Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.

Cách tân ngôn ngữ hội họa hiện đại Việt Nam

Tại trò chuyện nghệ thuật “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại" cuối tuần qua, họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (thời kỳ đổi mới) nhận định, nói đến Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến cuộc đời sáng tạo miệt mài không ngừng nghỉ; là nói tới sự kiên định mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật truyền thống; là nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng.

Nghệ thuật của ông là sự chuyển tiếp của hai thời kỳ sáng tạo. Giai đoạn hiện thực xảy ra ở thời kỳ đầu với những tác phẩm sơn mài tiêu biểu như: Con Nghé quả thực (1957), Đêm giao thừa bên bờ hồ Gươm (1957), Nông dân đấu tranh chống thuế 1930 (1960). Tác phẩm của ông giai đoạn này mang tính thời sự với những chủ đề và đề tài thiết thực trong đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát và xử lý kỹ thuật điêu luyện.

 Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sau đó là sự biến ảo của nhịp điệu, màu sắc, khi ông chuyển sang loạt tranh Điệu múa cổ, Thánh Gióng,12 con giáp, Kiều… thực nghiệm trên nhiều chất liệu cổ truyền: sơn mài, bột màu trên giấy dó. Khước từ chất liệu sơn dầu (một thành tựu của khoa học), ông sử dụng bột màu và nâng tầm chưa từng có cho vật liệu sở trường ấy, tạo nên một đời sống hội họa riêng biệt. Âm hưởng không gian đình chùa trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm luôn hiển hiện với ngôn ngữ tạo hình hiện đại và gợi cảm. Ông cũng rất thành công trong việc khai thác hoa văn, chạm khắc đình làng các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, tổ chức lại trong một trật tự khác, làm nên sự cách tân ngôn ngữ cho hội họa hiện đại Việt Nam sau 3/4 thế kỷ.

Thế giới tâm hồn và nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm còn mãi vang vọng để ta khám phá. Không chỉ thế, ông còn góp phần dự cảm cho tương lai khi nâng tầm quốc tế của truyền thống và nối mạch với hiện tại. Ông cũng mang đến niềm tin cho tương lai, khi dù muốn hay không thì những hậu duệ của ông cũng phải hoàn tất sứ mệnh: định vị nghệ thuật Việt Nam trong dòng chảy chung của nghệ thuật nhân loại. Như vậy, ông vẫn đồng hành với chúng ta hôm nay và cả mai sau”.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê

Cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã để lại số lượng tác phẩm đồ sộ suốt hành trình hơn 70 năm sáng tác. Hiện nay, tác phẩm của ông được lưu giữ tại nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, Bảo tàng đang lưu giữ 28 tác phẩm của ông, trong đó tác phẩm Gióng là Bảo vật quốc gia.

Gióng ra đời năm 1990 và đoạt giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cùng năm. Ngay sau khi được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua lại bức tranh này. Tác phẩm thể hiện chủ đề anh hùng dân tộc Thánh Gióng bằng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai; sử dụng nhiều nét kỷ hà, xen lẫn các yếu tố trang trí là những họa tiết, hoa văn vận dụng từ nghệ thuật Đông Sơn như các họa tiết trang trí phổ biến trên rìu đồng, lá chắn ngực, văn hình zích zắc, vòng tròn đồng tâm…

Họa sĩ đưa người xem về thời kỳ huyền sử với cội nguồn văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ biểu hình của nghệ thuật phương Tây hiện đại. Bức tranh có giá trị nghệ thuật đặc sắc, đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sáng tạo lộ trình mới với di sản truyền thống

Là một trong bộ tứ danh họa tài hoa của mỹ thuật Việt Nam Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, nhưng trong khi các bạn hướng cái nhìn ra thế giới thì Nguyễn Tư Nghiêm "rẽ ngoặt" về truyền thống. Ông từng chia sẻ: “Tôi không gắn bó với nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có cả nhân loại và hiện đại”. Điều này thể hiện xuyên suốt con đường nghệ thuật ông đã đi nhiều thập kỷ - phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, tạo nên bản sắc riêng.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm học những khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là sinh viên giỏi, nắm vững kỹ thuật thủ pháp châu Âu, nhưng từ bỏ nó và quay lại truyền thống. Có thể thấy, thành quả, đóng góp lớn lao nhất, cách tân nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là nâng truyền thống lên một cấp độ khác. Trong khi mọi người hướng tới chất liệu sơn dầu, thì ông quay lại với chất liệu sơn mài, bột màu, giấy dó, những thứ rất dễ kiếm, phù hợp với khí hậu Việt Nam. Bên cạnh đó, không những ông nhìn ra mà còn khai thác tinh thần của truyền thống trong nghệ thuật Đông Sơn, nghệ thuật thời Lý, Trần…

“Thành công của ông không phải là của một cá nhân mà mở đường, mách bảo về giá trị mọi người không hiểu hay đã bỏ quên. Để thấy ảnh hưởng của ông, hãy đến bất cứ xưởng của các họa sĩ trẻ cũng có phiên bản của ông. Điều đó chứng tỏ họ ngưỡng mộ ông và thấy ở ông có giá trị nhất định nào đó cho tương lai nghệ thuật” - họa sĩ Đặng Thị Khuê khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm bảo trọng nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, tâm hồn, mỹ cảm của người Việt. Chính ông là người sáng tạo nên một lộ trình mới với di sản truyền thống, trong đó sự thừa hưởng chỉ là cái ban đầu, còn sáng tạo mới là điều quan trọng...

“Chính họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, cho đến hôm nay - là cây cầu lớn bắc qua 2 thế kỷ, bằng nghệ thuật của chính mình, và kèm theo đấy là lời mách bảo thầm lặng với đồng nghiệp, với thế hệ sau: đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp đương đại” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguoi-noi-mach-nguon-coi-voi-duong-dai-post393144.html
Zalo