UNESCO công nhận 3 di tích ở Campuchia là Di sản văn hóa thế giới

3 di tích cùng các chứng tích lịch sử với nhiều hiện vật trên mặt đất và dưới lòng đất, được xác dịnh là vùng lõi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, bên cạnh vùng đệm là các công trình kiến trúc, địa điểm và cảnh quan môi trường khác.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 11/7 đã công nhận 3 di tích lịch sử của Campuchia liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot, bao gồm Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ, là di sản văn hóa thế giới.

Chân dung các tử tù tại Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng

Chân dung các tử tù tại Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng

Ba khu di tích vừa được UNESCO vinh danh là nơi lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử như hệ thống nhà tù, hố chôn người tập thể, cùng các chứng tích lịch sử với nhiều hiện vật trên mặt đất và dưới lòng đất, được xác dịnh là vùng lõi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, bên cạnh vùng đệm là các công trình kiến trúc, địa điểm và cảnh quan môi trường khác.

Nằm ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21) trước đây là nhà tù an ninh S21, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Duch hay Kaing Guek Eav - đồ tể khét tiếng dưới thời Pol Pot. Đây là trung tâm giam giữ, thẩm vấn và tra tấn tàn bạo dưới chế độ Khmer Đỏ từ năm 1975-1979. Di tích này cũng đã được UNESCO ghi danh trong Chương trình Ký ức thế giới năm 2009.

Hơn 8.000 hộp sọ được trưng bày ở tòa tháp trung tâm khu di tích Choeung Ek đều bị thủng, vỡ, rạn

Hơn 8.000 hộp sọ được trưng bày ở tòa tháp trung tâm khu di tích Choeung Ek đều bị thủng, vỡ, rạn

Cũng tại Thủ đô Phnom Penh, di tích lịch sử Cánh đồng chết Choeung Ek hay Trung tâm Diệt chủng Choeung Ek (phường Choeung Keng, quận Dangkor) từng là nơi diễn ra các cuộc hành quyết tập thể tù nhân dưới thời Pol Pot, sau khi giam cầm và hỏi cung, tra tấn họ tại Nhà tù Tuol Sleng.

Trong khi đó, di tích Nhà tù M.13 cũ nằm giữa hai tỉnh Kampong Chhnang và tỉnh Kampong Speu. M.13 cũng là khu biệt giam từng nằm dưới sự quản lý của đồ tể Duch vào năm 1972.

Ngày 25/2 vừa qua, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký sắc lệnh hoàng gia thành lập “Khu di tích tưởng niệm của Campuchia: Từ tội ác đến hòa bình”, bao gồm 3 địa điểm lịch sử nêu trên. Trong đó nhấn mạnh mục đích bảo vệ và bảo tồn các hiện vật và tài liệu lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, cũng như nâng cao nhận thức, hoạt động nghiên cứu và giáo dục nhằm thúc đẩy hòa giải và hòa bình ở Campuchia.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã gửi thông điệp chào mừng đất nước có thêm các di tích lịch sử được UNESCO vinh danh.

Bên cạnh việc hiệu triệu người dân tham gia hoạt động chào mừng sự kiện này vào sáng 13/7, Thủ tướng Hun Manet cũng kêu gọi toàn thể nhân dân Campuchia cùng dâng hoa và tiến hành hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot tại các di tích tưởng niệm của Campuchia vào ngày 11/7 hằng năm.

Những du khách thăm quan khu di tích không kìm được cảm xúc

Những du khách thăm quan khu di tích không kìm được cảm xúc

Ba di tích lịch sử nêu trên nằm trong bộ hồ sơ “Di tích tưởng niệm của Campuchia: Từ địa điểm tội ác đến trung tâm hòa giải và hòa bình”, được đệ trình chính thức vào ngày 27/3/2020. Đây là cụm di sản văn hóa thứ 5 của Campuchia được UNESCO công nhận, sau các di tích lịch sử gắn với các đền tháp cổ đã được vinh danh trước đây, bao gồm quần thể đền Angkor Wat (năm 1992), đền Preah Vihear (năm 2008), đền Sambor Prei Kuk (năm 2017) và đền Koh Ker (năm 2023).

Văn Đỗ-Tuấn Anh/VOV-Phnom Penh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/unesco-cong-nhan-3-di-tich-o-campuchia-la-di-san-van-hoa-the-gioi-post1214313.vov
Zalo