Người nổi tiếng 'đã trực tiếp sử dụng sản phẩm' thì mới được quảng cáo

Theo cơ quan thẩm tra, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng 'đã trực tiếp sử dụng sản phẩm' trước khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội.

Sáng 24/9, nêu ý kiến tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự thảo luật), cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" trước khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cũng như chưa có chế tài xử lý.

Vì vậy, Ủy ban Văn hóa Giáo dục - cơ quan thẩm tra, đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng. Trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quốc hội)

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng, dự thảo luật quy định người chuyền tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Dự thảo luật cũng quy định người chuyền tải sản phẩm quảng cáo còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Với người có ảnh hưởng, ngoài có nghĩa vụ như người chuyền tải sản phẩm quảng cáo, còn có trách nhiệm "Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo". Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...trên mạng xã hội người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Ảnh: Quốc hội)

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý tình trạng quảng cáo “thổi phồng”, không đúng sự thật. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật để nghị, không chỉ quy định trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh tình trạng các cơ quan đổ trách nhiệm cho nhau.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-noi-tieng-da-truc-tiep-su-dung-san-pham-thi-moi-duoc-quang-cao-post1123669.vov
Zalo