên mạng, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị rà soát các yêu cầu đối với nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, cần bảo đảm tính chính xác để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải có các quy định cụ thể để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc chung, đồng thời, bổ sung khoản 4 Điều 19 theo hướng giao Chính phủ quy định danh mục, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

“Trong đó có những quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, để các quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo” – theo báo cáo giải trình.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-noi-tieng-khong-duoc-quang-cao-neu-chua-su-dung-san-pham-post848977.html
Zalo