Người lính tình nguyện và mối ân tình Việt - Lào
'Thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, tôi tham gia chiến đấu ở đây gần 4 năm (1965-1969), được kết nạp vào Đảng trước trận đánh. Đó là một trang rất đẹp trong cuộc đời tôi'- Cựu chiến binh, thương binh ¼ Nguyễn Xuân Dậu (83 tuổi), thôn An Long, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) kể.
Hai lần bị thương trên đất bạn Lào
Ông Nguyễn Xuân Dậu tình nguyện nhập ngũ tháng 9/1965. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào Binh chủng Đặc công sang giúp cách mạng Lào. “Đó là những tháng ngày mưa rừng, nắng cháy, chiến trường mới lạ, khác ngôn ngữ, tập quán. Khó khăn, thiếu thốn, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhưng chúng tôi cùng với quân và dân Lào đều vượt qua, để rồi cùng sống, chiến đấu hết mình vì hòa bình, độc lập và hữu nghị” - ông Dậu nhớ lại. Cuộc đời quân ngũ của ông trên đất bạn Lào có nhiều kỷ niệm. Ông nhớ lại trận đánh Tháp Xưa năm 1966 (ông được kết nạp vào Đảng ngay trước trận đánh này- PV).
Tháp Xưa (tỉnh Sầm Nưa) là căn cứ địa của bộ đội Pa thét Lào, sau khi bị Mỹ chiếm đóng, toàn bộ địa bàn này nằm dưới sự kiểm soát của địch. Vì vậy tuyến đường 6 dẫn ra Chỉ huy Sở cũng như chi viện cho các đơn vị chiến đấu gặp nhiều khó khăn. Trước một ngày diễn ra trận đánh, đồng chí chỉ huy có gặp gỡ anh em nói rằng: “Thưa các đồng chí, trận đánh này lành thì ít mà dữ thì nhiều. Đồng chí nào xung phong đánh trận này thì đứng sang một bên”. Là một trong những thành viên tích cực, ông Dậu đã xung phong dù biết rõ đây gần như là một tin báo tử trước. Đúng 1 giờ ngày 19/5/1966, ông Dậu được kết nạp vào Đảng, giơ nắm tay hô lớn “xin thề”. Ngay sau đó ít phút, với tinh thần của một đảng viên mới, ông Dậu đã cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, đến 5 giờ sáng thì lấy lại được căn cứ Tháp Xưa. Trận này ông Dậu bị trúng đạn, gãy 4 xương sườn.
Trận đánh thứ hai là tiêu diệt cao điểm Pa Thí (tỉnh Sầm Nưa) vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Kể về trận đánh do mình chỉ huy, ông bồi hồi nhớ lại: Những ngày cuối năm 1967 Âm lịch, khi núi rừng miền Thượng Lào chìm trong cái rét thấu xương thì các chiến sĩ của Đoàn đặc công 250B do ông chỉ huy lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ. Họ bí mật vượt suối, băng rừng đại ngàn để tiếp cận cứ điểm Pa Thí ở đỉnh núi cao 2.000 mét - nơi có hơn 100 lính Mỹ vận hành, có một Trung đoàn lính tinh nhuệ của Ngụỵ bảo vệ vòng trong, dày đặc dây thép gai, boong ke cốt thép và lực lượng phỉ Vàng Pao kiểm soát vòng ngoài. Trạm ra đa này có thể quét hết toàn bộ một khu vực rộng lớn, dẫn đường cho máy bay đánh phá miền Bắc và vùng giải phóng của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Với quyết tâm "chọc mù mắt thần" của địch, ông Dậu cùng 30 chiến sĩ đi điều nghiên, xây dựng phương án. Sau nhiều ngày đêm điều nghiên, ông và đồng đội hoàn thành phương án tác chiến rất táo bạo và bất ngờ của chiến thuật đặc công. Do là ở cao điểm 2.000 mét nên nhiều vị trí ở khu vực vách đá, ra đa không thể quét được đến. Ở hướng này địch cũng không có bố trí phòng ngự, vì cho rằng không thể xâm nhập bởi vách đá dựng đứng như vậy. Thế nhưng bộ đội đặc công với truyền thống “đánh hiểm, thắng lớn” đã kiên trì leo theo vách đá, hạ quyết tâm chiến đấu.
Nửa đêm 29 Tết, bộ đội nổ súng tiến công trạm ra đa Pa Thí, địch hoàn toàn bị bất ngờ, ta làm chủ trận địa. Tuy nhiên sau đó chúng tập hợp lực lượng phản công nhằm chiếm lại căn cứ. Rạng sáng 30 Tết, đơn vị 148 và lực lượng Pa thét Lào đến chi viện bảo vệ thành công trận địa. Ông Dậu trúng đạn vào cánh tay trái. Nếu không cắt cánh tay đi thì không chiến đấu được tiếp, chỉ có nằm một chỗ.
Noi gương Anh hùng La Văn Cầu, ông Dậu nhờ đồng đội chặt lìa cánh tay, xé quần áo để băng bó, cố nổ súng đánh lạc hướng để bộ đội ta đưa anh em thương binh về tuyến sau an toàn. Sau đó ông cũng bị ngất đi, tỉnh lại thấy người mẹ Lào đang ôm ông và đắp lá vào vết thương. “Hình ảnh bà mẹ Lào khiến tôi vô cùng xúc động. Bà mẹ Lào đó chính là lực lượng cách mạng Lào” - ông Dậu kể. Khi điều trị vết thương ở Lào, ông Dậu được Hoàng thân Xu pha-nu-vông và Chủ tịch Cay-xỏn-phôm-vi-hản đến thăm và tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Lào.
Tô thắm tình hữu nghị Việt - Lào
Sau những năm tháng chiến đấu ở Lào, nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhìn lại đến giờ ông vẫn thấy được tình đoàn kết hai nước Việt Lào. Xuất phát từ nguyện vọng của nhiều đồng đội từng chiến đấu ở Lào, được cấp ủy, chính quyền đồng ý, ông Dậu đã sớm vận động thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Năm 1995, Lạng Giang là huyện đầu tiên trong cả nước thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt-Lào. Năm 2008, Hội hữu nghị Việt-Lào huyện Lạng Giang được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch Hội và đảm nhiệm cho đến tháng 4/2022.
Những năm đứng đầu Ban liên lạc và Hội hữu nghị Việt-Lào huyện, ông luôn tâm huyết xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, kết nối đưa đồng đội về thăm chiến trường xưa, tham gia giải quyết chế độ chính sách cho quân tình nguyện, người chiến đấu tại Lào. Ngoài những việc làm tình nghĩa ấy, ông còn quan tâm chăm lo giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thực hiện hàng trăm lần nói chuyện truyền thống quân đội. Trong những lần nói chuyện ấy, ông không quên kể về tình hữu nghị Việt - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, trong sáng.
Thương tật nặng, mất đến 81% sức khỏe nhưng không quật ngã được ý chí, nghị lực của người lính đặc công năm xưa. Bên cạnh tham gia các hoạt động gắn kết Việt - Lào, năm 1997, ông đứng ra thành lập Xưởng cơ khí Thống Nhất, năm 2009 mở rộng thành Công ty Thống Nhất do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty chuyên sản xuất các loại cửa xếp, cửa cuốn, cửa chống cháy, cửa thép vân gỗ…, hiện tạo việc làm cho gần 200 công nhân chủ yếu là con em quân tình nguyện, cựu chiến binh, cựu quân nhân. Có điều kiện kinh tế, ông rất tích cực giúp đỡ hội viên nghèo, hàng năm đều tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà thương binh nặng, xây tặng nhà tình nghĩa…
Trên khắp đất nước bạn Lào đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của những người lính quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào. Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Xuân Dậu đã hy sinh quãng đời thanh xuân đẹp đẽ, để lại một phần thân thể trên chiến trường Lào. Ông cho biết: “Mệnh lệnh cao nhất chính là mệnh lệnh từ trái tim của Người lính Cụ Hồ. Tôi vẫn thường nói chuyện, động viên con cháu rằng mối tình hữu nghị Việt - Lào là đặc biệt, có một không hai trên thế giới, phải mãi mãi giữ gìn”. Và tôi hiểu, ông Dậu cũng đã và đang làm để giữ gìn mối quan hệ đó.
Bài, ảnh: Tuấn Minh