Người Nga cũng không biết liệu Su-75 có phải là máy bay tàng hình?

Có nhiều ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ của giới chức trách quốc phòng Nga và tương lai của dự án Su-75 ngày càng mờ mịt.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã làm giảm đáng kể cơ hội để máy bay chiến đấu Su-75 đầy tham vọng của Nga sớm ra mắt. Ngoài những tuyên bố từ Chính phủ Nga về việc chuẩn bị chế tạo nguyên mẫu, thì thông tin có sẵn vẫn rất ít và thường đến từ những người nghiệp dư hơn là các nguồn chính thức.

Hơn nữa, một câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời là Su-75 Checkmate có phải là máy bay tàng hình hay không? Cả nhà sản xuất Rostec và Bộ Quốc phòng Nga đều đưa ra những tín hiệu trái chiều về khả năng của máy bay.

Nguyên mẫu Su-75 Checkmate.

Nguyên mẫu Su-75 Checkmate.

Đánh giá từ các chuyên gia

Theo Stavros Atlamazoglou, một nhà báo kỳ cựu về lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, những tuyên bố trái ngược nhau từ các quan chức Nga cho thấy sự thiếu định hướng rõ ràng. Một số người chỉ ra rằng Su-75 phải hoạt động ngoài phạm vi phòng không của đối phương, ngụ ý chiếc máy bay này không có khả năng tàng hình, trong khi những người khác khẳng định rằng nó thực sự sẽ là máy bay chiến đấu tàng hình.

Mặc dù phương tiện truyền thông nhà nước Nga thường xuyên ca ngợi Su-75 là máy bay tàng hình, nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng thuật ngữ "tàng hình" có thể đã bị cường điệu trong hoàn cảnh này. Su-75 được các chuyên gia phương Tây đánh giá chỉ tương đương máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và sở hữu một số tính năng tàng hình tối thiểu, chứ không mang đầy đủ các đặc điểm tàng hình như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 thực sự.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều lo ngại về việc liệu ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thực sự thực hiện được những lời hứa về công nghệ tiên tiến này hay không. Các lệnh trừng phạt kinh tế và tình trạng thiếu hụt các thành phần linh kiện quan trọng, đã làm dấy lên sự hoài nghi về khả năng trở thành máy bay tàng hình thực sự của Su-75.

Khoảng hai năm trước, Alex Hollings, một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ và là cây viết quân sự kỳ cựu, đã đưa ra những phân tích chi tiết dựa trên thiết kế của Su-75, để giải thích lý do tại sao Checkmate không giống một máy bay tàng hình. Hollings chỉ ra rằng, Su-75 có một số tính năng liên quan đến tàng hình như khoang vũ khí bên trong thân máy bay và sử dụng vật liệu hấp thụ radar, nhưng chiếc máy bay này lại thiếu sự tích hợp tàng hình toàn diện như trên các máy bay tàng hình hiện đại hiện nay.

Hollings lưu ý rằng, việc đạt được khả năng tàng hình ở máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm không chỉ là thêm các tính năng tàng hình; mà là tích hợp khả năng tàng hình vào toàn bộ thiết kế ngay từ đầu. Ngược lại, Su-75 dường như được thiết kế với mục tiêu chính là lợi nhuận và tiềm năng xuất khẩu, điều này đã làm giảm hiệu quả tàng hình của máy bay so với các đối thủ phương Tây.

Một rào cản đáng kể khác mà Su-75 Checkmate phải đối mặt là vấn đề chậm trễ trong quá trình sản xuất. Các chuyên gia cho rằng những trở ngại trong quá trình phát triển và việc không có các chuyến bay thử nghiệm làm tăng thêm sự hoài nghi về khả năng của chiếc máy bay.

Su-75 được giới thiệu như một giải pháp thay thế và tiết kiệm chi phí hơn so với các máy bay chiến đấu tàng hình của phương Tây, tuy nhiên chiếc máy bay này vẫn chưa chứng minh được khả năng thực tế của mình. Các tính năng tàng hình của nó vẫn chủ yếu là lý thuyết tại thời điểm này.

Su-75 bên cạnh Su-57.

Su-75 bên cạnh Su-57.

Công nghệ tàng hình của Nga

Hơn nữa, còn có những câu hỏi về sự phát triển công nghệ tàng hình nói chung ở Nga. Phương tiện truyền thông Nga thường ca ngợi Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng nó tụt hậu đáng kể so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của phương Tây và thậm chí là các mẫu cũ hơn như F-18 hoặc Rafale.

Tiết diện radar (RCS) là thước đo khả năng phát hiện vật thể bằng radar, được thể hiện bằng mét vuông (m²). Lấy F-22 Raptor làm ví dụ, chỉ số RCS của chiếc máy bay này dao động từ 0,0001 đến 0,0005 m², tương đương với kích thước của một viên bi hoặc một con ong, khiến nó trở thành một trong những máy bay tàng hình nhất đang hoạt động hiện nay.

Còn chỉ số RCS của F-35 nằm trong khoảng từ 0,001 đến 0,005 m², tương đương với kích thước của một quả bóng golf. Mặc dù RCS của chiếc máy bay này cao hơn một chút so với F-22, nhưng vẫn cực kỳ thấp. Sự khác biệt nhỏ này bắt nguồn từ kích thước lớn hơn và thiết kế đa chức năng của F-35.

Ngược lại, Su-57 có RCS dao động từ 0,1 đến 1 m², nằm giữa kích thước của một con chim và một máy bay chiến đấu nhỏ. Chỉ số RCS cao hơn cho thấy Su-57 kém tàng hình hơn, một phần là do các yếu tố thiết kế như tua bin động cơ lộ ra và kết cấu thân máy bay.

Do đó, dựa trên dữ liệu hiện có, rất khó để khẳng định rằng công nghệ tàng hình của Nga ngang bằng với công nghệ của Mỹ. Nếu không có sự thay đổi đáng kể các thông số này, Su-75 khó có thể đảm nhiệm vai trò của một máy bay chiến đấu tàng hình với các tiêu chuẩn công nghệ hiện nay.

Hiện tại, chương trình Su-75 Checkmate đang bị sa lầy bởi chi phí tăng vọt và hạn chế về tài chính. Mặc dù Rostec đã thông báo vào tháng 11/2023 rằng, việc sản xuất Su-75 Checkmate sẽ sớm bắt đầu, nhưng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của Moskva và một phần đáng kể trong ngân sách quốc phòng của nước này, điều này càng khiến tương lai của dự án thêm mờ mịt.

Lê Hưng (Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-nga-cung-khong-biet-lieu-su-75-co-phai-la-may-bay-tang-hinh-ar894062.html
Zalo