Người lao động ngành dệt may trước sức ép 'xanh hóa'

Năm 2025, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có sức ép 'xanh hóa' từ chuỗi sản xuất đến cung ứng.

Chăm lo toàn diện cho người lao động

Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2024, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổng Liên đoàn Lao động giao; đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Trao cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn. Ảnh: Thanh Tâm

Trao cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn. Ảnh: Thanh Tâm

Theo đó, các cấp công đoàn trong hệ thống đã triển khai lấy ý kiến người lao động tham gia với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đóng góp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Nhà ở, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn... Đồng thời, góp ý hoàn thiện đề án, nghị quyết về “Nâng cao chất lượng công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động”, “tập trung nguồn lực thực hiện chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”. Tham gia tư vấn báo cáo về hệ thống tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp dệt may giai đoạn 2022 - 2024 và khuyến nghị nội dung đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương trong ngành dệt may tại Việt Nam năm 2025 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt may Việt Nam hướng dẫn công đoàn cơ sở đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động để xác lập các bản thỏa ước lao động tập thể có điều khoản cao hơn luật về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, chế độ cho lao động nữ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Kết quả, có thêm 14 bản thỏa ước lao động tập thể được ký gia hạn, ký lại, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đạt loại B lên 11 bản.

Đáng chú ý, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ VI với Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Theo đó, xác lập được một số nội dung mới cao hơn luật gồm: Nâng mức ăn giữa ca của từng vùng lên 2.000 đồng/bữa; tặng quà cho người lao động nữ vào ngày 8/3 và 20/10 mỗi ngày ít nhất 50.000 đồng; hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tối thiểu 50.000 đồng/tháng và mở rộng phạm vi tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành đối với doanh nghiệp không thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam hoặc Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động nên công đoàn cơ sở cũng thường xuyên giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động, trong đó có việc giám sát, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, định lượng bữa ăn ca cho người lao động.

Công đoàn Dệt may Việt Nam thông tin, năm 2024, đã tổ chức kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 533 cuộc kiểm tra an toàn tại nơi làm việc, 456 cuộc kiểm tra các bếp ăn công nghiệp, 431 cuộc kiểm tra an toàn nước uống nên đã khắc phục được nguy cơ mất an toàn trong lao động, không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức 89 lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho 91.701 người; xây dựng, bổ sung 43 văn bản nội quy, quy trình làm việc an toàn; trang bị 300 cuốn sách “Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động” và “Hướng dẫn phương pháp chung nhận diện các yếu tố nguy hiểm, độc hại, đánh giá rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp” cho các công đoàn cơ sở.

Do làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động nên toàn hệ thống không xảy ra các trường hợp tai nạn lao động gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người lao động tại nơi làm việc.

Thực hiện tốt phong trào thi đua

Ngoài công tác chăm lo trực tiếp đời sống cho người lao động, năm qua, các phong trào thi đua nòng cốt của ngành tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Điển hình là phong trào “Lao động sáng tạo” nhằm phát huy các sáng kiến, cải tiến, công nghệ, các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác.

Năm 2024, toàn ngành có trên 1.715 sáng kiến được công nhận và ứng dụng làm lợi gần 58 tỷ đồng. Đã có 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất và hạng Ba, 1 cá nhân tiêu biểu được Tổng Liên đoàn tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh, 1 cá nhân được tôn vinh Chủ tịch công đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc lần thứ V, 16 cá nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo và 2 cá nhân được đề cử tham dự Hội nghị toàn quốc biểu dương công nhân lao động là đảng viên lần I năm 2025 nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/2025)...

Ngày hội Lao động sáng tạo lần thứ IV - năm 2024 thu hút sự quan tâm của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Thanh Tâm

Ngày hội Lao động sáng tạo lần thứ IV - năm 2024 thu hút sự quan tâm của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Thanh Tâm

Ngoài ra, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã phối hợp với Tập đoàn tổ chức thành công Ngày Hội lao động sáng lần thứ IV. Kết quả có 8 tập thể đạt giải "Tập thể lao động sáng tạo tiêu biểu", 18 tác giả/nhóm tác giả đạt giải ở cả 2 lĩnh vực May - Quản lý điều hành- khác và sợi - dệt - nhuộm; 57 tác giả/nhóm tác giả đạt giải phong trào và 10 tập thể đạt giải "Gian hàng tiêu biểu" với tổng số tiền thưởng trị giá 395 triệu đồng.

Các cấp công đoàn trong hệ thống còn phối hợp với chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tìm mọi giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động. Năm 2024, có 7 doanh nghiệp trong hệ thống được bình chọn vào Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” cấp quốc gia, 12 doanh nghiệp được tôn vinh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp ngành.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cũng được phát động và triển khai sâu rộng... Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam: Những kết quả nổi bật được các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam nỗ lực thực hiện trong năm 2024 đã góp phần tạo nên dấu ấn, lan tỏa sự đoàn kết, gắn bó và không khí phấn khởi trong công nhân viên chức lao động; góp phần quan trọng thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp và toàn hệ thống.

Còn những thách thức cần hóa giải

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác phát triển đoàn viên chưa đạt kết quả như mong muốn; công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở chưa phát huy được vai trò, cán bộ phụ trách còn lúng túng trong triển khai thực hiện…

Ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo, năm 2025, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với những thách thức do nhu cầu thị trường chưa ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất, lực lượng lao động có xu hướng giảm trong khi tuyển dụng mới khó khăn; đặc biệt là yêu cầu “xanh hóa” từ chuỗi sản xuất đến cung ứng. Ngoài ra, trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU..., buộc doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng nếu không muốn bị đào thải.

Trước những khó khăn, thách thức, Công đoàn Dệt may Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là đồng hành với doanh nghiệp và người lao động khắc phục khó khăn, tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” - bà Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Với các thành tích đạt được, năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng 7 cờ, 36 bằng khen cho 43 tập thể và cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh”, đồng thời tặng 2 cờ, 7 bằng khen chuyên đề văn hóa thể thao, an toàn vệ sinh lao động cho các tập thể và cá nhân. Công đoàn Dệt may Việt Nam tặng 34 cờ, 60 bằng khen toàn diện cho các đơn vị cơ sở và 162 cá nhân xuất sắc.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-lao-dong-nganh-det-may-truoc-suc-ep-xanh-hoa-366740.html
Zalo