Người lao động cần mức lương đủ sống
Nhiều doanh nghiệp vẫn dựa vào mức lương tối thiểu để tính lương cho người lao động, nhằm tối ưu hóa chi phí. Trong khi người lao động cần mức lương đủ sống thay vì mức lương tối thiểu.
Một chính sách tiền lương phù hợp sẽ tạo động lực cho người lao động làm việc, tăng năng suất lao động. Công ty ít việc, thời gian làm thêm không nhiều nên mức lương của một người lao động vào khoảng 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã cao hơn 2 triệu đồng so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho vùng I thuộc địa bàn Hà Nội.
Mặc dù tiền lương đã tăng nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Mỗi tháng, chị Bùi Thị Sắc làm nghề công nhân phải chi tiêu dè sẻn trong khoảng 3 triệu đồng, số tiền 4 triệu đồng còn lại gửi về quê.
Chị Bùi Thị Sắc (huyện Đông Anh) cho biết: “Những chị em công nhân như chúng tôi mong muốn được làm thêm để có thêm thu nhập, phụ cấp lo cho con cái. Bởi mỗi năm, chi phí cho con cái đi học mỗi lớn. Mức lương như hiện tại không đủ, cuộc sống khó khăn”.
Lương tối thiểu là mức duy trì cuộc sống tối thiểu của người lao động mà không có tích lũy. Theo khảo sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thực hiện, làm cơ sở cho đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tới đây, người lao động đều có nguyện vọng điều chỉnh lương trong năm 2025.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Qua khảo sát ban đầu, ý kiến của người lao động mong muốn được điều chỉnh tăng thêm tiền lương để bù đắp cho các chi phí tăng thêm như: chuyển đổi nghề, chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt, trượt giá tăng cao trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”.
Bên cạnh điều chỉnh mức lương tối thiểu, các chuyên gia cho rằng, cần sớm tính đến mức lương đủ sống, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm, chăm sóc y tế, giáo dục và có một phần tích lũy cho người lao động. Lộ trình này cần đạt được trong 10 năm tới.
Ông Lê Đình Quảng - Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: “Các nước phát triển trên thế giới đã tính đến mức lương đủ sống. Đây là sàn mà một số ngành quy định, người lao động khi bước vào ngành đó, họ sẽ có mức lương đủ sống. Nghĩa là mức lương đủ sống, mức lương đàng hoàng, để đảm bảo họ có thể làm việc theo giờ làm việc tiêu chuẩn (8 tiếng). Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và có bước đi phù hợp”.
Ông Phạm Minh Huân - Chuyên gia về lao động, tiền lương cho biết: “Để lương đủ sống đòi hỏi phải thỏa thuận tiền lương. Đây là cơ chế giữa người lao động, đại diện người lao động với người sử dụng lao động phải tìm ra điểm cân bằng. Cũng có những doanh nghiệp làm tốt điều này nhưng cũng có doanh nghiệp không làm tốt. Thương lượng tiền lương đòi hỏi năng lực của cán bộ công đoàn đại diện cho người lao động ở từng doanh nghiệp. Chúng ta phải biết thông tin của người sử dụng lao động, cũng như phải biết được lợi nhuận của doanh nghiệp để thỏa thuận tiền lương phù hợp”.
Trong bối cảnh lương tối thiểu vùng hiện tại còn thấp, lương đủ sống cần có lộ trình thực hiện, người lao động cần có các chính sách đãi ngộ từ doanh nghiệp và hỗ trợ giảm chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống.