Người lính Mỹ đã vượt biên sang Triều Tiên như thế nào?

Chỉ một ngày trước khi chạy sang CHDCND Triều Tiên, binh nhì Travis King đã nhắn tin cho những người phụ trách quân đội Mỹ của anh ta để thông báo cho họ biết mình đã đến cổng sân bay Incheon ở Seoul (Hàn Quốc) và chuẩn bị lên máy bay trở về Mỹ.

Binh nhì Travis King, một người lính nhập ngũ được chỉ định cho lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, đã phải đối mặt với cáo buộc hành hung ở Hàn Quốc và sẽ bị loại khỏi quân đội Mỹ khi trở về Fort Bliss, bang Texas.

Nhưng trong khi làm thủ tục hải quan, anh ta đã không lên máy bay như dự kiến vào ngày 17-7, các quan chức Mỹ nói với CNN. Những người hộ tống anh ta không thể đi cùng anh ta đến tận cổng để xác minh rằng anh ta đã lên máy bay. Thay vào đó, vào ngày 18-7, anh ta đã đặt một chuyến du lịch với một công ty tư nhân của Khu vực an ninh chung bên trong khu phi quân sự, nơi phân chia hai miền Triều Tiên để đến nơi nhạy cảm này.

King đã làm thủ tục lên một chuyến bay của American Airlines đến Dallas nhưng thông báo mất hộ chiếu và không lên máy bay.

“Anh ấy đã đi qua tất cả các chốt an ninh để đến cổng lên máy bay nhưng nói với nhân viên hàng không rằng hộ chiếu của anh ấy bị thất lạc”, một quan chức tại sân bay Incheon nói với CNN. Nhân viên hãng hàng không sau đó đã hộ tống anh ta trở lại bên ngoài khu vực khởi hành, quan chức này cho biết.

“Anh ấy quay lại khu vực khởi hành của sân bay lúc 7h02 tối” - quan chức này cho biết. American Airlines từ chối bình luận về vụ việc với CNN.

Khi hành khách gặp tình huống khẩn cấp không thể lên máy bay sau khi đã làm thủ tục nhập cảnh thì phải làm thủ tục ngược lại dưới sự chấp thuận của cơ quan xuất nhập cảnh.

Trong khi đang thực hiện chuyến tham quan bên trong khu phi quân sự vào ngày hôm sau, King đã chạy trốn một cách khó hiểu qua đường phân định vào Triều Tiên, một nhân chứng trong cùng chuyến tham quan và các quan chức Mỹ thạo tin với vụ việc nói với CNN. Không giống như hầu hết các khu vực được củng cố nghiêm ngặt, dài 160 dặm và rộng 2,5 dặm, đường biên giới thực tế giữa hai miền Triều Tiên bên trong khu an ninh chung JSA không có hàng rào vật lý.

Binh nhì Travis King

Binh nhì Travis King

Một trong những quan chức Mỹ cho biết, ban đầu, King đã cố gắng vào Panmungak Hall, một cơ sở của Triều Tiên trong Khu vực An ninh chung. Nhưng cửa trước đã bị khóa nên anh ta chạy ra phía sau tòa nhà, lúc đó anh ta vội vã lên một chiếc xe tải và bị lính canh Triều Tiên đuổi đi, quan chức này cho biết.

"Bắt lấy anh ta!" - theo nhân chứng Sarah Leslie, một người lính phía Hàn Quốc đã hét lên. Nhưng tất cả đã quá trễ.

Leslie nói thêm: “Anh ấy đi quá nhanh, và chúng tôi ở rất gần biên giới nên anh ấy đã biến mất lúc đó”.

Mãi cho đến sau ngày 18-7, khi King không xuất hiện tại Fort Bliss, quân đội Mỹ mới nhận ra lính mình đã mất tích. Các quan chức nhập cư Hàn Quốc cũng xác nhận với Mỹ rằng King chưa bao giờ lên máy bay, quan chức Mỹ nói với CNN.

Các quan chức trong chính phủ Mỹ hiện đang cố gắng lý giải nguyên nhân thúc đấy King chạy sang phía Triều Tiên.

Hôm 19-7, Nhà Trắng cho biết họ vẫn đang làm việc để xác định chính xác King đang ở đâu và tình trạng ra sao.

Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi vẫn đang thu thập tất cả các dữ kiện, vẫn còn rất sớm. Bà nói: “Chính quyền đã và sẽ tiếp tục tích cực làm việc để đảm bảo an toàn cho anh ấy...".

Bà cho biết chính quyền đang làm việc với chính phủ Hàn Quốc, cùng với Thụy Điển, về vấn đề này. Thụy Điển thường đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Triều Tiên vì Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao.

Các quan chức cho biết quân đội Mỹ đã cố gắng liên hệ trực tiếp với chính phủ Triều Tiên để giải quyết vấn đề, nhưng họ chưa nhận được phản hồi.

Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết King “đã chạy qua khu phi quân sự trong Khu vực An ninh chung, được Triều Tiên đưa đi và chúng tôi không liên lạc được vào thời điểm này. Nhưng chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra”.

Các quan chức quốc phòng nói với CNN rằng chỉ hơn một tuần trước khi vượt biên giới, King đã được trả tự do khỏi một cơ sở giam giữ ở Hàn Quốc, nơi anh ta đã phải lao động cải tạo trong 50 ngày.

Hình phạt bắt nguồn từ một vụ việc xảy ra vào tháng 10 năm 2022, khi King bị cáo buộc đã xô đẩy và đấm liên tục vào mặt một nạn nhân trong một câu lạc bộ ở Mapo-gu, Seoul, theo tài liệu của Tòa án Quận Tây Seoul. Anh ta cũng bị buộc tội hành hung vào tháng 9.

Trước thời điểm bị giam giữ, King đã bị kết tội trong một phiên tòa quân sự ở Hàn Quốc liên quan đến hành hung và các cáo buộc khác, một quan chức quốc phòng nói với CNN. Vị quan chức này cho biết King đã bị giáng cấp, mặc dù không rõ điều đó xảy ra trước hay sau phiên tòa quân sự.

Mẹ của King, Claudine Gates, nói với ABC hôm 18-7 rằng bà "sốc" trước việc King vượt biên giới sang Triều Tiên.

Vào thời điểm luân chuyển ở Hàn Quốc, King không có hồ sơ triển khai nào và được bổ nhiệm vào Phi đội 6, Trung đoàn kỵ binh số 1, Đội chiến đấu lữ đoàn 1, Sư đoàn thiết giáp số 1 ở Fort Bliss, Texas, theo lời phát ngôn viên quân đội Bryce Dubee.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/chan-dung-nguoi-linh-my-vuot-bien-sang-trieu-tien-gay-chan-dong_150060.html
Zalo