Người Mỹ đổ xô tích trữ kem chống nắng Hàn Quốc

Do lo ngại giá cả tăng cao nếu Tổng thống Donald Trump quyết tâm áp thuế bổ sung, nhiều người Mỹ yêu thích mỹ phẩm Hàn Quốc đang tích trữ một số mặt hàng, trong đó có kem chống nắng.

 Hình ảnh ca sĩ Rosé (Blackpink) trong quảng cáo của Sulwhasoo.

Hình ảnh ca sĩ Rosé (Blackpink) trong quảng cáo của Sulwhasoo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tung ra những "quả bom thuế quan" gây chấn động toàn cầu trong thời gian gần đây. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế đối ứng sau thời hạn tạm hoãn 90 ngày nếu không đạt được thỏa thuận.

Giữa lúc các quốc gia tìm cách đối phó và đàm phán, sự lo lắng cũng lan rộng trong chính nước Mỹ. Nhiều người Mỹ lo ngại giá cả tăng cao vì thuế nhập khẩu đã bắt đầu tích trữ một số sản phẩm, trong đó có kem chống nắng từ Hàn Quốc, theo Korea Times.

Washington Post gần đây công bố danh sách 8 sản phẩm có nhu cầu tăng cao tại Mỹ, dựa trên xu hướng từ mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến. Kem chống nắng Hàn Quốc lọt vào danh sách này nhờ một số tính năng vượt trội so với kem chống nắng Mỹ, như khả năng ngăn chặn tia UV, kết cấu dễ chịu và dễ dàng tệp vào lớp trang điểm cùng nhiều loại mỹ phẩm khác.

"Tôi không thể dùng kem chống nắng của Mỹ"

Theo CNN, chỉ một thập niên trước, các sản phẩm làm đẹp từ Hàn Quốc hiếm khi xuất hiện trên các kệ hàng tại Mỹ. Hiện tại, theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nước này nhập khẩu 1,7 tỷ USD mỹ phẩm Hàn Quốc, vượt qua cả cường quốc mỹ phẩm Pháp.

Các tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ của Hàn Quốc có hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Một trong những tập đoàn lớn nhất, Amore Pacific, ghi nhận doanh số 2,87 tỷ USD vào năm 2024, với doanh số tại châu Mỹ vượt cả doanh số tại Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử.

Trong khi châu Âu và châu Á coi kem chống nắng là mỹ phẩm, tại Mỹ, sản phẩm này được phân loại là thuốc. Điều này đồng nghĩa các nhà khoa học Mỹ cần hạn chế đưa các thành phần làm sáng da và lượng màng lọc tia UV. Hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa phê duyệt đưa màng lọc UVA và UVB vào kem chống nắng nội địa. Do đó, kem chống nắng Hàn Quốc có tính thẩm mỹ cao hơn, trở thành lựa chọn thay thế phổ biến cho người tiêu dùng Mỹ.

 Mỹ phẩm Hàn Quốc có sức hút với thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters.

Mỹ phẩm Hàn Quốc có sức hút với thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters.

Người Mỹ không chỉ thích kem chống nắng từ Hàn Quốc. Trong khi nhiều sản phẩm chăm sóc da của Mỹ gây cảm giác nhờn dính và để lại lớp màng trắng, đồ Hàn Quốc thẩm thấu tốt hơn và giá thành hợp lý so với các dòng nhập khẩu cao cấp khác. Giá cả tốt một phần nhờ Hiệp định thương mại tự do năm 2012, khi các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc được nhập vào Mỹ mà không cần chịu thuế.

Vào thời điểm chương trình nghị sự về thuế quan của Nhà Trắng có thể đẩy giá và thay đổi công thức sản phẩm, nhiều người tiêu dùng đang "phát điên", theo CNN.

"Tôi cảm thấy không khỏe. Nếu tôi phải dùng các sản phẩm chăm sóc da của Mỹ, khuôn mặt tôi sẽ già đi khủng khiếp trong thời kỳ suy thoái", một người dùng TikTok bình luận.

Một người dùng Reddit cho biết cô đã mua đủ lượng kem chống nắng Hàn Quốc cho một năm: "Tôi thực sự không thể dùng kem chống nắng của Mỹ nữa".

Andrew Yeo - thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Á của Viện Brookings - nhận định những người Mỹ trẻ tuổi thường quen thuộc với các thương hiệu Hàn Quốc và trở thành khách hàng trung thành. Tuy nhiên, nếu sinh viên đại học hoặc trung học thấy giá cả tăng, họ có thể suy tính trước khi rút hầu bao.

Trữ hàng

Christina Im - chủ sở hữu Olive Kollection, công ty bán sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc có trụ sở tại Mỹ - đã tích trữ khoảng 40.000 USD sản phẩm từ các nhà phân phối sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng hôm 2/4. Thông thường, Olive Kollection chỉ chi khoảng 5.000-10.000 USD/tuần.

 Kho của Olive Kollection tích trữ hàng hóa do lo ngại thuế quan. Ảnh: Christina Im.

Kho của Olive Kollection tích trữ hàng hóa do lo ngại thuế quan. Ảnh: Christina Im.

"Là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không có sẵn tiền để mua mọi thứ với số lượng lớn", Im chia sẻ. "Chúng tôi mua nhiều nhất có thể trong khả năng và chờ đợi thêm".

Người đứng đầu Olive Kollection hy vọng sẽ kìm được đà tăng giá, song nhận thấy nhiều khách hàng đang hạn chế chi tiêu. Hiện tại, kho hàng của Olive Kollection chất đầy các mẫu sản phẩm.

7 mặt hàng khác trong danh sách của tờ Washington Post gồm rong biển khô, tóc giả, thức ăn cho mèo, cà phê hòa tan, board game, nước hoa và váy cưới.

Các nhà hàng Nhật Bản tại Mỹ đang tích trữ rong biển khô, chủ yếu nhập khẩu từ châu Á, trong khi tóc giả - chủ yếu đến từ Trung Quốc - dự kiến tăng giá mạnh. Ngoài ra, nhu cầu về thức ăn cho mèo cũng tăng vọt, không chỉ do chi phí nguyên liệu mà còn do giá thiếc dùng trong bao bì tăng.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-my-do-xo-tich-tru-kem-chong-nang-han-quoc-post1545776.html
Zalo