Người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhiều người lao động mong muốn Bộ LĐ-TB&XH sửa Luật Việc làm theo hướng tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư lớn.

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất tiếp tục giữ mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện hành, nhưng người lao động mong muốn tăng lên.

Mức chi cho người lao động quá ít

Luật Việc làm (sửa đổi) vẫn giữ nguyên quy định: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng gần nhất, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người đóng từ 12 tháng đến dưới 36 tháng sẽ hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng thì cộng 1 tháng hưởng, tối đa không quá 12 tháng. Người đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp (tức 12 năm) sẽ hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.

 Người lao động đang tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội giao dịch tư vấn việc làm.(Ảnh minh họa: P.PHONG)

Người lao động đang tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội giao dịch tư vấn việc làm.(Ảnh minh họa: P.PHONG)

Góp ý cho quy định trên, chị Trần Thị Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho rằng trước dịch COVID-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư 90.000 tỉ đồng. Sau đó, Chính phủ đã dùng quỹ này để trợ giúp người lao động gặp khó khăn, nhưng hiện quỹ vẫn đang kết dư gần 60.000 tỉ đồng, cho thấy mức thu quỹ đang vượt xa mức chi.

Thực tế, các doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động theo 2 bảng lương, trong đó lương để đóng BHXH thường ở mức rất thấp. Do đó, khi người lao động nghỉ việc chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức 2-3 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống.

“Vì vậy tôi cho rằng cần điều chỉnh tăng tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp để người lao động thấy có lợi và tham gia quỹ này”- chị Trang góp ý.

Đồng quan điểm, anh Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, cho hay với việc quỹ đang kết dư lớn cần sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, cùng với đó tăng quyền lợi cho người hưởng.

Đặc biệt, cần có chính sách nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm do thiên tai, dịch bệnh từ quỹ.

Nên tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, thay vì 60% như hiện hành.

Thực tế, đa số doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động đảm bảo được mức sống tối thiểu khi mất việc làm.

Cạnh đó, ông Hiểu nhấn mạnh hiện nhiều người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn không thất nghiệp lần nào, họ sẽ không được hưởng quyền lợi gì từ phần đã đóng. Do vậy, không ít người đã xin nghỉ việc một năm trước khi nghỉ hưu để hưởng được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị: Những người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, không quy định thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 12 tháng, chỉ quy định thời gian hưởng tương ứng với thời gian đóng. Bởi lẽ, mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp được dự thảo quy định là “bảo đảm việc làm”, không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng quỹ được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh... trong thời gian tương ứng với thời gian đóng.

Thêm vào đó, giới hạn thời gian hưởng tối đa sẽ dẫn đến hệ quả người lao động sau khi làm đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí nhiều người rút BHXH 1 lần vì họ đã đóng BHXH từ rất sớm.

Còn đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng dự luật quy định mức trần đóng là “không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng”, trong khi chỉ cho hưởng tối đa “không quá 5 lần lương tối thiểu vùng” là chưa hợp lý.

“Như vậy những người lương cao sẽ đóng cao hưởng ít, chưa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp”- đại diện doanh nghiệp góp ý.

Liên quan đến những đề xuất này, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người khi bị mất việc làm. Mức hưởng trên cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.

Thêm vào đó, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro cao. Song song đó, việc quy định mức trần hưởng trợ cấp thất nghiệp phù hợp với nguyên tắc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị mất việc làm, đồng thời đảm bảo khả năng cân đối thu chi của quỹ.

“Nên giữ ở mức bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp”- đại diện cơ quan soạn thảo cho hay.

Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp luôn vượt số chi. Hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp lên đến gần 90.000 tỉ đồng.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều. Các năm 2022 và 2023, số thu - chi đã tiệm cận nhau.

Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ khoảng 59.357 tỉ đồng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-lao-dong-mong-muon-tang-muc-huong-tro-cap-that-nghiep-post800128.html
Zalo