Người Mông làm du lịch nơi 'suối có vàng', trưởng bản tiếp khách Mỹ, Singapore

Nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, bản Sin Suối Hồ ẩn mình trong mây, nép dưới đỉnh Sơn Bạc Mây. Sin Suối Hồ làm du lịch cộng đồng theo 'cách của người Mông'.

Trưởng bản người Mông "tiếp khách" Mỹ, Singapore

“Suối có vàng” là cụm từ được dịch ra từ tên địa danh Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Người dân nơi đây đã bắt kịp xu thế phát triển du lịch chung của cả nước và tỉnh Lai Châu.

Trong quá khứ, người dân bản Sin Suối Hồ có thời gian dài chìm đắm trong "cơn mê thuốc phiện".

“Ngày đó, những cánh rừng trước mặt tôi là đồi thuốc phiện. Ngoài thuốc phiện, nơi đây người dân còn chìm trong men say của rượu.

Quá khứ của nhiều người dân nơi đây gắn liền với 2 'men say' - vừa hút thuốc phiện, vừa uống rượu, uống say mới thôi”, ông Vàng A Dinh, chủ homestay tại Sin Suối Hồ, kể.

Đến năm 2004, ông Dinh bỏ hẳn thuốc phiện. Ông và các thành viên trong gia đình đã "ấm cái bụng" kể từ khi biết làm du lịch cộng đồng.

Bản Sin Suối Hồ đẹp như tranh. Ảnh: Thu Trang

Bản Sin Suối Hồ đẹp như tranh. Ảnh: Thu Trang

Ông Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ được người dân nơi đây ưu ái gọi là "thuyền trưởng" vì những đóng góp trong việc thay đổi diện mạo du lịch của địa phương.

Cuối tháng 3, khi đặt lịch hẹn với vị "thuyền trưởng" này, phóng viên phải chờ rất lâu vì trưởng bản đang làm nhiệm vụ ngoại giao với những vị khách đến từ Mỹ, Singapore hay từ những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...

"Từ nay đến đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, các homestay của bản đã chật kín khách rồi. Khách chưa đến nghỉ nhưng mình đã tiêu hết tiền đặt cọc của khách rồi” – ông Chỉnh vui vẻ mở đầu câu chuyện.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh được biết đến là người chịu khó khám phá nhất bản. Anh cũng là người phát hiện ra và tạo điểm nhấn cho Sin Suối Hồ khi lan tỏa vẻ đẹp rừng hoa đỗ quyên.

Đầu năm 2025, khu rừng đỗ quyên xảy ra cháy. Trong đoạn clip phát trực tiếp trên mạng xã hội, ông Chỉnh kêu gọi cả bản "trực chiến" để dập lửa. "Lửa chưa tắt, bà con chưa về", giọng ông nghẹn ngào.

Khi cánh rừng với hàng nghìn bông đỗ quyên bị lửa thiêu rụi, "thuyền trưởng" Vàng A Chỉnh kêu gọi bà con nhanh chóng gieo hạt hoa bù vào diện tích bị thiệt hại.

Ông Vàng A Chỉnh (thứ 3 từ phải sang) trong một lần đón lãnh đạo Tỉnh ủy Lai Châu về thăm Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Ông Vàng A Chỉnh (thứ 3 từ phải sang) trong một lần đón lãnh đạo Tỉnh ủy Lai Châu về thăm Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Với mục tiêu tìm kiếm những điểm nhấn cho du lịch địa phương tăng sức hút và tăng trải nghiệm của du khách, ông Chỉnh đã tìm tòi những địa danh mới tại Sin Suối Hồ.

Đầu năm 2025, ông khám phá thêm một ngọn thác mới với tên gọi Ma Quai Thàng. Ngọn thác này có vẻ đẹp hoang sơ, nước trắng xóa tuôn từ trên cao xuống...

Điều khiến bà con dân bản tin theo trưởng bản Vàng A Chỉnh chính là hiệu quả kinh tế từ những mô hình anh đã thực hiện.

Với phương châm "tự cung, tự cấp" trong làm du lịch, ông Chỉnh tạo được sinh kế cho bà con từ những công việc hàng ngày. Đội văn nghệ đều là các cô gái, chàng trai của bản. Lửa trại luôn có sẵn để mời khách...

Đặc biệt, ở Sin Suối Hồ, người Mông không uống rượu, phần lớn cũng là nghe theo lời trưởng bản Vàng A Chỉnh.

Hiện Sin Suối Hồ có gần 40/157 hộ kinh doanh homestay. Các gia đình khác tập trung làm nghề thêu thổ cẩm, rèn công cụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Từ một bản đói nghèo bủa vây, Sin Suối Hồ hiện có 30% số hộ khá, giàu.

Khi người Mông làm du lịch

Sin Suối Hồ mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân có hoa đào, hoa mận, mùi hương thơm ngọt ngào lan tỏa cả một vùng. Mùa hè, không khí trong lành, không chút gợn khói bụi, ô nhiễm của miền xuôi.

Còn mùa thu, ruộng bậc thang vàng ươm, hương thơm mùi lúa chín như quyện vào bản làng, mây gió, đẹp đến nao lòng.

Giữa bình minh miền biên viễn se lạnh, du khách đến Sin Suối Hồ được thưởng thức cà phê, nhâm nhi chén trà gừng, trà thảo mộc... Ai cũng gom được cho mình những trải nghiệm "có một không hai".

Một homestay của người Mông tại Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Một homestay của người Mông tại Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Để Sin Suối Hồ đẹp như vậy không phải chuyện một sớm một chiều. Quá trình bền bỉ thuyết phục người dân làm du lịch đã giúp nhận thức bà con thay đổi.

Đến nay, người dân tự giác làm đường mà không ai phải bảo ai. Bà con làm các giá để đặt chậu hoa lan ven đường, làm đẹp cho con đường quanh co trong bản.

Những ngôi nhà, con đường không một cọng rác được trải bê tông trắng đục như dải lụa mềm xuyên qua những tán cây rợp bóng mát.

Người dân nơi đây còn lặn lội về các thành phố lớn học tiếng Anh, học cách pha chế, nấu ăn; cách nói năng, ứng xử với khách và học tất cả những điều liên quan đến du lịch.

Sin Suối Hồ được tạo nên với sự tổng hòa của thiên nhiên và con người bản địa. Giờ đây, đa phần người dân không uống rượu, không nghiện hút, không trộm cắp. Các ngôi nhà đều không có cánh cổng.

Hàng hóa bày ở chợ không cần người trông. Khách mua hàng không gặp chủ chỉ cần để lại tiền hoặc thanh toán qua mã QR. Không ai lấy của ai.

Người dân coi bản là một gia đình lớn, cùng làm, cùng phân chia lợi ích đồng đều từ du lịch. Gia đình nào xây dựng phá vỡ quy hoạch của bản đều phải buộc trả lại nguyên trạng...

Du khách được trải nghiệm dịch vụ du lịch "có một không hai" tại Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Du khách được trải nghiệm dịch vụ du lịch "có một không hai" tại Sin Suối Hồ. Ảnh: Thu Trang

Đặc biệt, điều giữ chân du khách khi đến Sin Suối Hồ là các giá trị truyền thống được giữ lại gần như nguyên bản từ lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục cho đến những hàng rào đá rêu phong...

Đây chính là nguồn tài nguyên “vô giá”, tạo tiền đề đưa Sin Suối Hồ trở thành “viên ngọc quý” của du lịch Lai Châu trong suốt 10 năm qua.

Thu Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-mong-lam-du-lich-noi-suoi-co-vang-truong-ban-tiep-khach-my-singapore-2383861.html
Zalo