Người nghi nhiễm đậu mùa khỉ cần làm gì?
Qua giám sát, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Đây là trường hợp đầu tiên của Việt Nam ghi nhận mắc đậu mùa khỉ.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên
Ngày 3/10, Sở Y tế TPHCM xác nhận đã ghi nhận 1 ca mắc đậu mùa khỉ. Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện mắc đậu mùa khỉ qua quá trình giám sát dịch. Hiện tại, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phát hiện sớm ca mắc, ngăn chặn lây lan. Còn thông tin chi tiết về ca bệnh và các biện pháp giám sát, Bộ Y tế sẽ thông tin sau.
Trước đó, ngay sau khi bệnh đậu mùa khỉ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Sở Y tế TPHCM đã khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh. Bộ Y tế ban hành Quyêt định số 2265/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời giám sát bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có cách phát hiện bệnh, triệu chứng và cách phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác, các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn nốt. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.
Người nghi nhiễm đậu mùa khỉ cần làm gì?
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.
Môi trường sống có thể bị nhiễm virus bệnh đậu mùa khỉ. Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể phát tán qua tiếp xúc trực tiếp với miệng, giọt bắn hô hấp và có thể qua hạt bụi khí (aoresol) phạm vi gần. Chúng ta vẫn chưa hiểu hết cơ chế lây truyền qua không khí của bệnh đậu mùa khỉ, và vẫn cần nghiên cứu thêm.
WHO cũng cho biết, virus cũng có thể làm lây bệnh từ người mang thai sang thai nhi. Sau sinh qua tiếp xúc da với da, hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.
Ngoài ra, người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh. Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn để bảo vệ chính họ khi chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cũng theo WHO, người đã tiêm vaccine ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vì tiêm chủng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh này đã được thanh toán vào năm 1980. Người đã được tiêm phòng đậu mùa vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.
Gần đây, trên thế giới đã có một vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ mới được phê duyệt. Một số nước khuyến cáo tiêm phòng cho những người có nguy cơ. Tuy nhiên, chỉ nên cân nhắc tiêm phòng vaccine cho những đối tượng có nguy cơ (ví dụ người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bệnh đậu mùa khỉ). Ở thời điểm hiện tại, không khuyến cáo tiêm phòng diện rộng cho mọi đối tượng.
Bộ Y tế cho biết, người dân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm virus từ người mắc bệnh.
Nếu bạn nghi ngờ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần bảo vệ bản thân bằng cách tham khảo ý kiến bác sĩ và tự cách ly với những người xung quanh cho tới khi được thăm khám và có kết quả xét nghiệm. Nếu bạn có khả năng mang bệnh hoặc đã khẳng định là mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần cách ly với những người khác cho tới khi các mụn đóng vảy, vảy bong ra và hình thành lớp da mới. Làm như vậy, sẽ giúp ngăn chặn virus lây truyền sang những người khác.
"Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời", Bộ Y tế cho biết.