Người Mông Suối Bu lần đầu biết làm vụ đông
Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, lần đầu tiên xã Suối Bu, huyện Văn Chấn triển khai thí điểm mô hình trồng rau cải Đông dư, trồng cà theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những vụ đông trước, cánh đồng của gia đình chị Vàng Thị Nu cũng như các hộ dân khác ở thôn Ba Cầu sẽ chỉ là màu xám của đất, cỏ khô. Nhưng năm nay thì khác. Cánh đồng này đã xanh màu những lứa rau cải Đông dư đầu tiên. Có được sự thay đổi trong sản xuất vụ đông này là do chị và các hộ dân trong thôn đã tham gia mô hình thí điểm trồng rau cải Đông dư theo hướng hàng hóa. Đây là mô hình do xã Suối Bu ký kết với Công ty TNHH Hoàng Nga đóng trên địa bàn xã triển khai thực hiện.
Triển khai từ tháng 10/2024, mô hình thí điểm trồng rau cải Đông dư theo hướng hàng hóa được trồng trên diện tích 5 ha. Trong đó có 1,5 ha tại thôn Ba Cầu và 3,5 ha tại thôn Bu Cao. Để mô hình đạt hiệu quả, xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể và giao cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động hội viên của 2 thôn tham gia mô hình. Công ty TNHH Hoàng Nga hỗ trợ giống, phân bón và ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đồng thời, cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân kỹ lưỡng từng bước trong quy trình canh tác, đồng hành từ khâu làm đất, gieo hạt đến chăm sóc hàng ngày theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo cây rau sinh trưởng, phát triển tốt.
Đến nay, sau hơn một tháng triển khai, diện tích cải Đông dư trồng thí điểm đã phủ xanh diện tích, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Cùng với việc thí điểm trồng rau cải Đông dư theo hướng hàng hóa, xã Suối Bu cũng đang dành một phần diện tích để trồng thử nghiệm cây cà pháo. Qua nhận định của các ngành chuyên môn, đây là hướng đi phù hợp, góp phần đáp ứng đầu ra của sản phẩm; không phụ thuộc vào thương lái đồng thời duy trì được giá trị sản xuất và tạo ra mối liên kết bền vững trong sản xuất. Những tín hiệu khả quan từ việc phát triển vụ đông đầu tiên, Suối Bu có cơ sở để nhân rộng diện tích ra toàn xã trong những vụ đông sau.
Cùng với cây na dai nhập nội hiện diện trên đất Suối Bu từ hơn 3 năm nay đã cho hiệu quả, việc triển khai mô hình cây màu vụ đông tại địa phương đã đánh dấu bước ngoặt trong tư duy sản xuất của đồng bào Mông nơi đây. Sự bắt tay chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà nông từng bước giúp bà con đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng mới để nâng cao thu nhập. Điều này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người dân vùng cao Suối Bu trên chính mảnh đất quê hương.