Người lính lái xe trên con đường Trường Sơn thời hoa lửa
Ông Hoàng Văn Tiện, sinh năm 1947, ở bản Thạy Lốm 6/1, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có 11 năm trong quân ngũ, gần 10 năm trực tiếp làm lái xe tại Tiểu đoàn 60, Đoàn 559, gắn bó với tuyến đường vận tải Trường Sơn gian khổ, khốc liệt.

Ông Hoàng Văn Tiện giới thiệu các Huân chương, Huy hiệu, phần thưởng mà Đảng, Nhà nước tặng thưởng với đoàn viên thanh niên.
Năm 18 tuổi, ông được nhận vào làm việc tại Phòng Văn hóa huyện Mai Sơn. Năm 1967, khi tròn 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện thì được đơn vị cử đi học lái xe ở tỉnh Hà Tây (cũ).
Ông Hoàng Văn Tiện nhớ lại, ngay sáng hôm sau khi đến đơn vị mới, ông được giao nhiệm vụ làm phụ xe chở lương thực, vũ khí sang Binh trạm 32 của quân ta ở tỉnh Xa Vẳn Na Khẹt, Lào. Mỗi xe được trang bị một khẩu súng AK, khi đến khu vực biên giới, đạn lúc nào cũng phải lên nòng, sẵn sàng tình huống chống trả nếu bị tấn công. Cứ khoảng 10 ngày một chuyến, bàn giao quân trang, hàng hóa xong rồi quay trở về. Trên đường di chuyển, do lái xe chính là người ít nói nên ông không dám hỏi, chỉ tự quan sát và học kỹ thuật, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống…
Đầu năm 1968, ông trở lại đơn vị, chỉ 45 ngày sau được biên chế vào Tiểu đoàn 60, Đoàn 559 và được giao một chiếc Zil-130, cùng một chiến sĩ lái phụ để vận chuyển vũ khí, thuốc y tế, lương thực từ tỉnh Quảng Bình sang Binh trạm 32.
Những ngày ở Trường Sơn, ông cảm nhận rõ sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn. Ban ngày phải ngụy trang, giấu xe trong rừng, mỗi khi di chuyển vào ban đêm chỉ bật đèn gầm, chiếu sáng được mấy mét, mặt đường toàn hố bom, cây cối đổ, nhiều khi vừa thay lốp xe đi được mấy km lại bị thủng, cả tuần chỉ ăn tạm chút lương khô, uống nước suối...
Cuối năm 1968, nhằm cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của quân ta, địch đã rải chất độc dioxin, khiến những cánh rừng xơ xác, trơ trụi, xe không còn nơi cất giấu. Dưới mặt đất, chúng rải cây nhiệt đới để phát hiện chuyển động; trên bầu trời, máy bay trinh sát lượn vù vù, phát hiện xe của ta, ngay lập tức chúng thả bom, bắn phá ác liệt.
Có lần, đoàn xe của đơn vị liên tục trúng bom đạn, bị cháy, hơn 10 xe đi thì còn 4 đến 5 xe trở về nhưng xe nào cũng chi chít các vết đạn, gương, kính vỡ hết; trong đó, có xe ông và bản thân ông cũng hít phải chất độc da cam... Đến ngày 19/5/1970, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Binh trạm 32.
“Đầu năm 1971, trong một chuyến chở hàng, xe của tôi đi cuối cùng, trên xe còn có Trung đội trưởng ngồi bên ghế phụ. Khoảng 8 giờ tối xe bắt đầu xuất phát, mới đi được mấy km thì bị máy bay phát hiện, chúng vừa thả bom, vừa bắn phá xối xả, xe bị trúng đạn, đồng chí Trung đội trưởng hy sinh, tôi kịp nhảy xuống một hố bom nên tránh được đạn, may mắn sống sót. Đến sáng hôm sau, đơn vị mới đưa được thi thể Trung đội trưởng về Binh trạm để chôn cất”, ông Tiện kể lại.

Ông Hoàng Văn Tiện chăm sóc đàn gia cầm của gia đình.
Đầu năm 1972, ông nhận lệnh vận chuyển vũ khí từ Nam Lào về theo đường 9 phục vụ chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị và chiến trường miền Trung. Trong một chuyến vận tải, do bị trúng mảnh bom của địch khiến ông bị gẫy chân phải nên được đưa ra Quảng Bình chữa trị 6 tháng. Vết thương lành, ông được đơn vị cho nghỉ phép.
Khi về nhà, ông được Đoàn Thanh niên xã mời đến kể chuyện ở chiến trường. Tại đây, ông gặp nữ đoàn viên trẻ Lèo Thị Hưởng và nảy sinh tình cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy là hai người bắt đầu hẹn ước. Hết kỳ nghỉ phép, khi trở lại đơn vị, ông được phong quân hàm Thượng sĩ và giữ chức Trung đội trưởng.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975), đơn vị ông có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Quảng Trị lên Tây Nguyên và theo đường 1 vào Đà Nẵng. Ngày 30/4, khi xe vừa ra đến Đông Hà thì nghe tin giải phóng Sài Gòn, sau đó, đơn vị ông ra tỉnh Nghệ An. Năm 1978, ông phục viên trở về quê hương, cấp bậc Thiếu úy. Với những công lao, đóng góp, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ vẻ vang… Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Giờ đây, mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, là thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc da cam, với tỷ lệ thương tổn 65%, đi lại khó khăn nhưng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn cố gắng vượt lên thương tật, sống gương mẫu, khuyên người thân luôn tuân thủ pháp luật, sống có ích cho xã hội, tích cực tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế.