Người lặng lẽ sống cùng lịch sử
'Chị ơi, ông Giong mất rồi!', tiếng cô bạn nghẹn ngào báo tin qua điện thoại khiến tôi lặng người. Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu của đời người, thế nhưng thật khó để nói lời vĩnh biệt với những người mà ta vô cùng thân thiết, quý trọng. Đối với tôi, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên cán bộ Phòng Tổng hợp-Kế hoạch, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chính là như vậy.
Ông sinh năm 1926 ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Thời Pháp thuộc, gia đình ông là nhà buôn sắt thép đầu tiên ở Hà Nội, có cửa hàng kinh doanh nổi tiếng tại số 18 phố Lò Rèn. Nguyễn Bội Giong là con thứ 7 trong nhà, học giỏi và thi đỗ vào Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An ngày nay), giành học bổng bán phần, rồi toàn phần. Ông được anh trai là Nguyễn Hồng Giám (tức Minh Đăng, liệt sĩ) giác ngộ, tham gia Việt Minh và được giao làm tổ trưởng tổ thanh niên cứu quốc tại vùng Sét (khu vực thuộc Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát hiện nay) từ tháng 3-1945. Trong Lễ tuyên ngôn độc lập 2-9, ông vinh dự dẫn đầu đội tự vệ chiến đấu gồm 21 người bảo vệ khu vực phía Tây Quảng trường Ba Đình.

Đại tá Nguyễn Bội Giong. Ảnh: NGUYỄN HẠNH
Những ngày toàn quốc kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, ông vận động em gái Nguyễn Thị Kim Tuyến, em trai Nguyễn Bác Văn và Nguyễn Thịnh Đạt... gia nhập Quyết tử quân, ở lại bảo vệ Thủ đô cho đến khi được lệnh rút lên chiến khu. Thu-Đông năm 1947, đang là học sinh Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 3 thì Nguyễn Bội Giong và các bạn học phải đối đầu với cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Dù bị thương khá nặng vào chân nhưng ông vẫn cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ căn cứ địa an toàn.
Do cơ duyên nghề nghiệp, tôi đã gặp nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh. Họ đều có chung nhận xét, Nguyễn Bội Giong là một con người đặc biệt với trí tuệ và khả năng tư duy khoa học hiếm có. Vì vậy, ông là một trong những trường hợp đặc biệt của Quân đội ta, từng làm Bí thư Quân sự của các Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn trong nhiều năm; là phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch quan trọng như: Biên giới (1950), Tây Bắc (1952), Điện Biên Phủ (1954)...
Là học sinh Trường Bưởi nên ông rất giỏi tiếng Pháp. Trong quá trình công tác, do thường xuyên làm việc với các cố vấn Trung Quốc và chuyên gia Liên Xô, ông tự học thêm tiếng Nga, tiếng Trung. Tuy không thông thạo như tiếng Pháp nhưng cũng đủ để khi học tập tại Học viện Quân sự Chính trị Trung ương Trung Quốc và Đại học Frunze (Liên Xô), ông đều đạt loại giỏi. Năm 1989, nghỉ công tác khi đã ở tuổi 63, ông tích cực tham gia ban vận động thành lập Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, hoạt động hơn 10 năm mới trở ra Hà Nội sinh sống.
Những năm kháng chiến, trên cương vị là Bí thư Quân sự kiêm Trợ lý Tham mưu tác chiến, do thường xuyên tháp tùng các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội ta dự các cuộc họp quan trọng của Trung ương nên Nguyễn Bội Giong vinh dự nhiều lần được gặp và trò chuyện với Bác Hồ. Một trong những lời dặn của Bác mà ông đau đáu ghi nhớ là việc nên đem tri thức của mình truyền lại cho người khác.
Để thực hiện lời dặn dò của Bác, ông đã có một cách làm rất đặc biệt: Dạy ngoại ngữ miễn phí và sẵn sàng đón nhận các sinh viên quê xa, có hoàn cảnh khó khăn về ở cùng, không lấy tiền trọ và hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học tập cho đến khi họ có thể độc lập được. Hàng trăm bạn trẻ đã được ông giúp đỡ như thế. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, là bác sĩ, giáo viên, doanh nhân thành đạt. Căn gác nhỏ rộng hơn 20m2 nằm trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) do Nhà nước cho "thuê" từ những năm 80 của thế kỷ trước chính là nơi ông dang rộng vòng tay đón các bạn trẻ cần giúp đỡ. Ông thường nói với tôi: “Con cái đều khá giả, bản thân ông cũng có thu nhập ổn định từ lương hưu và trợ cấp theo chế độ của Nhà nước, có điều kiện thay đổi chỗ ở mới khang trang hơn. Nhưng ông vẫn muốn có một cuộc sống đơn giản và để các bạn trẻ ông cưu mang không e ngại”.
Những lần tới căn gác nhỏ ấy của ông, tôi luôn gặp các bạn trẻ, cũ có, mới có. Từ những người hoàn toàn xa lạ, được ông giúp đỡ mà các em trở thành một gia đình. Những “hạt giống” được ông ươm mầm đã gặt hái nhiều thành công như: Tô Như Hạnh-nữ sinh đầu tiên được ông dạy tiếng Pháp-nay đã có bằng chứng nhận “Bác sĩ châu Âu”, đang làm việc tại bệnh viện nổi tiếng ở Pháp; bác sĩ Tú Anh, quê ở Phú Thọ, hiện đang làm việc tại Bệnh viện K; hay chị em Trịnh Thị Mùa, Trịnh Thị Mơ ở làng Nôm (Hưng Yên) được ông cho ở nhờ trong suốt thời gian học đại học nay đã trở thành những doanh nhân thành đạt...
Một thế kỷ lặng lẽ sống cùng lịch sử, đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, rồi bước vào công cuộc dựng xây đất nước, Đại tá Nguyễn Bội Giong vẫn miệt mài truyền lửa cho người trẻ và dang rộng vòng tay bao bọc những hoàn cảnh khó khăn. Đến khi lâm bệnh, phải vào bệnh viện phẫu thuật hơn một năm trước, buộc phải dừng mọi hoạt động, ông mới cho phép mình ngơi nghỉ. Trước Tết nguyên đán vừa qua, ông vẫn bảo cô Thương giúp việc gọi tôi đến để ông kể chuyện chiến đấu cho nghe. Bộ óc bách khoa toàn thư ấy vẫn không ngừng làm việc. Trí nhớ vẫn được ông sắp xếp một cách khoa học, mạch lạc. Tôi vẫn thường kể với bạn bè về những lần được “hầu chuyện” ông. Sau khi đặt vấn đề, gợi mở đề tài để ông suy nghĩ, đến khi bắt đầu cuộc trò chuyện, tôi chỉ cần ghi chép đúng những gì ông kể là bài viết đã cơ bản hoàn thành.
Từ ngày biết ông, đến nay đã hơn 10 năm, hầu như tuần nào ông cũng gọi ít nhất một cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe và dặn tôi thu xếp thời gian đến ông kể chuyện cho mà nghe. Đại tá, lão thành cách mạng Nguyễn Bội Giong chính là người truyền cảm hứng cho những bài viết của tôi!